Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong tuyến cao tốc hiện đại bậc nhất Việt Nam với số tiền đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, vừa thông xe chưa đầy 6 tháng đã có những đoạn xuống cấp khiến người điều khiển phương tiện bức xúc.
Sau khi xử lý sự cố, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã chính thức có lời xin lỗi người tham gia giao thông và các cơ quan quản lý vì sự chậm trễ trong việc khắc phục các hư hỏng, tồn tại, làm ảnh hưởng tới sự an toàn, thuận tiện của các phương tiện lưu thông. VEC cho rằng, thậm chí "còn có dấu hiệu vô cảm đối với tài sản của doanh nghiệp cũng như trách nhiệm phục vụ người tham gia giao thông"…
Sự nghiêm túc như đã nêu thật đáng mừng bởi vì không phải ai cũng nhìn thấy lỗi, thấy trách nhiệm là… của mình. Đặc biệt, khi có lỗi, có khuyết điểm, không phải ai cũng dám đứng ra công khai xin lỗi. Vậy nhưng khi nhìn nhận lại sự việc, có thể thấy, câu chuyện không chỉ khép lại bằng hai từ "xin lỗi".
Vấn đề đầu tiên ở đây là chuyện "ép" tiến độ, dẫn đến những sự cố trồi sụt mặt đường cao tốc. Vậy phải chăng có chuyện "chạy theo thành tích" để bảo đảm cho việc dự án được đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đúng kế hoạch? Giờ này khi đã có "vấn đề", ở đâu đó lại có các kiểu lý giải, ví dụ như sự chỉ đạo của lãnh đạo cơ quan chủ quản; rồi thì không lẽ vì 300m đường mà làm tổn phí cả 50km toàn tuyến… Chắc chắn, nếu vì những lý do chính đáng thì chả có lãnh đạo nào ép cấp dưới của mình "chạy đua với thời gian" để hoàn thành những sản phẩm kém chất lượng. Và nếu có những bằng chứng xác thực cho chuyện này thì chịu trách nhiệm trước pháp luật không phải là đơn vị thi công. Thứ hai là việc khi bình thường thì người ta đủng đỉnh thực hiện dự án, để dồn tất cả cho công đoạn "nước rút". Thực tế thực hiện nhiều dự án cho thấy, thời điểm đó nếu có tăng chi phí nhân công, tăng giá vật tư thiết bị… kiểu gì cũng được nhà đầu tư chấp thuận, thậm chí có khi còn phải xuất "tiền tươi?". Thì tất cả cũng chỉ để công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không lẽ lo được cả "cái áo" lại thiếu… "chiếc khuy áo". Cuối cùng, nếu coi việc đóng phí để đi trên đường cũng tương tự như mua một mặt hàng mà người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng, có thể thấy những bức xúc của người điều khiển phương tiện giao thông là chính đáng. Nếu mua phải mặt hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền đổi sản phẩm hoặc được đền bù số tiền đã bỏ ra. Vậy những thiệt hại của người đóng phí đi trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong thời gian qua sẽ được xử lý như thế nào?
Trên đây là một số chuyện, trong đó có những vấn đề không mới, nhưng có những vấn đề thậm chí chưa được quy định trong luật. Tuy nhiên nêu ra để thấy, nếu muốn hạn chế thấp nhất những sự cố tương tự như chuyện lún, nứt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì mọi khía cạnh của từng dự án đều phải được tính toán và làm rõ trách nhiệm. Nếu không như vậy sẽ rất dễ xuất hiện tình trạng: "Xin lỗi", lần sau… cứ thế!
Thái Sơn/HNM0