Ngày 5/11, tại Hưng Yên, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý vào nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII".
Tham dự có đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các nhà khoa học, trí thức trong toàn quốc. Hơn 20 tham luận của các nhà trí thức, khoa học đã mang đến hội thảo nhiều ý kiến đóng góp trí tuệ, tập trung vào 3 nội dung của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII gồm: khoa học và công nghệ, môi trường, giáo dục và đào tạo.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Giáo sư Nguyễn Hữu Tăng đưa ra câu hỏi tại sao hoạt động khoa học và công nghệ còn trầm lắng, chưa trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội; nhận thức về vai trò đột phá của khoa học còn ở tầm thấp, chưa vượt khỏi tư duy "ao làng", quản lý khoa học vẫn rơi vào cái "bẫy" hành chính hóa. Giáo sư nêu ý kiến cần bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng những nguyên nhân, tồn tại này để khắc phục; cần thúc đẩy lĩnh vực khoa học biển, khoa học môi trường và nghiên cứu nghiêm túc việc biến đổi khí hậu phục vụ cho sự phát triển đất nước. Ý kiến của các Tiến sĩ Trần Việt Hùng, Đặng Văn Thanh về ứng dụng khoa học công nghệ cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị, nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển theo hướng nhanh, hiệu quả, phục vụ chiến lược và những định hướng lớn cho lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Về vấn đề môi trường, theo phân tích của Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trương Quang Học, văn kiện Đại hội Đảng lần này đã nhìn thẳng vào tồn tại như: chúng ta phát triển không bền vững cả về kinh tế-xã hội, tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn đến suy thoái cạn kiệt, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nguy cơ mất cân bằng sinh thái diễn ra trên diện rộng. Phần đánh giá nguyên nhân và định hướng cho giai đoạn mới còn thiếu tính đột phá, còn chung chung rất khó đi vào thực tiễn. Nhiều cơ chế chính sách của chúng ta hiện nay thiếu cơ sở, kém hiệu quả, tạo ra nhiều lỗ hổng, tạo ra cơ chế xin-cho, dễ bị lợi dụng và tham nhũng.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Chu Hồi, Phạm Ngọc Đăng, Đặng Huy Huỳnh, Đặng Kim Chi, Nguyễn Tùng Lâm... đưa ra đề xuất bổ sung vào văn kiện Đại hội Đảng những vấn đề quan trọng, những giải pháp cho vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu cần được đề cập sâu sắc hơn trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII. Trong đó có việc bảo vệ rừng bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, chuyển từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh" ở nước ta; phát huy sức mạnh cộng đồng để quản lý tài nguyên môi trường, chấm dứt tình trạng phát triển nóng quy hoạch đô thị, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đô thị đi trước một bước so với phát triển đô thị.
Đối với lĩnh vực giáo dục, ý kiến của Giáo sư Trương Quang Học và Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi của giáo dục Việt Nam cần được xem xét qua dự thảo báo cáo Chính trị Đại hội Đảng. Trong đó, hạn chế của giáo dục đào tạo thời gian qua là giáo dục nhân cách, trong khi dự thảo báo cáo chính trị đề cập vấn đề này còn chung chung, chưa cụ thể. Cần hợp tác hội nhập quốc tế trong phát triển giáo dục và đào tạo; đột phá về thể chế giáo dục, đổi mới tư duy nhận thức trong đổi mới giáo dục toàn diện. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng con người có các giá trị nhân văn mang bản sắc truyền thống và tiến bộ; biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, tích cực cống hiến cho gia đình và xã hội./.
Mai Ngoan/TTXVN