Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 18/5/2011 10:4'(GMT+7)

Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011

 Sáng 17/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kết hợp với Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2011.

Với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường”, báo cáo năm nay được hoàn thành trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với thách thức phát triển mới sau một thập niên tăng trưởng.

Năm 2011 cũng là năm mở đầu của chiến lược 5 năm, nhưng trước mắt nền kinh tế đang chứng kiến những bất ổn vĩ mô tiềm tàng như lạm phát tăng cao, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, cải cách doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều vấn đề…

Điều này cho thấy Việt Nam đang đứng một ngã ba đường với những quyết định quan trọng liên quan đến cơ hội và quyết tâm tiếp tục cải cách kinh tế- xã hội, thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế… để tạo những tác động mới cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội một cách bền vững trung và dài hạn.

Để ổn định kinh tế năm 2011, nhóm nghiên cứu Báo cáo thường niên cho rằng: cần ưu tiên hàng đầu là thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Cần tính toán lại các chỉ tiêu tiền tệ cho phù hợp và điều hành một cách nhất quán, dứt khoát bằng các công cụ mang tính chất thị trường. Đối với chính sách tài khóa cũng cần thắt chặt một cách kiên quyết nhưng trên cơ sở tính toán đến khả năng tăng trưởng dài hạn.

Việc cắt giảm chi đầu tư xây dựng cần phải được thực hiện đồng thời với việc đa dạng hóa hay xã hội hóa các hình thức đầu tư xây dựng như đầu tư hợp tác công tư (PPP), BOT, BT…Tuy nhiên, không thể cắt giảm chi đầu tư phát triển một cách tràn lan vì vậy sẽ ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng trong dài hạn.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, không gian chính sách để kiềm chế và bình ổn kinh tế vĩ mô của chúng ta hiện nay là không nhiều. Tuy nhiên tinh thần của Nghị quyết 11 đã sử dụng tương đối đầy đủ các chính sách, từ nay đến cuối năm chỉ là vấn đề thực hiện.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi kiến nghị là điều hành tiền tệ và tài khóa một cách có kỷ luật rất cao và nghiêm túc. Ngoài ra, trước mắt nên tăng lãi suất tiền gửi, và một chính sách tiếp theo là chuẩn bị cân nhắc việc thực hiện tăng dự trữ bắt buộc cho hệ thống ngân hàng để kiểm soát cung tiền”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh./.

Nguyễn Hằng- Ngọc Hà/ VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất