Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 6/11/2011 11:19'(GMT+7)

Chi bộ Đảng xã Cát Quế (Hoài Đức - Hà Nội) nỗ lực hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xã Cát Quế (huyện Hoài Đức - Hà Nội) là một vùng quê ven sông Đáy. Với đặc điểm địa bàn rộng lớn (411,1 ha), dân số đông (xấp xỉ 17 nghìn nhân khẩu), lại ở 2 miền làng và bãi nên số lượng học sinh các cấp học rất đông. Trước năm 2008, cả xã chỉ có 1 trường THCS với gần 1000 học sinh, chia làm 27 lớp. Học sinh đi học chủ yếu là đi bộ. Có nhiều gia đình quá đông con, không có điều kiện quan tâm đến việc học hành của các con, đặc biệt là con gái, vì thế tỉ lệ bỏ học ở Cát Quế lúc nào cũng cao nhất huyện (chủ yếu là khối THCS). Mỗi năm trường THCS có khoảng 20-30 em bỏ học, nhất là sau Tết Nguyên đán (chiếm tỉ lệ xấp xỉ 3 %). Đây là điều trăn trở của lãnh đạo địa phương và các nhà trường, là bài toán nhiều năm chưa tìm ra lời giải đích thực.

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo: Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 1-4-2005 cuả Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, xã hội và TDTT; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế; Nghị quyết số 06/2009/NQ- HĐND ngày 17/7/2009 về việc đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và y tế cuả thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009 – 2015 (sau khi sáp nhập) cuả HĐND thành phố Hà Nội khoá VIII - kỳ họp thứ 8, cùng với việc nhìn nhận lại tình hình thực tế của địa phương, Đảng bộ và Uỷ ban nhân dân xã Cát Quế đã thông qua các cuộc họp các trưởng ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các nhà trường để bàn kỹ hơn về phương thức thực hiện, nhằm đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

Nguyên nhân của tình trạng bỏ học

Qua phân tích và tìm hiểu, có thể thấy, có một số nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học. Một là, phần lớn các em bỏ học đều có hoàn cảnh khó khăn như: nhà ở miền bãi ven sông, xa trường học, điều kiện đi lại học tập khó khăn (có em phải đi bộ từ nhà đến trường gần 3 km). Hai là, các em nữ bỏ học do gia đình vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, lại đông con; hoặc gia đình làm nghề phụ cần người làm, trong k1hi đó phụ huynh học sinh xác định con em họ chỉ cần học cho biết đọc, biết viết, rồi nghỉ ở nhà làm, sau vài năm là xây dựng gia đình... Ba là, một số ít học sinh do học kém nên sợ đến lớp, lâu dần thành mất gốc, bỏ học lâu cha mẹ mới biết. Bốn là, do tác động của xã hội, một số học sinh, sinh viên ra trường khó kiếm được việc làm ngay, dẫn đến nhân dân chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc học và quyền của trẻ em được đến trường, vì vậy khi con em họ nghỉ học, họ cũng không thuyết phục, động viên con em trở lại trường, lớp.

Tiếp đến là đề ra các giải pháp tháo gỡ

Trước hết, Ban Văn hóa xã hội của xã cùng với các nhà trường tiến hành rà soát phân loại học sinh bỏ học và tìm ra nguyên nhân của từng trường hợp để có cách vận động thích hợp. Trên cơ sở xác định, học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia theo hai nhóm nguyên nhân chính: nhóm thứ nhất - bỏ học do học tập kém, là trách nhiệm chủ yếu của ngành giáo dục; nhóm thứ hai - bỏ học do hoàn cảnh gia đình, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, các cơ quan hữu quan đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục, tăng cường chỉ đạo và đẩy mạnh việc huy động học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.

Tiếp đó, chi bộ Đảng và các đảng viên phân công trách nhiệm cụ thể của Đảng uỷ tới từng chi bộ, các ban ngành đoàn thể dựa vào thực trạng bỏ học của học sinh, kịp thời  đưa ra các biện pháp phù hợp.

Một là, xác định rõ việc học sinh bỏ học do học kém là trách nhiệm của nhà trường, Đảng bộ xã yêu cầu các chi bộ nhà trường cần có biện pháp vận động thu hút những học sinh bỏ học do học tập kém. Chi bộ nhà trường cùng với Ban giám hiệu đã vận dụng mọi biện pháp để nâng cao chất lượng đại trà, đặc biệt phân công Đảng viên dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém (không thu tiền).

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục cũng được xem là một giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiểu số học sinh yếu kém dẫn đến bỏ học. Vì vậy, các trường tích cực hưởng ứng cuộc vận động “hai không” và cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy và học; tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém; thường xuyên cập nhật tình hình, sớm phát hiện học sinh có nguy cơ bỏ học, xác định nguyên nhân để theo dõi, giúp đỡ kịp thời bằng nhiều biện pháp phù hợp (thông qua vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy cô giáo và bạn bè trong lớp).

