Nơi con rồng cháu tiên tụ hội
Trại hè Việt Nam 2013 với chủ đề "10 năm tiếng gọi cội nguồn" đánh dấu mốc 10 năm tổ chức chương trình.
Trong không khí rộn ràng của ngày đầu tiên tập trung, các thanh niên kiều bào đã mạnh dạn giao lưu, làm quen, kết bạn với nhau, mặc dù nhiều em chưa nói thuần thục tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ của "Đất Mẹ" đã làm cầu nối gắn kết để các em trao đổi thông tin, tâm tư và tình cảm.
Hoài Ngân, 22 tuổi về từ Liên bang Nga cho biết cô cùng gia đình chuyển sang nước Nga sinh sống, học tập và làm việc được gần hai năm, mặc dù nước Nga xinh đẹp và lộng lẫy nhưng Ngân luôn nhớ về những kỷ niệm thân thuộc đã gắn liền với gia đình cô trong 20 năm ở Hà Nội.
Võ Đại Thành, 17 tuổi, sinh ra tại Vientiane (Lào) tâm sự đây là lần thứ ba chàng thanh niên trẻ này trở về nước, mỗi chuyến đi đều có một cảm xúc khác nhau. Trong chuyến đi lần này có hai người bạn thân của Thành cùng tham gia, các bạn không thạo tiếng Việt cho lắm.
Thành hy vọng trong hành trình lần này, các bạn của cậu sẽ học hỏi được nhiều hơn ngôn ngữ tiếng Việt, cũng như hiểu biết nhiều hơn về các địa danh, các di tích lịch sử mà Thành và các bạn mới chỉ được đọc, tìm hiểu qua tài liệu hoặc được nghe người thân kể lại.
Về nước lần này, Thành mong mỏi được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu, người đã tận tụy cả một đời vì nước, vì cả dân tộc. Ngoài ra, Thành cũng rất phấn khởi vì sẽ được đến Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, cái nôi đào tạo ra các nhân tài của đất nước từ xa xưa.
Nguyễn Thị Kiều Oanh, 18 tuổi, về từ Cộng hòa Séc, lại rất hồi hộp khi đăng ký tham dự chương trình Trại hè Việt Nam 2013. Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho chương trình, Oanh đã tìm hiểu rất nhiều các thông tin về Việt Nam qua các trang mạng.
Chuyến đi trong chương trình sẽ bắt đầu từ nơi địa đầu tổ quốc với ngọn cờ Lũng Cú (Hà Giang) nổi tiếng, nơi ghi dấu biết bao xương máu của cha ông đã đổ để bảo vệ đất nước.
Kiều bào - một bộ phận không thể tách rời
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn xác định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, vì vậy chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau khi Bộ Chính trị (Khóa X) ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW (ngày 26/3/2004), công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả và nhiều bước đột phá quan trọng. Kiều bào khắp nơi trên thế giới về thăm quê hương ngày càng nhiều, đặc biệt là trong dịp hè và Tết Nguyên đán.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết Trại hè năm nay có chủ đề "10 năm tiếng gọi cội nguồn" nhằm kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám; 66 năm Ngày Thương binh liệt sỹ, đặc biệt là dấu mốc 10 năm tổ chức trại hè với những hoạt động sôi nổi và đầy ý nghĩa thiết thực, sẽ mang lại hiệu quả to lớn đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.
Nội dung quan trọng của trại hè năm nay nhằm giúp thanh niên kiều bào có điều kiện tiếp cận và hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn văn hóa, sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam, qua đó nâng cao lòng tri ân công đức với tổ tiên, gắn bó với quê hương, đất nước của các em.
Ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc đang thấm dần vào từng tầng lớp, từng gia đình trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong các cuộc tiếp xúc với nhiều đối tượng kiều bào, từ trí thức, sinh viên, doanh nhân..., ai cũng mong muốn được trở về quê hương để cùng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Theo chương trình, trại hè sẽ diễn ra tại chín tỉnh, thành ở cả ba miền đất nước, được khai mạc tại địa đầu của Tổ quốc (tỉnh Hà Giang) và bế mạc tại Đất mũi Cà Mau.
Trong thời gian diễn ra trại hè, các đại biểu sẽ được tham dự nhiều hoạt động ý nghĩa khác như dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ); viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự lễ tưởng niệm anh linh các liệt sỹ và đồng bào tử nạn tại Hà Giang, thành phố Hồ Chí Minh; giao lưu với đoàn thanh niên tại Hà Giang, Thanh Hóa, Đà Nẵng./.
Thanh Hải (TTXVN)