(TCTG) - Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012. Với tổng số thời gian làm việc là 26 ngày, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế- xã hội, công tác giám sát… Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Chiều 19/10, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố Chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng và Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội Phan Thị Toàn chủ trì cuộc họp báo.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 22/11/2012. Với tổng số thời gian làm việc là 26 ngày, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế- xã hội, công tác giám sát… Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Về công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua 9 dự án luật và 2 Nghị quyết bao gồm: Luật dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật xuất bản (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật Thủ đô; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Về các vấn đề kinh tế- xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác, Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013; báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2013; báo cáo về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế... Đặc biệt tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết để thông tin tuyên truyền kịp thời về hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, số lượng các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã tăng lên ( tổng số 13 buổi, so với kỳ họp thứ 3 tăng 5 buổi). Theo thông lệ, ngoài phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và phiên chất vấn được truyền hình và phát thanh trực tiếp, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp đối với 1 số phiên thảo luận về một số dự án luật quan trọng.
Trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc sửa Hiến pháp lần này sẽ tập trung vào các vấn đề lớn như: các chương về chính trị, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức bộ máy nhà nước... Nội dung sửa đổi Hiến pháp sẽ được Quốc hội dành hai ngày để thảo luận và sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. Nội dung lấy ý kiến nhân dân là về toàn bộ dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó tập trung vào các nội dung: lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Thời điểm lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp 1992 sẽ kéo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu từ tháng 1/2013. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để trình tại kỳ họp Quốc hội sau đó. Phấn đấu Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết./.
TG