Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 5/11/2011 10:53'(GMT+7)

Y tế trường học: Liên kết trách nhiệm, tạo bước chuyển mới

Học tập trong những ngày phòng chống bệnh cúm A/H1N. (Ảnh minh hoạ).

Học tập trong những ngày phòng chống bệnh cúm A/H1N. (Ảnh minh hoạ).

Chuyển biến rõ nét về công tác y tế trường học (YTTH) trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg là ngoài vai trò nòng cốt của Bộ GD&ÐT và Bộ Y tế, công tác YTTH đã huy động được sự phối hợp tham gia chặt chẽ của các bộ, ngành; sự vào cuộc quyết liệt của UBND các cấp; sự ủng hộ, chung tay góp sức của cha mẹ học sinh, các tổ chức trong nước, quốc tế và của toàn xã hội. Vì vậy, công tác YTTH đã tạo được diện mạo mới, không còn mang tính tự phát.

Việc thành lập Ban chỉ đạo về công tác YTTH ở cấp bộ, tại địa phương và trong các nhà trường đã tạo điều kiện cho hoạt động YTTH quy chuẩn, bài bản hơn từ khâu chỉ đạo xuyên suốt đến triển khai toàn diện. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá thường xuyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác YTTH của cơ sở. Quy định có biên chế cán bộ YTTH chuyên trách tại các trường học, bảo đảm chế độ, điều kiện làm việc để cán bộ YTTH thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho HSSV, gắn tiêu chí thi đua khen thưởng về YTTH với đánh giá thi đua hằng năm, việc đẩy mạnh truyền thông giáo dục về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HSSV đã tạo "đòn bẩy" góp phần củng cố và kiện toàn mạng lưới YTTH, đồng thời nâng cao nhận thức không chỉ trong ngành giáo dục, y tế mà của toàn xã hội về vai trò cấp thiết, trọng yếu của công tác này.

Công tác YTTH thời gian qua đã thật sự có những bước chuyển về "lượng" và "chất". So sánh giữa thời điểm bắt đầu triển khai chỉ thị (năm 2006) và sau 5 năm (năm 2011) cho thấy, tỷ lệ cán bộ y tế chuyên trách công tác này ngày càng cao, ở các trường mầm non và phổ thông tăng từ 17,38% (năm 2006) lên 36,72% (năm 2011), số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác YTTH ở các trường đào tạo đã tăng lên 22,19%; số trường phổ thông có phòng y tế là 47,49% (năm 2006) đã tăng lên là 51,54% (năm 2011), số trường đào tạo có trạm y tế tăng từ 55,9% lên 70,3%; kinh phí dành cho YTTH của các trường mầm non và phổ thông tăng từ 10.374,9 triệu đồng năm 2006 lên đến 16.225,1 triệu đồng năm 2011, kinh phí dành cho công tác YTTH của các trường đào tạo cũng tăng từ 6.713 triệu đồng (năm 2006) lên đến 54.775,3 triệu đồng (năm 2011).

Với chủ trương "phòng bệnh hơn chữa bệnh", các dịch bệnh đã được ngăn chặn, khống chế kịp thời, không để lây lan trong trường học, các yếu tố nguy cơ phát sinh và gia tăng bệnh tật học đường được hạn chế, khắc phục. Minh chứng điển hình là 5 năm qua, chưa có dịch bệnh và ngộ độc lớn xảy ra trong trường học. Công tác khám, phân loại, quản lý hồ sơ sức khỏe HSSV ngày càng nền nếp và chất lượng nên đã phát hiện sớm và điều trị kịp thời những trường hợp HSSV có vấn đề về sức khỏe.

Thông qua việc lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vào chương trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe đã được lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống nên đã sinh động, hấp dẫn hơn. HSSV đã chuyển biến về nhận thức, được rèn luyện để hình thành các hành vi tốt, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, bệnh trong nhà trường và cộng đồng. Nhiều chương trình y tế trong các trường học như phòng, chống dịch bệnh (cúm A H5N1 và H1N1, sốt xuất huyết, lao, bệnh chân - tay - miệng), phòng chống bệnh tật học đường (bệnh về răng, mắt, cong vẹo cột sống), an toàn vệ sinh thực phẩm, suy dinh dưỡng, tai nạn thương tích, nước sạch vệ sinh môi trường, HIV/AIDS, v.v. đã được triển khai ngày càng hiệu quả và được địa phương tham gia đánh giá cao. Số HSSV tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng theo năm học...

Tuy nhiên, công tác YTTH còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các văn bản pháp quy liên quan còn chưa triệt để. Một số tỉnh chưa có Ban chỉ đạo YTTH cấp tỉnh, đội ngũ cán bộ YTTH vừa thiếu và yếu, chưa được đãi ngộ thỏa đáng, kế hoạch đầu tư cho giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe HSSV hằng năm chưa được quan tâm đúng mức, nguồn kinh phí còn thiếu... Ðặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, công tác YTTH còn gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất (nhất là ở các điểm trường) và kinh phí đầu tư.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác YTTH đang là đòi hỏi tất yếu trong Chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020. Thực tiễn đã chứng minh, để công tác này đi vào hoạt động thường xuyên, có chất lượng và đồng đều ở các vùng miền không thể thiếu sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước; cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay của toàn xã hội. Ngoài ra, cần có bộ máy tổ chức YTTH đủ mạnh từ trung ương đến địa phương để nâng cao hơn chất lượng công tác này. Muốn vậy, phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ YTTH, lấp dần các "khoảng trống" về đội ngũ cán bộ y tế, cùng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng, thường xuyên củng cố, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý YTTH trong công tác tham mưu, chỉ đạo. Cùng với nguồn nhân lực, việc đầu tư và bảo đảm về tài chính cũng là điều kiện trọng yếu.

Giải quyết triệt để, thỏa đáng các vấn đề cốt lõi nói trên sẽ góp phần tạo dựng một thế hệ HSSV - lực lượng lao động chính trong tương lai có trí tuệ, thể lực tốt, đáp ứng công cuộc CNH, HÐH đất nước và hội nhập quốc tế./.

PGS.TS. Trần Quang Quý 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất