Ý thức công dân phải được cả Nhà nước lẫn từng người dân chú trọng xây dựng, nâng cao bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục từ bậc học mầm non cho đến người trưởng thành.
Một trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề nhất trong thập kỷ này vừa xảy ra tại Đồng Nai làm sập mố cầu Ghềnh, khiến giao thông đường sắt và đường thủy tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam bị tê liệt, thiệt hại về vật chất lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Điều đáng nói là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn này là do hai thanh niên thiếu ý thức công dân, dù không có giấy phép lái tàu thủy nhưng vẫn vận hành tàu đẩy sà lan, gặp vùng nước chảy xiết, không xử lý nổi, khiến tàu kéo tắt máy và sà lan đâm sập mố cầu...
Không chỉ vụ sập cầu Ghềnh mà trong tất cả các báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo năm, báo cáo Hội nghị tổng kết công tác An toàn giao thông quốc gia, hầu như báo cáo nào cũng nêu lỗi chủ yếu gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông kém. Ví dụ như không có giấy phép lái xe, lái tàu; tránh, vượt sai quy định; khi chuyển hướng không làm tín hiệu rẽ; phóng quá tốc độ; uống quá nhiều rượu bia khi phải điều khiển phương tiện…
Các vụ tai nạn lao động, các vụ đánh nhau, chửi nhau, gây mất trật tự nơi công cộng... cũng phần lớn do ý thức chấp hành pháp luật của một số người còn hạn chế. Có thể họ không biết nên vi phạm, nhưng cũng có người biết luật mà vẫn cố tình vi phạm.
Nhà nước chúng ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, tuân thủ pháp luật. Người dân là chủ của đất nước. Muốn là chủ đất nước thì người dân phải có ý thức công dân và chấp hành nghiêm pháp luật. Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua là đã ban hành được nhiều luật, bộ luật. Thế nhưng luật ban hành rồi mà người dân không chấp hành nghiêm thì tác dụng tích cực của luật sẽ không còn, hay nói một cách khác nếu ý thức công dân không đúng đắn thì luật vẫn chỉ là một văn bản giấy mà thôi.
Nhiều người đổ lỗi cho việc không chấp hành nghiêm pháp luật là do chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này có phần đúng bởi lẽ trong thực tế có rất nhiều điều luật quy định không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách diễn giải, phải có thêm những văn bản dưới luật, thêm những hướng dẫn bằng công văn. Người dân muốn có quyền lợi cho mình thì phải xin, hoặc thực hiện nhiều cách vận động không chính thức khác... Điều này dẫn đến niềm tin của người dân vào pháp luật bị tổn thương. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia pháp luật thì vấn đề quan trọng để người dân coi thường pháp luật chính là chế tài xử lý vi phạm. Ở nhiều lỗi, việc xử phạt quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến một bộ phận công dân “nhờn luật”. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi sự ý thức, chấp hành pháp luật từ phía chính quyền và người dân, trong đó chế tài xử lý khi không tuân thủ pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu chỉ đặt nặng vai trò Nhà nước trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì không đủ, từng người dân đều có vị trí trong nhà nước này. Vì thế, mỗi công dân phải tìm hiểu rõ và sử dụng đúng quyền của mình, biết cách đấu tranh, đòi hỏi để quyền của mình được tôn trọng, được thực hiện, biết cách giữ gìn để hoạt động của mình không gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác. Khi đó, pháp luật sẽ thật sự đi vào đời sống, trở thành cuộc sống.
Ý thức công dân phải được cả Nhà nước lẫn từng người dân chú trọng xây dựng, nâng cao bằng các giải pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục từ bậc học mầm non cho đến người trưởng thành. Bất kể công dân nào nếu thiếu ý thức công dân phải được nhắc nhở, phải bị xử phạt và nếu không còn đủ tiêu chuẩn của công dân Việt Nam, phải bị tước quyền công dân./.
Đỗ Phú Thọ (QĐND)