Hai là, xác định học sinh bỏ học giữa chừng khi đang học THCS do gia đình, có phần trách nhiệm thuộc về Chi bộ khu dân cư, Đảng ủy quán triệt nhiệm vụ phải khắc phục tình trạng này đến từng chi bộ. Trong đó nêu rõ: nếu chi bộ nào để học sinh học chưa hết THCS đã bỏ học thì đồng chí bí thư chi bộ phải chịu trách nhiệm. Các chi bộ đều giao nhiệm vụ đến từng đảng viên - mỗi đảng viên phụ trách 5-10 gia đình cụ thể. Nếu thấy cháu nào có hiện tượng bỏ học, lập tức chi bộ cùng hội phụ huynh học sinh và các ban, ngành của thôn và dòng họ làm công tác vận động để động viên các em đến lớp. Nếu vì hoàn cảnh quá khó khăn, thôn sẽ giúp đỡ và đề nghị nhà trường miễn giảm các khoản đóng góp cho những em thuộc diện gia đình nghèo.

Hội phụ huynh học sinh ngành giáo dục và các địa phương củng cố, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc ngăn ngừa học sinh bỏ học, một mặt theo dõi chặt chẽ đối tượng có nguy cơ bỏ học, mặt khác kịp thời động viên các em tiếp tục đến trường.

Qua triển khai, đã có nhiều mô hình, cách làm hay cần được nhân rộng, như: chi bộ, tổ Đảng, các tổ chức Đoàn thể trực tiếp đảm nhận phụ trách theo dõi, hạn chế học sinh bỏ học ở địa phương; thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình để động viên, giúp đỡ học sinh đến trường. Việc thanh tra, kiểm tra công tác chống bỏ học được tiến hành thường xuyên, kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thực hiện chỉ đạo uốn nắn.

Ba là, những học sinh bỏ học do các nguyên nhân khác, thì các cấp, các ngành tăng cường thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho cha mẹ các em, và xem đây là một trong những giải pháp góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác cho học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, mồ côi, tàn tật; trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trường THCS Cát Quế B đã thực hiện tốt chủ trương cho học sinh diện chính sách, học sinh nghèo mượn sách giáo khoa, đảm bảo tất cả học sinh có đầy đủ sách giáo khoa để học tập, mở đợt quyên góp sách giáo khoa giúp học sinh nghèo đén trường...

Đồng thời, nhà trường giới thiệu để hội khuyến học, hội cựu giáo chức, các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ về vật chất cho các đối tượng này; luôn quan tâm cải thiện điều kiện và môi trường học tập của học sinh thông qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tổ chức tốt các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa-thể thao… nhằm thu hút học sinh đến trường và gắn bó với môi trường học tập của mình.

Ban DS-KHHGĐ cùng với Ban Văn hóa xã hội cũng tăng cường vận động học sinh bỏ học trở lại trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kế hoạch hoá gia đình, xây dựng mô hình ít con để chăm lo cho các em học hành đến nơi đến chốn; họp mặt tuyên dương học sinh điển hình, đỗ cao trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào các trường đại học, học sinh nghèo vượt khó học giỏi; đầu tư, tu sửa trường lớp, trang thiết bị phục vụ năm học mới. Đồng thời tiếp tục duy trì các lớp phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bố trí thời gian, địa điểm giảng dạy, học tập phù hợp để các học sinh nghèo vừa có thời gian học tập, vừa có điều kiện tham gia lao động phụ giúp gia đình.
 
Đặc biệt Ủy ban nhân dân xã còn tìm nguồn vốn để xây mới khu trường THCS gồm 18 phòng học ở khu dân cư miền bãi ven sông, tách trường THCS thành 2 khu riêng biệt, tạo điều kiện để các em học sinh miền bãi ven sông Đáy có thể đi lại học tập thuận tiện hơn.

Và kết quả đạt được

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, nên tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn đã có xu hướng giảm dần. Nếu như trước năm 2008 khi chưa tách trường, tỉ lệ bỏ học ở trường THCS là 35 em (xấp xỉ 3,5%) thì năm 2009 – 2010, tỉ lệ đó giảm còn 9 em, trong đó trường THCS Cát Quế A giảm 7 em và trường THCS Cát Quế B giảm 2 em. Năm 2010-2011, giảm còn 4 em, trong đó trường THCS Cát Quế A giảm 3 em và trường THCS Cát Quế B giảm 1 em.

Với thành tích hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm mạnh, cấp THCS của xã Cát Quế được Phòng giáo dục khen ngợi. Một số Đảng viên lđã nêu gương tốt trong việc vận động trẻ em bỏ học tiếp tục đến lớp, như đồng chí Cao Thanh Tùng, Nguyễn Ích Thọ (chi bộ THCS B), cô giáo Lê Hồng Vân (Trường THCS B), đ/c Lê Anh Quân (chi bộ THCS A), đ/c Nguyễn Thị Huê (Chủ tịch hội phụ nữ xã), đ/c Lê Thế Lý (Chi bộ 9), đ/c Mầu Tiến Đoàn (chi bộ 8)...

Có sự phối hợp của cấp uỷ Đảng các cấp với các ban, ngành, đoàn thể và việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xã giúp sức, tỉ lệ học sinh bỏ học ở Cát Quế đã ngày càng giảm thiểu. Đây không chỉ là một bài học kinh nghiệm quý báu của một xã, mà còn là một minh chứng sinh động cho sự đồng thuận của các cấp các ngành dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, góp phần để Cát Quế sớm hoàn thành tốt các mục tiêu của giáo dục, trở thành khu dân cư văn hoá, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Diễm Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất