Thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng và kéo dài về lương thực và khủng hoảng kinh tế, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng tạo ra những thách thức mới. Nạn đói đang trên đà tăng cao, đời sống và sức khỏe của hàng triệu người đang bị ảnh hưởng. Lúc này, hơn bao giờ hết, một phản ứng toàn cầu đối với những vấn đề mà người nghèo đang và sẽ phải đối mặt là hết sức cần thiết.
Thế giới đang nỗ lực để khắc phục những hậu quả của khủng hoảng kinh tế, đối phó với biến đổi khí hậu để đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào các vấn đề nhỏ lẻ sẽ là không đủ. Nhóm G-20 và Liên hiệp quốc đang kêu gọi một giải pháp toàn diện để đạt được an ninh lương thực.
Một giải pháp thật sự hỗ trợ người nghèo kiểm soát các nguy cơ đang ngày càng gia tăng về an ninh lương thực phải bao gồm nâng cao năng suất nông nghiệp, tăng cường phát triển cơ hội thị trường, cơ hội bảo hiểm và cơ hội được bảo vệ về mặt xã hội.
Phòng chống rủi ro an ninh lương thực sẽ không thể đạt được nếu không đẩy mạnh cải cách và do đó, ở quy mô toàn cầu, đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp, đặc biệt là trong Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), phải tăng lên. Điều này có thể cải thiện nếu thế giới ưu tiên giải quyết bốn vấn đề sau:
1. Đầu tư vào dinh dưỡng Mặc dù các nghiên cứu sâu rộng đều chứng tỏ những lợi ích kinh tế và xã hội mà việc nâng cao dinh dưỡng mang lại, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những can thiệp về dinh dưỡng ít khi được thảo luận và rất ít được theo đuổi mạnh mẽ bởi những nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển, một phần cũng bởi dinh dưỡng không hoàn toàn thuộc về một lĩnh vực quản lý nào.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng là một cuộc khủng hoảng thầm lặng của người nghèo và trẻ em, trong khi làm ngơ trước vấn đề này hiếm khi gây ra những tổn thất về mặt chính trị đối với các nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, những chương trình dinh dưỡng thường là những khám phá hiệu quả nhất về mặt kinh tế. Cải thiện dinh dưỡng đóng góp vào năng suất, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo bằng cách cải thiện khả năng lao động, phát triển nhận thức, thành tích học tập và sức khỏe.
Các thiệt hại kinh tế mà suy dinh dưỡng mang lại là rất cao, lên tới nhiều tỷ USD một năm do suy giảm tổng sản phẩm quốc nội.
2. Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Không tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho nông dân là một trong những rào cản lớn nhất kìm hãm phát triển nông thôn, đặc biệt là tại khu vực lân cận Sahara ở Châu Phi. Bởi vì, nếu không có một thị trường đáng tin cậy cho sản phẩm của mình, nông dân thường ít có động lực để tăng năng suất.
Ngoài ra, nông dân rất cần những thông tin đáng tin cậy về giá cả, về việc thực hiện hợp đồng và các biện pháp khác để có thể cạnh tranh hiệu quả. Chính vì vậy, chính phủ cần ban hành và triển khai các chính sách tạo điều kiện và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nông dân.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn cũng là một chính sách quan trọng bên cạnh các chính sách tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với con/hạt giống tốt và phân bón đảm bảo.
3. Kiềm chế biến động giá thực phẩm Cuộc khủng hoảng giá lương thực diễn ra dữ dội trong suốt năm 2008 và vẫn còn kéo dài tới năm 2009 có nhiều nguyên nhân. Nó bắt nguồn từ tăng trưởng năng suất nông nghiệp thấp do đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp chưa cao, do nhu cầu về thực phẩm, nhiên liệu sinh học tăng và giá dầu cao.
Một số nước đã đối phó với cuộc khủng hoảng này bằng cách hạn chế xuất khẩu ngũ cốc, và điều này càng làm cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ. Một số nước áp dụng các biện pháp kiểm soát giá bán lẻ, tạo ưu đãi cho người sản xuất. Trong khi đó, đầu cơ về giá tăng lên, dẫn đến việc tăng khoảng cách giữa tiền mặt và giá tương lai.
Các phản ứng này đã cản trở sự lưu thông của thực phẩm đến nơi cần thiết nhất và làm “nhiễu” luồng thông tin về giá cả tới người nông dân. Chưa hết, điều này còn gây thiệt hại lớn cho hệ thống lương thực toàn cầu, đặc biệt là với những nước nghèo nhất và những người khốn khó nhất.
Để đối phó với vấn đề này, IFPRI đã đề xuất một cơ chế toàn cầu mới có thể kết hợp hai hình thức: (1) dự trữ ngũ cốc tối thiểu cho hỗ trợ nhân đạo, và (2) dự trữ ảo và cơ chế can thiệp để bình ổn thị trường trước tình trạng đầu cơ thông qua một quỹ dự phòng tài chính. Thực hiện công cụ giảm rủi ro bằng dự trữ thực và ảo này có thể giúp ngăn ngừa đột biến giá tương lai.
4. Thích nghi với biến đổi khí hậu Các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và sẽ phải đối mặt với những suy giảm lớn hơn trong sản lượng lương thực và năng suất nông nghiệp so với các nước công nghiệp. Hơn ai hết, người nông dân sẽ phải gánh chịu thiệt hại nhiều nhất. Nếu không có công nghệ mới và hỗ trợ thích nghi hợp lý, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm đáng kể sản lượng nông nghiệp.
Năm 2050 giá lúa mì trên toàn cầu có thể tăng lên đến 194%, tức là tăng 150% so với kịch bản không có biến đổi khí hậu.
Thế giới cần đầu tư khoảng 7 tỷ USD mỗi năm để triển khai các chương trình thích nghi để ít nhất không tăng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Bản tuyên bố của Hội nghị Biến đổi khí hậu Copenhagen về an ninh nông nghiệp và lương thực sẽ hướng tới một số vấn đề sau:
Gia tăng đầu tư vào nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm cải thiện an ninh lương thực và nhờ vậy nông nghiệp và lâm nghiệp, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, sẽ được hưởng lợi từ một quỹ hỗ trợ.
Các quốc gia được khuyến khích triển khai các chương trình giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua lưu trữ cacbon và thay đổi phương thức sử dụng đất để giảm phát thải khí nhà kính.
Một mạng nghiên cứu công quốc tế về biến đổi khí hậu liên quan đến phát triển và chia sẻ công nghệ sẽ được thành lập và tài trợ để hoạt động như một nhóm tư vấn độc lập, tập trung vào các nghiên cứu thích nghi và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Thế giới từng đạt được những thành công lớn trong phát triển nông nghiệp, nuôi sống hàng tỷ người. Đầu tư vào nông nghiệp đang được đẩy mạnh và các diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Lương thực phải đảm bảo rằng những đầu tư này được triển khai hiệu quả và góp phần giảm đáng kể nạn đói.
Thiennhien.net (Theo IFPRI,11/2009)