(TCTG) - Là đơn vị đứng chân trên địa bàn vùng biên giới xã Ia Krê, huyện Đức Cơ (Gia Lai), nơi có nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Công ty 75 - Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng), đã góp phần rất lớn vực dậy nền kinh tế của vùng biên ải đầy nắng gió, đời sống bà con được nâng cao, trình độ văn hóa xã hội được cải thiện, an ninh chính trị vùng biên giới được giữ vững. Đặc biệt, nhiều làng công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ đã được hình thành và trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, trở thành những làng công nhân "triệu phú" trên vùng biên giới.
Bà Rơ Mah Phí, dân tộc Ja Rai, ở làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ cho biết: bắt đầu làm công nhân cao su tại đội 13, Công ty 75, Binh đoàn 15 từ năm 1996. Trước đó, đời sống của gia đình bà rất cực khổ, phải lo bữa ăn từng ngày, nhất là những tháng giáp hạt, gia đình phải ăn tạm củ sắn, củ khoai cho qua bữa. Từ ngày vợ chồng bà vào làm công nhân cao su, đời sống thay đổi hẳn. Làm công nhân cho Công ty, gia đình không còn phải lo từng bữa ăn hàng ngày nữa, đời sống được nâng lên, con cái được học hành đầy đủ.
Giống như gia đình bà Rơ Mah Phí, gần 100 hộ dân tộc Ja Rai trong làng Poong, xã Ia Dơk đều đã ổn định về đời sống. Hầu hết các hộ đều đã xây được nhà to đẹp, có hộ xây được nhà trị giá cả tỷ đồng.
Ông Rơ Mah Mrao, đội phó đội 13 cho biết: Lúc đầu thấy công ty vào trồng cao su trên đất của dân làng Poong, mình phản đối quyết liệt lắm. Cứ nghĩ công ty lấy mất đất rồi bà con lấy gì sản xuất, lấy gì sống. Thế nhưng, khi được cán bộ công ty vận động, tuyên truyền ông đã hiểu ra Công ty trồng cao su để phát triển kinh tế, giúp bà con thoát cái nghèo, cái đói, cái lạc hậu. Nhờ làm công nhân cho Công ty mà giờ dân làng Poong không còn nghèo, còn đói như trước. Giờ nhà nào cũng có 2 - 3 chiếc xe máy, xe công nông, máy cày… con cái được học hành đầy đủ. Nhiều nhà còn xây được nhà lầu, mua được ti vi, tủ lạnh… đời sống ổn định.
Để giúp công nhân, người lao động yên tâm khi đi làm, tại mỗi đội sản xuất của Công ty 75 đều xây một điểm trường mầm non và có các cô giáo phụ trách lớp. Con em của công nhân, người lao động trong Công ty sẽ được gửi vào trường. Tại đây, các cháu được chăm sóc chu đáo. Cùng với khoản đóng góp của cha mẹ, mỗi cháu được Công ty hỗ trợ thêm 5.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Đồng thời, Công ty còn xây dựng một trạm xá với 2 bác sĩ, 3 y sĩ và 6 sơ cấp, trang bị một số máy móc hiện đại đảm bảo khám, chữa bệnh kịp thời, miễn phí cho công nhân, người lao động.
Việc hỗ trợ vốn để công nhân, người lao động phát triển kinh tế hộ gia đình cũng được lãnh đạo Công ty quan tâm, tạo điều kiện. Từ đó, tạo động lực giúp công nhân vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng. Đến nay, đã có 70% gia đình công nhân, người lao động trong công ty có vườn cây, ao cá, trại chăn nuôi, .v.v.. cho thu nhập từ 50 – 300 triệu đồng mỗi hộ mỗi năm.
Đại tá Đỗ Văn Sang, Giám đốc Công ty 75 chia sẻ: Công ty hiện có hơn 3.400 công nhân, người lao động, trong đó hơn 30% là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hiện nay, mức lương bình quân mỗi công nhân hơn 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công nhân, người lao động trong công ty còn được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm, khám chữa bệnh miễn phí... Đồng thời, Công ty còn tạo điều kiện để nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, đã có nhiều hộ, nhiều làng công nhân trở thành triệu phú, an tâm gắn bó với công ty, góp phần phát triển kinh tế, giữ ổn định tình hình an ninh, trật tự vùng biên giới./.
TTXVN