Xã đảo Hòn Tre nằm cách thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) hơn 30 km về hướng tây và để đến được đảo phải mất nhiều thời gian ngồi tàu. Cách trở là vậy nhưng có những người trẻ đã dành phần lớn tuổi thanh xuân của mình bám trụ và "gieo chữ” cho trẻ em nghèo nơi đây...
Mùa biển lặng...
Đoàn chúng tôi ra thăm đảo đúng vào mùa biển lặng nên chỉ mất chừng hơn 1 tiếng đồng hồ đi tàu đã ra tới xã đảo Hòn Tre. Nhìn từ xa, đảo như một con rùa khổng lồ nổi trên mặt biển. Vì vậy ngoài tên thường gọi, ngư dân địa phương còn gọi đảo này là Hòn Rùa.
Ở Hòn Tre hầu như còn rất hoang sơ, dân cư sống thưa thớt và tính tới nay mới có khoảng 1000 nóc nhà xung quanh đảo. Trên đảo chỉ có một con đường duy nhất chạy đúng một vòng quanh đảo, dài khoảng 12 km. Con đường nằm trong chương trình biển Đông – biển đảo của Bộ Quốc phòng và chỉ mới được hoàn thành vào cuối năm 2008. Anh Năm Bé, một người dân thạo đường ở đảo dẫn chúng tôi đi quanh một số di tích ghi dấu về một làng chài trên đảo đã có từ lâu đời, như Đuôi Hà Bá, Bãi Chén và Động Dừa. Mùa này, có rất nhiều tàu bè từ nhiều nơi tới neo đậu quanh đảo. Theo ngư dân địa phương, tàu bè tới đảo neo đậu nhiều là bởi vì ở Hòn Tre đang xây dựng tuyến đê bao chắn sóng, khi hoàn thành sẽ là nơi tàu bè tránh bão lý tưởng nhất.
Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó Bí thư xã đảo Hòn Tre cho biết, dự án đê chắn sóng tại Hòn Tre là một trong 13 dự án khu trú bão cấp vùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 160 tỷ đồng. Hiện nay dự án đã hoàn thành khoảng trên 800/1000m chiều dài, ngoài ra các hạng mục kè – bến, khu vực đậu tàu, phao tiêu báo hiệu, trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn,...cũng đã được triển khai. Khi hoàn thành, khu vực xung quanh đảo có thể trở thành bến trú bão cho khoảng 1000 tàu thuyền đánh cá trong khu vực, tạo sự yên tâm cho ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ.
Theo ông Phong, vào năm 1997 từng có trận bão lịch sử khiến cho ngư dân các đảo Nam Du, Lại Sơn đến Hòn Tre bị thiệt hại nặng; tàu thuyền bị sóng nước đánh văng lên các vách đá ven đảo. Chính vì vậy công trình đê bao chắn sóng là hết sức cần thiết đối với ngư dân trên đảo.
Những người "gieo chữ” trên đảo
Dù đảo còn ít nhiều hoang sơ, cư dân sống thưa thớt và cuộc sống chủ yếu dựa vào ngư nghiệp, tuy nhiên nơi đây lại có một sức hút kỳ lạ đối với những người trẻ.
Sinh ra tại ấp Tân Khánh, xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhưng nặng lòng với biển đảo Kiên Giang, năm 1993 sau khi tốt nghiệp hệ Đại học từ xa Đại học Sư phạm Hà Nội, cô giáo trẻ Lâm Huỳnh Mai đã tự nguyện đăng ký về đảo Hòn Tre. Cô kể, lúc ra tới đảo mọi thứ còn hoang sơ, hoàn cảnh những gia đình ngư dân ở đây rất khó khăn nên con cái của họ cũng thất học, nhiều em đi học đến lớp 3, lớp 4 nhưng cũng lại phải nghỉ học để theo cha, chú đi biển. Cô Mai kể cho chúng tôi nghe về trường hợp học trò Châu Huỳnh Tú sinh ra và lớn lên trên đảo, học tới lớp 4 đã phải bỏ học theo chú đi biển. Tú học khá giỏi nhưng trước cảnh cha bỏ hai mẹ con vào đất liền lấy vợ khác, mẹ bị liệt nửa người vì bị tụ máu não nên Tú không còn tâm trí để tiếp tục học hành. "Lớp học lác đác học sinh, vận động các em đi học cũng rất khó và mình đã có những phút nản lòng... nhưng may mắn là thời gian ấy mình tình cờ quen một anh y sĩ ở Trạm y tế xã trong những lần đưa đón học sinh qua khám bệnh. Gặp nhau, rồi yêu và tụi mình bám trụ ở đây cho đến giờ”, cô Mai chia sẻ.
