Thứ Ba, 26/11/2024
Góp ý văn kiện
Thứ Hai, 2/11/2015 20:4'(GMT+7)

Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh

Góp ý kiến về vấn đề “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” được nêu tại dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Bình nhấn mạnh tuy nhiên, công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý đất nước. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thống nhất…

Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã gây ra những khó khăn, cản trở, làm hạn chế thành tựu của đất nước, trong một số lĩnh vực còn tạo nên bức xúc xã hội.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, để làm tốt công việc này, cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề lớn: thứ nhất, tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. Ðổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức ở từng vị trí công tác. Ðổi mới chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, có cơ chế loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, không có uy tín với nhân dân.

Thứ ba, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm bằng các giải pháp đồng bộ: Hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát huy vai trò của nhân dân, của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đối với thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp. Lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XV, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Tiếp tục thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra;” có cơ chế để nhân dân giám sát mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất, năng lực thực hành dân chủ và bảo đảm dân chủ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam góp ý về “Một số giải pháp chủ yếu và đột phá nhằm cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa để xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao.” Theo đó, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần định hướng một số giải pháp chủ yếu và đột phá điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ nhất, định hướng điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo ngành, nội bộ ngành; điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp.

Thứ hai, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, trong đó phát huy tối đa lợi thế vị trí, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, vượt trội, nhất là cảng cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế, các ưu đãi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng hiện đại; chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang tăng trưởng theo chiều sâu trong giai đoạn 2016-2020; tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường…

Theo ông Lê Khắc Nam, bên cạnh những nhóm giải pháp, nhiệm vụ nêu trên, việc tăng cường phối hợp có hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô là một giải pháp hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính nhất quán trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đặt ra./.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất