Tuy nhiên, mức xử phạt các vi phạm này còn thấp, chưa đủ sức răn đe, có trường hợp tái diễn vi phạm nhiều lần.
Cụ thể, Hà Nội phát hiện 1 tấn chân gà, tim lợn thối tại chợ Minh Khai (14/12/2015); 1 tấn da, nội tạng trâu bò ướp muối không rõ nguồn gốc tại Thường Tín (18/12/2015); 90 tấn mỡ bò bẩn tại Phú Xuyên (31/12/2015); hàng trăm kg rau, cũ, thịt không rõ nguồn gốc bán cho 7 trường mầm non, tiểu học (14/1/2016).
Đắc Lắk phát hiện 1 tấn thịt thối gửi xe khách từ Bình Định (29/12/2015). Lào Cai phát hiện 3 tấn lòng lợn thối (9/1/2016). Các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Vũng Tàu phát hiện 862 con heo thịt tồn dư chất cấm vượt mức cho phép (từ 8-17/1/2016)...
Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đã đề nghị Cục Quản lý thị trường, Cục Phòng chống tội phạm về môi trường và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thực phẩm bẩn ở mức phạt cao nhất.
Với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự, sẽ đề nghị chuyển cơ quan công an xử lý.
Hiện Ban chỉ đạo Liên ngành đã thành lập 6 Đoàn công tác liên ngành để tập trung thanh tra các tỉnh, thành phố lớn nhằm đôn đốc thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong việc thanh tra, kiểm tra và hoạt động tuyên truyền trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân ở các địa phương.
Các địa phương cũng thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ tuyến tỉnh xuống quận, huyện, xã phường để thanh tra tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, các đoàn thanh tra tập trung vào 2 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có cửa khẩu, có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, chợ đầu mối, nơi trung chuyển thực phẩm tới các địa phương.
Các đoàn thanh tra kết hợp lấy mẫu gửi về các phòng kiểm nghiệm kiểm tra và ra kết quả rất sớm để cảnh báo ngay tới người tiêu dùng được biết./.
Theo VN+