Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 28/3/2016 21:32'(GMT+7)

Đổi mới hơn nữa trong lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Cử tri Phan Bá Sang - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng các Kỳ họp Quốc hội gần đây đã có những đổi mới và đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, các phiên chất vấn và thảo luận tại các phiên họp, các lãnh đạo cơ quan hành pháp của các địa phương vẫn có ít ý kiến chất vấn. Những ý kiến chất vấn chủ yếu là của các nhà khoa học, các đại biểu chuyên trách, đại biểu cơ cấu...Lãnh đạo các địa phương còn ngại chất vấn và phát biểu chính kiến của mình tại các kỳ họp.

Theo cử tri Nguyễn Thị Bằng (ở đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã đề cập tới nhiều vấn đề mà đông đảo người dân quan tâm, nhất là những vấn đề liên quan đến các chế độ, chính sách, liên quan đến người dân, những vấn đề trọng đại của đất nước. Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nhiều đề xuất của người dân đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, các văn bản luật và nhiều quan điểm mới được đề xuất đã được luật hóa. Các đại biểu Quốc hội đã tiếp thu và trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri...để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đề cập đến hoạt động của Quốc hội khoá XIII, cử tri Huỳnh Tao, trú tại 46 đường Bến Nghé, thành phố Huế cho rằng, nhiệm kỳ qua qua hoạt động của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng tăng cường công khai, dân chủ. Vai trò của Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt, thể hiện được cơ quan đại biểu quyền lực cao nhất của nhân dân. Nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động, duy trì hình thức lấy phiếu tín nhiệm, phát huy và nâng cao vai trò của các đại biểu chuyên trách. Công tác xây dựng luật pháp, các điều luật phải quy định chặt chẽ, khoa học, mang tính khả thi cao và phù hợp với nguyện vọng nhân dân.


Cử tri Huỳnh Tao kiến nghị, Quốc hội cần tăng cường hơn công tác giám sát các vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, nhất là những vụ việc tiêu cực, tham nhũng; tăng cường việc giám sát ở địa phương, cơ sở, giám sát nhiều hơn để sau khi ban hành, luật sớm đi vào thực tế cuộc sống. Luật không chỉ đề cập đến vấn đề quốc gia đại sự, mà cần tính toán cả vấn đề quốc kế dân sinh. Cụ thể, vấn đề thực phẩm bẩn, rau bẩn, thịt lợn tạo nạc bằng các chất cấm, cả đại biểu Quốc hội và Chính phủ đều nhìn nhận có, đều có phát hiện, nhưng chưa khắc phục được, xử lý chưa nghiêm.


Về các chính sách xã hội, cử tri Huỳnh Tao đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan cần có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ, hội tại các địa phương để tránh lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Cần quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt ở miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng như thương bệnh binh, người tham gia chiến trường trong chiến tranh chống Mỹ, người bị địch bắt tù đày; việc thực hiện hồ sơ, thủ tục và tổ chức giám định, công nhận giải quyết chế độ cho nạn nhân chất da cam, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đồng thời đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng.


Cử tri Phan Văn Dũng (Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở 59 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Huế) đề nghị Quốc hội cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp cận cơ sở, tạo môi trường cho các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời cần có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó hết sức chú ý đến cải cách thủ tục hành chính; cải cách những thủ tục còn rườm rà, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực nhất là thủ tục về đăng ký kinh doanh, đất đai, hải quan, thuế, việc thanh tra, kiểm tra; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức...


Cử tri Phan Văn Dũng cho rằng, nền sản xuất của ta có đặc điểm là hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và thiếu mặt bằng hoạt động, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại. Vì vậy cần thực hiện các giải pháp lành mạnh hóa thị trường tín dụng, giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ cũ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Cần quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản...


Nhận xét về phiên thảo luận buổi chiều 28/3, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Hữu Thời, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên (An Giang) cho biết, phiên thảo luận rất cởi mở, thẳng thắn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung phân tích những bất cập, tồn tại trong hoạt động của Quốc hội Khóa XIII, qua đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, công tác tiếp xúc cử tri. Phiên thảo luận được tường thuật trực tiếp giúp cử tri theo dõi được những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được các đại biểu Quốc hội chuyển tải tới Quốc hội là rất thiết thực. Bên cạnh đó, cần bổ sung tuyên truyền bằng ngôn ngữ dành cho người khiếm thính và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc… Như vậy sẽ chuyển tải được tinh thần của kỳ họp Quốc hội đến đông đảo bà con nhân dân.


Còn theo ông Nguyễn Bá Đại, phường Mỹ Thới, Thành phố (An Giang), phiên thảo luận đã thẳng thắn đưa ra được những băn khoăn, bức xúc của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội nhiệm khóa XIII. Bện cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự trăn trở về những "món nợ" lớn của Quốc hội khóa XIII đối với cử tri cả nước, đó là việc giải quyết những bức xúc của cử tri hoạt động của Quốc hội cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể, trong xây dựng luật, cử tri đề nghị Quốc hội cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi luật không đi vào cuộc sống; đồng thời cần nâng cao số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.../. 

Thu Hằng tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất