8 năm sau vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Mỹ, với gia đình và bè bạn gần 3.000 nạn nhân, nỗi đau dường như vẫn nguyên vẹn. Còn với các nhà lãnh đạo Mỹ, cuộc chiến không dừng ở ba từ “với khủng bố”.
Hôm qua, người thân của các nạn nhân đã tụ tập tại công viên quốc gia Sherwood Island ở Connecticut, nơi đặt đài kỷ niệm vụ 11/9 để tưởng nhớ những người đã chết khi hai toà tháp tại Manhattan, New York, sụp đổ và cả những nạn nhân trên hai chiếc máy bay bị các phần tử khủng bố khống chế. Công viên này cách Manhattan không xa vì người ta có thể đứng đây và nhìn thấy cột khói lớn bốc lên vào ngày định mệnh ấy.
Hoa hồng, những mảnh vỏ sò và những vật kỷ niệm khác phủ kín mặt đá hoa đài tưởng niệm khắc tên của những người đã mất. Ở phiến đá khắc tên Timothy John Hargrave, ai đó đã đặt lên một túi kẹo M&M. 3 bông hoa hồng trắng trên phần tên Scott J. O'Brien. Kathy và Dale Maycen để lại một bó hoa hướng dương cho chị gái của họ là Lindsay Morehouse. Xác của Morehouse không bao giờ được tìm thấy, vì vậy, đây là nơi duy nhất người thân của cô có thể đến để thương tiếc cô. Gia đình Morehouse chỉ là một trong hơn 1.100 gia đình không bao giờ nhận được xác của người thân.
8 năm kể từ vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, vẫn còn những tranh cãi về tốc độ tái thiết tại nơi xảy ra vụ tấn công ở New York và có những câu hỏi về chuyện hàng nghìn người có phải đã ngã bệnh vì vụ tấn công hay không.
Phần đông người New York còn nhớ buổi sáng ngày 11/9/2001 là một ngày trời trong xanh và êm đềm. Nhưng hình ảnh đó đã sụp đổ lúc 8h46 sáng, khi tòa tháp đầu tiên của WTC bị tấn công. Vài phút sau đó là tòa tháp thứ hai. Trên đường phố là quang cảnh hoảng loạn khi khoảng 2 giờ sau, từng ngọn tháp của WTC đổ sập. Nhiều trường học đóng cửa, di tản hoặc tự phong toả. Những khu học chính khác ngăn không cho học sinh xem truyền hình bởi vì nhiều em có cha mẹ đang làm việc trong tòa tháp đôi.
Nếu không tính 19 không tặc, có tất cả 2.974 người của hơn 90 quốc gia thiệt mạng và 24 người liệt kê mất tích xem như đã chết sau vụ khủng bố kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ. Ngoại trừ 55 người thuộc các lực lượng vũ trang, tất cả đều là dân thường.
Thật ngạc nhiên là trong vòng một tuần, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán New York mở cửa trở lại. Nhưng các nhân viên trở lại làm việc nói rằng nhiều tháng sau đó họ vẫn ngửi thấy mùi khí độc. Đó là một mối quan ngại lớn mà hiện nay giới hữu trách phải đối mặt. Alison Kasillo chuyển tới sống tại Battery Park City 7 tháng sau vụ tấn công, nhưng một năm sau đó, cô được chuẩn đoán bị COPD - một chứng bệnh liên quan tới phổi khiến cho bệnh nhân cảm thấy khó thở. Kaesun John bị phát hiện các triệu chứng về phổi. Họ là hai trong hàng trăm người có các chứng bệnh liên quan tới hô hấp do hít phải khói bụi và khí độc sau vụ này. Claire Calladine, giám đốc của nhóm “9-11 Health Now”, tin rằng con số người bị bệnh có thể lên tới hàng nghìn.
Sau thảm hoạ này, chính phủ Mỹ công bố al-Qaeda và Osama bin Laden là thủ phạm chính và phát động cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Mỹ đã đổ hàng trăm tỷ USD cho chiến dịch tấn công Taliban ở Afghanistan ngay trong năm 2001 và phát động cuộc chiến tại Iraq năm 2003. Thiệt hại về người đã vượt quá số người bị chết trong vụ khủng bố 11/9. Ngân sách quốc phòng Mỹ đã tăng gần 10%. Hàng tỷ USD khác đã được tăng chi cho bảo đảm an ninh nội địa. Nhưng kết quả là bin Laden vẫn nhởn nhơ và người Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn.
Trước vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, al-Qaeda của bin Laden đã khét tiếng vì những vụ tấn công vào các mục tiêu quân sự và ngoại giao, điển hình là vụ tấn công tàu USS Cole và đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Nhưng công ty tình báo tư nhân STRATFOR nói rằng các biện pháp an ninh tăng cường và chiến dịch chống khủng bố toàn cầu của Mỹ đã khiến al-Qaeda và đồng minh chuyển sang tấn công các mục tiêu “mềm”, trong đó có các khách sạn.
Kể từ năm 2001, các vụ tấn công nhắm vào các khách sạn đã tăng gấp đôi so với tám năm trước vụ tấn công 11/9, điển hình là các vụ đánh bom tự sát nhắm vào các khách sạn ở Islamabad và Peshawar của Pakistan; ở Jakarta của Indonesia hồi năm ngoái; loạt tấn công khủng bố ở Mumbai, Ấn Độ.
Ông Scott Stewart, Phó chủ tịch phụ trách về Tình báo Chiến lược Mỹ, nhận định rằng việc các khách sạn trở thành mục tiêu cho thấy al-Qaeda đã thay đổi chiến lược hoạt động và đây lại là mối lo nữa với Mỹ và các đồng minh trong cuộc chiến còn tiếp diễn này. Chính Washington không giấu giếm lo ngại rằng al-Qaeda đang phân ra thành nhiều bộ phận nhỏ để khuynh đảo các nước bất ổn như Somali hay Yemen./.
Theo Báo Dân Trí