Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 7/7/2013 11:50'(GMT+7)

Coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Bạn đọc Lương Tiến Huy (Cao Bằng): Hằng năm, các văn bản pháp luật được các cấp, các ngành ban hành, bổ sung, sửa đổi thường xuyên. Nội dung văn bản luật đề cập mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để những văn bản này đến được với người dân cần sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và các cơ quan chức năng. Nội dung văn bản pháp luật cần sát thực tiễn, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội trên mỗi địa bàn, cũng như nhận thức của người dân ở từng vùng, miền khác nhau. Thời gian qua, do khâu ban hành văn bản pháp luật còn nhiều thiếu sót, dẫn tới không ít văn bản xa rời cuộc sống, không thể đưa ra thi hành được. Khi văn bản được ban hành rồi thì công tác tuyên truyền, giải thích, vận động thực hiện chưa kịp thời, thiếu chu đáo. Nhiều văn bản pháp luật nằm trong tình trạng "treo" kéo dài, chờ thông tư hướng dẫn, đến khi đưa ra thực hiện thì tình thế thay đổi, buộc phải chỉnh sửa. Do vậy, mỗi khi có văn bản pháp luật mới ban hành, cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi và sớm triển khai thực hiện.

Bạn đọc Hoàng Xuân Lan (Ðồng Tháp): Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi còn nhiều hủ tục lạc hậu, như tệ nạn mê tín, dị đoan; thói gia trưởng, trọng nam khinh nữ; thói quen xuề xòa, dễ dãi trong quan hệ hôn nhân hoặc các giao dịch về tài sản... Chính những hủ tục, thói quen này làm nảy sinh không ít rắc rối trong cuộc sống gia đình, dòng họ và cộng đồng. Nhiều ông lang vườn, thầy tướng số tùy tiện hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh, cúng lễ, xem bói lừa bịp người nhẹ dạ, nhưng mọi người mặc nhiên thừa nhận. Không ít người đàn ông cùng lúc chung sống với nhiều vợ, nhưng gia đình, dòng họ không phản đối, thậm chí còn hưởng ứng, mà không hiểu rằng điều đó bị pháp luật cấm. Các giao dịch mua bán, vay mượn, tặng cho tài sản, mọi người thường dễ dãi thỏa thuận miệng, không viết văn bản, khi xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết. Ðể có thể giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những hủ tục, thói quen lạc hậu, biện pháp quan trọng là vận động, thuyết phục người dân; đồng thời, phổ biến cặn kẽ các quy định tiến bộ của pháp luật tới mỗi cá nhân.

Bạn đọc Thanh Xuân (Nghệ An): Huyện Quỳnh Lưu có tuyến đường sắt bắc - nam chạy qua 11 xã với chiều dài 30 km. Trên địa bàn huyện, xảy ra nhiều vụ trộm cắp vật tư đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu. Ðể từng bước xóa bỏ các "điểm nóng" về nạn trộm cắp này, địa phương phối hợp cơ quan chức năng tổ chức hội thi "Chúng em với an toàn giao thông đường sắt" với sự tham gia của một số trường học đóng trên địa bàn. Trong hội thi, các thí sinh được nghe và xem hình ảnh, số liệu về an toàn đường sắt, thi trả lời các quy định của pháp luật về giao thông đường sắt. Từ đó, góp phần ngăn chặn nạn tháo trộm vật tư đường sắt và các hành vi ném đất đá, chất bẩn lên tàu.

Theo NhanDan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất