Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 11/6/2016 22:18'(GMT+7)

Cội nguồn sức mạnh

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang sử dụng máy cày ở khu ruộng của Sở Nông Lâm, Hà Nội (7/1960). (Ảnh tư liệu)

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang sử dụng máy cày ở khu ruộng của Sở Nông Lâm, Hà Nội (7/1960). (Ảnh tư liệu)

Lời kêu gọi của Người đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, kiến quốc. Vì thế, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng, cổ vũ động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống đói nghèo, xóa nạn mù chữ, dũng cảm kiên cường chiến đấu diệt giặc ngoại xâm. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã xuất hiện các phong trào thi đua tiêu biểu như: “Sóng duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ ba nhất”, “Thanh niên ba sẵn sàng”… tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.

Thời kỳ hòa bình dựng xây đất nước, các phong trào thi đua đã diễn ra sôi nổi, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác thi đua-khen thưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp tiến hành. Thông qua các phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường Sa thân yêu"… đã góp phần để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế. Qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện và lan tỏa nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của các “hiệp sĩ” cứu người trên sông Hàn (Đà Nẵng); hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội dầm mình trong mưa lũ cứu dân; hay những chị lao công trắng đêm dọn vệ sinh đường phố… đã thật sự làm lay động lòng người. Việc làm bình dị, cao quý của họ được hun đúc lên từ lòng yêu nước nồng nàn, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc và từ động lực tinh thần của phong trào thi đua yêu nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Cùng với các nhân tố tích cực, mặt trái của kinh tế thị trường đang len lỏi và tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm, lối sống của đội ngũ cán bộ, Đảng viên, nhân dân. Mặt khác, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là, việc thực hiện phong trào thi đua ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động kém hiệu quả. Việc tổ chức, thực hiện phong trào thi đua còn hình thức, chạy theo phong trào, mang nặng “bệnh” thành tích; một số ngành, địa phương còn lúng túng, buông lỏng để phong trào thi đua trầm lắng, đơn điệu…Thậm chí, có nơi còn để tình trạng người tốt, việc tốt không được tôn vinh, khen thưởng kịp thời; cái xấu, cái ác không bị phê phán, loại bỏ, nên tác động tiêu cực đến phong trào thi đua. Thực tế đó đặt ra yêu cầu bức thiết về đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thực hiện phong trào thi đua.

Thiết nghĩ, để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào Thi đua ái quốc mà Bác Hồ đã khởi xướng trong điều kiện, tình hình mới; để thi đua thật sự là động lực tinh thần, trở thành cội nguồn sức mạnh của dân tộc, các địa phương, đơn vị cần đặc biệt chú ý nuôi dưỡng, phát triển các phong trào thi đua yêu nước. Quan tâm việc lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến và nhân tố mới, tạo nên động lực thi đua trong từng đơn vị và phạm vi cả nước. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo chủ trương hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị; tổ chức phát động thi đua bảo đảm phong phú, hấp dẫn; phong trào thi đua phải có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực. Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ khó khăn, đột xuất, cấp bách.

Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền phải thực hiện tốt việc đổi mới công tác khen thưởng, bảo đảm công khai, chính xác, kịp thời. Coi trọng việc phát hiện, lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng, tuyên dương. Chú trọng khen thưởng, tuyên truyền, cổ vũ những tập thể, người lao động, cán bộ, chiến sĩ LLVT ở cơ sở, trực tiếp làm nhiệm vụ trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Quan tâm khen thưởng các cơ sở, địa phương vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, duy trì nghiêm việc kiểm tra, giám sát thực hiện các phong trào thi đua; thường xuyên tiến hành sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng các phong trào thi đua.

Sinh thời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Để mỗi cá nhân thực hiện tốt lời dạy của Người thì công tác tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước của từng cấp ủy, tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền đóng vai trò quyết định. Làm tốt vấn đề này sẽ là sự khích lệ, động viên tinh thần to lớn để mỗi cán bộ, Đảng viên, nhân dân, chiến sĩ ra sức thi đua thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta./.

Nguyên Phú (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất