Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 6/11/2011 16:24'(GMT+7)

Xin góp lời bàn về giáo dục phổ thông

 

Bản thân tôi qua mấy chục năm học tập, làm việc không lúc nào dám quên các kiến thức phổ thông, và những kiến thức ấy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc và trong đời sống. Nay vấn đề cải cách giáo dục đang được bàn luận sôi nổi, tôi xin góp vài lời bàn.

1. Hình tháp giáo dục:

Tôi thấy nhiều nước chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ lớp 1 đến lớp 9. Trong 9 năm đó trang bị đầy đủ hành trang cho một thanh niên bước vào đời. Các kiến thức cơ bản (và phổ thông) về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, văn hóa, phương pháp và ý thức công dân... sẽ là cơ sở cho phần lớn thanh niên sau đó được tiếp tục đào tạo thành công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên trung cấp, công nhân nông nghiệp, thợ thủ công, nhân viên công sở... Họ sẽ có kỹ năng làm việc, kỹ năng sống và sống có văn hóa.

Giai đoạn thứ hai, từ lớp 10 đến lớp 12 chỉ  dành cho khoảng 10% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 (90% đã đi vào trường trung cấp kỹ thuật, trường đào tạo nghề nghiệp...). 10% này là những học sinh thực sự có khả năng tiếp thu tốt kiến thức cấp III và nhắm thẳng vào các trường đại học theo định hướng ngành, như Toán - Lý - Hóa, Văn - Sử - Địa, Xã hội - Nhân văn hoặc Y – Sinh học – Nông nghiệp...

Kiến thức cấp III về hình ảnh chung khá giống với kiến thức cấp II, nhưng nâng lên cao hẳn, với số đông những người “học không giỏi“ là rất khó tiếp thu – 90% số học sinh cố “nhồi nhét” những thuật toán vi phân tích phân, những kiến thức rất cao về di truyền học, thực chất là “nhồi nhét“ để thi cho đỗ tốt nghiệp lớp 12, một tháng sau kỳ thi là quên hết, hoặc chỗ nhớ chỗ quên, nhưng trong cuộc sống nếu không học đại học thì thực chất cũng không dùng đến.

Như vậy, hình tháp giáo dục sẽ có một đoạn thắt hẳn vào ở cuối lớp 9. Một triệu bảy mươi vạn em học hết lớp 9 thì một triệu bốn mươi vạn em sẽ kết thúc giáo dục phổ thông, đi vào kỹ thuật, nghề nghiệp khi còn trẻ khỏe, chưa phải dùi mài kinh sách với những kiến thức cấp III khá khó, những phương trình phức tạp để mà cận thị, lòng khòng. Các em đã được trang bị đầy đủ. Về sau tùy theo khả năng phát triển, có thể tiếp tục học đại học. Khoảng 18 – 19 – 20 tuổi các em đã có thể làm việc, đóng góp cho đất nước và cho gia đình.

Chỉ còn ba mươi vạn em tiếp tục học cấp III (ở một số nước như CHDC Đức, Tiệp ngày trước gọi là gymnasium), là các trường chuẩn bị cho đại học theo định hướng. Sau 3 năm, khoảng hai mươi, hai mươi lăm vạn em sẽ đỗ vào các trường đại học mà các em đã có định hướng rõ rệt từ 3 năm trước.

Như vậy sẽ:

- Hết cảnh mỗi mùa hè một triệu sáu, một triệu bảy sĩ tử lên thành phố để thi đại học, để sau đó một triệu tư, một triệu rưỡi em trượt (đương nhiên trượt), sau đó ít ra là ủ rũ chán chường, có em ôm hận năm sau phục thù, có em xấu hổ bỏ nhà đi, có em bế tắc tới mức quyên sinh, bỏ cả cuộc sống. Phần lớn trong số triệu tư, triệu rưỡi đó lúc ấy mới đi học nghề, học trung cấp kỹ thuật, khi đã 18 tuổi, đã cận thị vì học nhiều, 21, 22 tuổi mới bắt đầu đi làm.

- Hết cảnh thực chất không đủ năng lực thi vào đại học, phải cố đi thi như một con đường tiến thân duy nhất, để mà ngồi phòng thi cắn bút, nộp giấy trắng, được điểm liệt, điểm không, hoặc dùng đủ mọi cách để gian lận ngay ở đoạn đầu đời.

- Giảm hẳn kinh phí đào tạo phổ thông và tổ chức thi cử (cho Nhà nước, cho xã hội và cho từng gia đình). Xin tính một phép tính rất thô sơ chỉ về tổn hao tài chính, không kể hao phí thời gian và các thứ khác: Mỗi em ăn học 3 năm ít nhất hết 15 triệu, đi thi hết 1 triệu đồng, tổng cộng là 16 triệu. 24 ngàn tỷ đồng chi trong 3 năm cho một triệu rưỡi em học hết cấp III, không vào đại học và rất sớm quên các kiến thức học ở cấp III. Nếu các em sớm chuyển sang đào tạo nghề nghiệp, đi làm sớm được 4 năm, mỗi năm làm ra sản lượng ít nhất 50 triệu đồng thì xã hội có thêm 300 ngàn tỷ đồng nữa.

