- Tròn 10 năm Trại hè Việt Nam được tổ chức, xin Thứ trưởng cho biết chương trình đã đạt những kết quả nào đáng chú ý?
- Chương trình đã đáp ứng mong mỏi của
đông đảo bà con kiều bào muốn đưa con em mình trở về thăm quê hương, tìm
hiểu lịch sử, văn hóa cội nguồn và tăng cường sự gắn bó, tình yêu với
quê hương. Rất mừng là thông qua chương trình Trại hè, nhiều thanh,
thiếu niên Việt kiều đã rất thích học tiếng Việt và có ý thức rất cao
trong việc trau dồi tiếng mẹ đẻ. Có những em còn ghi sổ những từ không
hiểu để có dịp là nhờ các bạn trong nước giải thích. Hoặc trong quá
trình học tiếng Việt ở nơi sinh sống, có từ không hiểu mà giáo viên giải
thích chưa thuyết phục, các em cũng ghi chú lại để về dự Trại hè hỏi lại
cho rõ.
Chúng ta đã có chương trình giảng dạy
tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mang tính chiến
lược, lâu dài, được thực hiện thường xuyên và Trại hè chính là một hoạt
động mang tính bổ trợ rất tốt. Dự kiến tháng 9 này, ủy ban Nhà nước về
người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở lớp
tập huấn cho giáo viên người Việt đang làm công việc tự nguyện giảng dạy
tiếng Việt ở nước ngoài cho các cháu thanh, thiếu niên Việt kiều. Lớp
học đầu tiên này sẽ có khoảng 30 giáo viên như vậy tham gia.
-Trại hè Việt Nam lần thứ 10 có những gì đặc biệt hơn, thưa ông?
- Về cơ bản, chương trình hằng năm là
tương đối giống nhau. Chúng tôi luôn lồng ghép hoạt động của Trại hè với
các chương trình giao lưu, trao đổi với tuổi trẻ các địa phương thông
qua các đề tài về văn hóa và tiếng Việt. Nhưng mỗi năm, chúng tôi chọn
các điểm đến khác nhau giúp các em trải nghiệm và khám phá. Trại hè lần
thứ 10 có những định hướng rõ hơn với nhiều hoạt động đa dạng nhằm trang
bị cho các em những kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc, cách học tiếng
Việt hiệu quả trong các cuộc giao lưu… ở Trại hè năm nay, trong hành
trình suốt chiều dài đất nước từ Hà Giang đến Cà Mau, các em sẽ tham gia
các hoạt động tưởng nhớ và tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc
trong các cuộc kháng chiến. Ví dụ như tại Hà Giang, chúng tôi tổ chức
hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang Vị
Xuyên.
- Như ông nói, công tác người Việt Nam
ở nước ngoài rất cần có những trao đổi thông tin hai chiều. Qua việc tổ
chức chương trình Trại hè dành riêng cho các thanh, thiếu niên Việt
kiều, ông có thể cho biết rõ hơn về khía cạnh này?
- Qua chương trình Trại hè, các em có dịp
được tận mắt chứng kiến và ghi nhận những thay đổi trên quê hương và
sau đó trở về tham gia tuyên truyền về hình ảnh, đất nước, con người
Việt Nam ra thế giới. Chính các em sẽ là những “thông tin viên” tuyên
truyền khách quan, trung thực về Việt Nam, góp phần làm thay đổi suy
nghĩ của một số ít người hiện nay ở hải ngoại vẫn mang nặng tâm lý hận
thù đất nước một phần vì thiếu thông tin trong nước và chưa có dịp trở
về. Từ đó sẽ góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế
lực thù địch ở nước ngoài nhằm chống phá Việt Nam.
Mỗi chương trình tổ chức dành riêng cho
kiều bào, chúng tôi còn mời cả các phóng viên của các báo chí nước
ngoài, của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Họ sẽ là
người trực tiếp tham gia và có những ghi nhận khách quan về sinh hoạt
của Trại hè nói riêng và thực tiễn tình hình Việt Nam nói chung. Thông
tin của họ sẽ được sử dụng tại nước sở tại, góp phần giúp những người
Việt Nam chưa có cơ hội về nước có cái nhìn cụ thể hơn về nước mình và
tránh những luận điệu xuyên tạc, làm méo mó tình hình phát triển của
Việt Nam hiện nay.
- Vậy hiệu ứng truyền thông hai chiều trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Có một thực tế là trong thời gian qua
đã có những người từng mang suy nghĩ và cái nhìn sai lệch về đất nước vì
lý do khách quan hay chủ quan. Khi trở về quê hương, họ đã có những
thay đổi trong nhận thức rõ rệt. Không thể phủ nhận có sự tác động tích
cực của những hoạt động dành cho kiều bào mà chúng tôi tổ chức hằng
năm, nhất là Trại hè. Đặc biệt là việc tổ chức hai chuyến đưa Việt kiều
ra Trường Sa vừa qua đã đem lại hiệu quả rất tốt. Có những bà con chưa
có thông tin đầy đủ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, thì nay đã có
cái nhìn chính xác hơn và niềm tin của họ cũng được củng cố thông qua
lời kể của chính những bà con trở về, qua những thước phim, hình ảnh và
phóng sự của giới truyền thông hải ngoại.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh/QĐND