Không chỉ có trường hợp cô Lâm Huỳnh Mai, ở trường tiểu học Hòn Tre còn có 6 trường hợp giáo viên tự nguyện xin ra đảo công tác, có cô ra đảo dạy học đến nay đã ngót nghét hơn 20 năm. Trong số đó có cô Hoàng Thị Hoan (52 tuổi) là giáo viên gắn bó với đảo lâu nhất. Tính đến nay cô đã có 24 năm dạy học ở Hòn Tre.
Cô kể, quê của cô ở tận Ngọc Sơn, Đô Lương (Nghệ An), được phân công về phòng giáo dục huyện Kiên Hải năm 1987, trước khi chuyển về dạy học tại trường tiểu học Hòn Tre. "Thời gian đầu lương giáo viên thấp lắm (chỉ tương đương 13 – 15.000 đồng/tháng), có người còn phải ở trọ nhiều năm vì trường không sắp xếp được chỗ ở. Mỗi đêm về trằn trọc, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cứ trào lên, nhưng ban ngày vào lớp, nhìn các em học trò nhỏ cứ quấn quýt, tôi lại thấy mình không thể bỏ nghề”. Cứ thế cô Hoan gắn bó với Hòn Tre, với những con em ngư dân ở đây 24 năm ròng, quả là một thành tích đáng nể đối với những cô giáo, thày giáo trẻ mới ra đảo nhận công tác.
|
Cô Hoàng Thị Hoan tự nguyện xin ra đảo công tác,
đến nay đã ngót nghét 24 năm
Ảnh: HỒNG PHÚC |
Cô kể hồi mới ra đảo, có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười. Chuyện là mỗi lần lên lớp, cô nói mặc cô, học trò vẫn cứ mắt chữ O, miệng chữ A, không thể hiểu giọng nói Nghệ An đặc sệt của cô. Không chịu thua, cô Hoan kiên trì chỉnh "giọng địa phương” theo đúng "kiểu” miền Nam. Mỗi ngày, sau giờ dạy học, cô lại tự luyện giọng giảng bài. Sự kiên trì của cô chính là động lực lớn giúp cô trụ lại đảo và gắn bó với các em nhỏ đến bây giờ. Khi tôi hỏi: "Dự kiến cô còn ở Hòn Tre thêm bao lâu nữa?”, có tiếng cười khúc khích của các cô giáo trẻ và câu trả lời thay: "Tôi làm đến khi về hưu anh nhà báo ạ”, cô Hoan cười nghiêng ngả.
Gặp và nói chuyện với người giáo viên tận tâm, chúng tôi còn hết sức thán phục khi hằng ngày cô Hoan vẫn phải đi đi về về giữa đảo và đất liền vì chồng và con của cô đều ở Rạch Giá. Cách trở là vậy nhưng với tình yêu nghề cháy bỏng, cô tâm niệm sẽ gắn bó với học trò ở đảo xa đến khi được cho về nghỉ hưu (cô cười).
Ngoài cô Mai và cô Hoan, cũng có những cô giáo trẻ lên đảo lúc ban đầu với ý nghĩ chỉ thực tập vài năm rồi trở lại đất liền, nhưng rồi ra đảo, gặp và dạy những lứa học trò nghèo, các cô đều không giấu được lòng trắc ẩn. "Có cô về đất liền được một năm, cũng đã có công việc ổn định ở trong ấy nhưng rồi nhớ đảo, nhớ học trò, thế là lại bắt chuyến tàu ra đây, giờ vẫn còn dạy ở trường”, một giáo viên cho biết.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng những thầy cô giáo trẻ đến với Hòn Tre đều có chung những tình cảm gắn bó với những trẻ em nghèo xóm chài trên đảo. Tình cảm đặc biệt ấy khiến mỗi thành viên trong đoàn công tác chúng tôi không khỏi bịn rịn, quyến luyến khi chia tay.
THÀNH LUÂN/ĐĐk