2. Triệt hẳn từ gốc nạn học thêm, dạy thêm:

Chính phủ nước nào cũng hiểu một điều quan trọng là muốn đất nước phát triển, phát triển bền vững, lâu dài thì phải đầu tư mạnh mẽ (và trước hết) cho giáo dục – đào tạo. Chính phủ ta mấy chục năm nay đã cố gắng hết sức, đầu tư với tỷ trọng rất cao của ngân sách cho giáo dục. Nhưng ngân sách có hạn, mà cả nước có hàng chục triệu người đi học, hàng triệu thầy cô giáo, cho nên phải trả lương thầy cô giáo rất thấp. Ai cũng biết là lâu nay, lương chính thức của giáo viên là quá thấp, thậm chí không đủ sống.

Thế là tự nhiên phải nảy sinh ra nạn “phụ thu”. Phụ thu không tệ hại bằng cái nạn lớn của xã hội ta, đó là nạn “Dạy thêm – Học thêm”. Cấm mãi không được.

Giáo trình, chương trình soạn ra để dạy và học mỗi ngày một buổi, can cớ gì mà phải dạy thêm, học thêm. Làm gì có nước nào trên thế giới này học trò phải học ngày hai buổi, thậm chí cả buổi tối, cả chủ nhật!

Cái đau lòng trong nạn này, là ở chỗ (có thể và có lẽ đã xảy ra) ở trên lớp không dạy hết chữ, buộc phải đi học thêm ở nhà thầy, lớp thầy. Như vậy các buổi sáng, hàng chục triệu em ngồi ở lớp chỉ học cầm chừng, học nửa vời, “nửa chết”. Buổi chiều, buổi tối, thay vì đọc sách, tự học, chơi thể thao, giúp đỡ gia đình, thì phải đi “học thêm”, lúc đó mới là học thật, mới lấy được hết chữ.

Đau hơn nữa là sự xúc phạm đến nghĩa thầy – trò, một trong những yếu tố quan trọng nhất của khoa học – nghệ thuật sư phạm. Còn gì nữa cho sư phạm, khi thầy phải đứng trong lớp học thêm đọc danh sách học trò, “Em nào chưa nộp tiền học... thì đi về...”. Khi học trò đã nhìn thầy giáo như người làm thuê, tiền trao cháo múc, thì còn gì mà dạy.

Nhưng việc “dạy thêm, học thêm” đã là việc tất yếu phải có theo quy luật sống còn rồi. Dù có cấm đoán, có kiểm tra cũng không trừ được.

Vậy thì ở chừng mực nào Nhà nước bảo đảm được phổ cập giáo dục (có nước phổ cập được cấp I, có nước phổ cập cấp II) thì phổ cập, tức là bao cấp, vì dân trí, vì tương lai. Nhưng đã bao cấp thì trả lương cho giáo viên đầy đủ, để thầy khỏi buộc phải nghĩ đến chuyện “dạy thêm”, trò khỏi phải “học thêm”, dành thời gian để đọc sách, tự học, vui chơi thể thao văn hóa và giúp đỡ gia đình.

Đoạn nào vượt qua khả năng phổ cập của Nhà nước thì gia đình và xã hội phải lo. Vì tương lai của đất nước, của con em mình, lo được đến đâu, gia đình sẽ cố hết sức. Nhưng ai cũng muốn nộp học phí chính thức cho nhà trường, đủ để chi phí đào tạo, phòng thí nghiệm, trường lớp, trả lương đủ cho giáo viên, không ai muốn đóng góp các khoản phụ thu mỗi kỳ họp phụ huynh, không ai muốn đưa tiền lót tay, không ai muốn con mình phải học ngày hai ba buổi trong các tư gia.

Tôi trộm nghĩ, chưa cần phải viết lại sách giáo khoa, thừa một số bài, thiếu một số bài cũng chưa quá nguy cấp. Nhưng việc cần thiết là:

- Giảm hẳn số học sinh cấp III, tăng cường đào tạo nghề và kỹ thuật sau cấp II.

- Các trường cấp III chỉ nhằm vào các trường đại học theo định hướng ngành.

- Các trường công phải có đủ ngân sách để trả lương đầy đủ cho giáo viên sống khá tốt, để trừ tận gốc, tận nguyên nhân nạn dạy thêm, học thêm. Còn lại, ngoài năng lực Nhà nước phổ cập giáo dục thì xã hội và gia đình phải đóng góp để tiếp tục giáo dục.

GS TS Hoàng Đạo Cung

Theo Lao Động
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất