Thứ Ba, 26/11/2024
Góp ý văn kiện
Thứ Ba, 5/1/2016 9:18'(GMT+7)

Coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời kỳ mới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Ở nhiệm vụ thứ nhất, dự thảo nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, bởi thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề ra những chủ trương, đường lối đúng đắn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược-cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự vững vàng, có đủ bản lĩnh và trí tuệ để đảm đương những trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Ngay từ khi thành lập đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, V.I.Lê-nin đã chỉ ra một cách sâu sắc và khoa học về tầm quan trọng của vấn đề cán bộ trong việc thực hiện mục tiêu có tính cương lĩnh của Đảng. Người khẳng định: “Trong lịch sử chưa hề có giai cấp nào giành được quyền thống trị nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(1). Người chỉ ra rằng: Vấn đề cán bộ, lựa chọn bố trí vào cương vị lãnh đạo là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đảng; đó là “cái chốt” của tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(2) và “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”(3). Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là “bộ phận tinh túy”, là những cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách qua thực tiễn đã có đóng góp cho cơ sở, ban, ngành, địa phương và được tổ chức lựa chọn, thực sự là những "đầu tàu”.

Ảnh minh họa.

Vận dụng lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, từ khi thành lập (tháng 2-1930) và trong suốt những năm đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn chú trọng công tác cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Đại hội IV (tháng 12-1976), Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước mạnh cả về chất lượng lẫn số lượng, có đủ khả năng hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới là công tác rất quan trọng và rất cấp bách hiện nay”(4).

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982) nêu rõ: “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước phải có phẩm chất chính trị, trình độ hiểu biết và năng lực công tác tương ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới”(5).

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V (tháng 11-1986), chuẩn bị nhân sự cho Đại hội VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh nhấn mạnh: “Về mặt phẩm chất, cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu trước dân, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là đầy tớ trung thành của nhân dân, như Bác Hồ đã dạy”(6). Quán triệt tinh thần này, Đại hội VI (tháng 12-1986) đã chỉ ra 6 nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước, trong đó chỉ rõ cần xây dựng bộ máy gọn nhẹ, có chất lượng cao, với đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị và năng lực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Tiếp đó, tại Đại hội VII (tháng 6-1991), Đảng ta nhấn mạnh: “Mục tiêu của công tác đào tạo cán bộ là xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ và có chất lượng bao gồm cán bộ lãnh đạo chính trị, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kinh doanh. Trước hết là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất năng lực, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ”(7).

Sau 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ ở chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên CNXH, đưa đất nước bước sang thời kỳ mới-thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trước tình hình thực tiễn, Đảng ta xác định phải xây dựng chiến lược cán bộ, theo đó, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6-1997) đã thảo luận và thông qua Nghị quyết Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, xác định mục tiêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức các cấp, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững độc lập tự chủ, đi lên CNXH.

Trước tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều chuyển biến, Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân" (8).

Trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng và Nhà nước ta xác định, việc quản lý, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế, xã hội ngày càng phức tạp, vì vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý-cán bộ cấp chiến lược thời kỳ mới cần phải được nâng cao chất lượng, toàn diện hơn. Ngoài tiêu chuẩn về đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải có năng lực hiểu biết bao quát các vấn đề kinh tế, xã hội. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (tháng 7-2002) đã đề ra nhiệm vụ: “Tăng cường công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý; đặc biệt quan tâm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có thành tích xuất sắc, những cán bộ xuất thân công nhân, con em công nông, gia đình có công với cách mạng, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ”(9).

Thực hiện các nghị quyết đề ra, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ cũng còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, ngày 30-11-2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 43-NQ/TW, Về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, với mục đích: Tạo sự chủ động, có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ; khắc phục tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, giữ vững đoàn kết nội bộ và sự ổn định chính trị. Chuẩn bị từ xa và tạo nguồn cán bộ dồi dào làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị, vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ và năng lực, nhất là năng lực trí tuệ và thực tiễn tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tiếp đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) xác định phương hướng của công tác cán bộ là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực sự vì Đảng, vì dân, có bản lĩnh và trí tuệ, đi đầu trong công tác và gương mẫu trong đạo đức lối sống... đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(10).

Khẳng định những chủ trương đúng đắn trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý-cán bộ cấp chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ rõ: “Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng”. Đồng thời, nghị quyết cũng đánh giá sâu sắc những hạn chế của đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ cao cấp: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng, nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp Trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ…”.

Việc Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, là tư duy mang tầm chiến lược. Để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thực sự đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Đại hội XII cần tiếp tục nhấn mạnh phải bảo đảm theo 3 nhóm tiêu chuẩn sau:

Về phẩm chất chính trị, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng; có sự nhạy bén, sắc sảo về chính trị; tích cực đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, hữu khuynh; cảnh giác cao trước những luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động, thù địch.

Về phẩm chất đạo đức, phải “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; tận tụy với công việc chung, là tấm gương cho đảng viên và quần chúng; tiên phong, gương mẫu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bản thân không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không để người thân trong gia đình lợi dụng chức quyền của mình để mưu cầu lợi ích riêng.

Về phẩm chất trí tuệ, năng lực trí tuệ và năng lực hành động, cán bộ chiến lược phải có tầm tư duy sâu sắc, năng động, sáng tạo; có năng lực thực tiễn giỏi, năng lực đề xuất những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức trách sát với thực tiễn, có hiệu quả cao. Phải quyết liệt trong hành động, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm; có khả năng đoàn kết, quy tụ đội ngũ cán bộ, chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; năng lực hành động phải được thể hiện thông qua việc làm, hiệu quả công tác và kết quả công việc cụ thể; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực thực sự sẽ là những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, “đủ tài, đủ đức”, đủ sức gánh vác những trọng trách mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu, như sinh thời Bác Hồ hằng mong đợi.

TS NGUYỄN VĂN SÁU

 (1) V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va 1974, tr.473.

 (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.309.

 (3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.313.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.633.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 43, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.160.

(6) Trần Đình Hương, “Nhân cách và trí tuệ của cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 12 năm 2004, tr.38.

(7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2005), Nxb Lao Động, Hà Nội, 2005, tr.494.

 (8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.54.

 (9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, khoá IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.280.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất