Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 30/3/2016 9:36'(GMT+7)

Cơ quan thanh tra, kiểm tra phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng tham nhũng, tiêu cực

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, gián tiếp làm cho tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng đó là hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng còn bộc lộ nhiều yếu kém.

Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chế độ chính sách nhằm nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng như có nhiều chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Tuy vậy, kết quả đạt được chưa tương xứng với yêu cầu và sự trông đợi của Đảng và nhân dân tình trạng tham ô, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp, có xu hướng coi thường pháp luật, “nhờn luật”.

Có một thực tế là nhiều vụ án tham nhũng lớn, mặc dù đã qua hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thuộc nhiều cấp và các Bộ, ngành khác nhau nhưng vẫn không phát hiện ra được các sai phạm dù rất lớn, có người nói ví von “lỗ kim voi chui lọt” mà thanh tra, kiểm tra thì không phát hiện ra chỉ đến khi các vụ việc vở lở người ta thấy hàng loạt sai phạm. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong các trường hợp này được quy định như thế nào? Chẳng lẽ cơ quan chức năng cứ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đến hoạch họe cơ quan, doanh nghiệp xong rồi bỏ đó, hậu sau này xảy ra hậu quả gì thì thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phủi tay, hết trách nhiệm. 

Chưa nói đến chuyện tiêu cực thì riêng việc đón tiếp, chuẩn bị tài liệu, thời gian... để làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chiếm rất nhiều thời gian, tiền bạc của các cơ quan, doanh nghiệp, gây lãng phí rất lớn. Chưa kể đến việc mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc là tổ chức, cá nhân bị thanh tra, kiểm tra còn ảnh hưởng đến uy tín, gây sự nghi ngờ của các đối tác, nhân dân trong quản lý điều hành, giao dịch, làm ăn. Bởi vì, tâm lý là nếu bị thanh tra, kiểm tra “sờ gáy” là chắc phải có vấn đề này nọ gì đó... gây bất bình cho các tổ chức, cá nhân trong việc giao dịch, làm ăn cũng như ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bình thường của họ.

Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra ngoài việc phải thận trọng, khách quan, tuân thủ quy định pháp luật thì việc thanh tra, kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm tránh tình trạng tiến hành thanh tra tràn lan, đồng loạt nhưng chỉ dừng lại kết luận chung chung, nêu vài khuyết điểm, sai phạm cho có, lấy lệ chứ không đưa ra các biện pháp xử lý kiên quyết đến nơi, đến chốn dẫn đến bao che, tiêu cực không tuân theo pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét quy định trách nhiệm liên đới đối với các cơ quan, cá nhân nếu sau các đợt thanh tra, kiểm tra mà tổ chức, doanh nghiệp bị phát hiện sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Điều này không chỉ hạn chế tham nhũng, tiêu cực đối với ngay các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra mà còn nhằm góp tăng cường trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực hiện nay./.

Vĩnh Linh

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất