Bộ dữ liệu này giống như cuốn từ điển để ngành y làm cơ sở có những tham
chiếu quan trọng cho các nghiên cứu y-sinh học liên quan đến sức khỏe,
bệnh tật và nhân chủng học của người Việt.
Tạp chí di truyền quốc tế uy tín Human Mutation (IF=4,5) vừa công bố
Nghiên cứu về bộ gene của người Việt do nhóm các nhà khoa học Viện
nghiên cứu Tế bào gốc - công nghệ Gen Vinmec (VRISG) thực hiện.
Hệ thống Y tế Vinmec đã thông tin công bố về kết quả của dự án giải trình tự hệ gene người Việt.
CƠ SỞ DỮ LIỆU LỚN NHẤT VỀ BỘ GENE CỦA NGƯỜI VIỆT
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và
công nghệ Gen Vinmec cho hay, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học Việt
Nam đã độc lập tiến hành các công nghệ phức tạp để giải mã và phân tích
dữ liệu về hệ gene của người Việt với số lượng lớn nhất. Nghiên cứu là
cơ sở dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay về bộ gene của người Việt thông
qua việc giải mã bộ gene của 305 người Kinh khỏe mạnh kết hợp với 101 bộ
gene được công bố trước đó. Như vậy, đã có 406 bộ gene của người Việt để phân tích và ghi chép lại dữ liệu này. Đây là dữ liệu về hệ gene của
người Việt lớn nhất từ trước đến nay và cũng đại diện nhất.
Nghiên cứu xác định gần 25 triệu biến đổi di truyền, bao gồm hơn 99% các biến đổi di truyền phổ biến của người Kinh Việt Nam.
“Trước đây chúng ta có rất ít nghiên cứu và dữ liệu về bộ gene người
Việt Nam nên thường phải tham chiếu từ bộ gene người nước ngoài. Sự tham
chiếu như vậy có nhiều hạn chế vì mỗi một chủng tộc/dân tộc thường có
cấu trúc bộ gene khác nhau vì vậy rất cần có một nghiên cứu giải mã bộ
gene người Việt để cung cấp dữ liệu tham chiếu cho các nghiên cứu về sức
khỏe, bệnh tật cũng như góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc tổ tiên của
người Việt”, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.
Cũng như các dự án quốc tế khác, các nghiên cứu viên đã tuyển chọn
những người tham gia có ít nhất 3 đời là người Kinh, khỏe mạnh, gia đình
không có tiền sử mắc các bệnh di truyền phổ biến và các người tham gia
không có quan hệ huyết thống.
Các chuyên gia đã sử dụng các công nghệ hiện đại nhất như giải trình
gene bằng máy Hiseq 4000 của Illumina, máy hiện đại nhất trên thế giới
vào thời điểm nghiên cứu bắt đầu tiến hành năm 2017, sử dụng kỹ thuật
Tin-Sinh học (Bioinformatic) để phân tích dữ liệu đồ sộ thu được từ máy
giải trình tự gene.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm phân tích, đây là sản phẩm của một dự án nghiên cứu lớn,
dự án nghiên cứu xác định phổ đột biến gene của trẻ em Việt Nam bị tự
kỷ.
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec. (Ảnh: Vietnam+)
Mục đích chính của dự án là xác định phổ đột biến gene của trẻ tự kỷ
nhằm trả lời câu hỏi mức độ đáp ứng với liệu pháp điều trị bằng ghép tế
bào gốc cho trẻ tự kỷ có liên quan đến đột biến gene không và cũng là
tiền đề để hướng tới chẩn đoán trước sinh, chẩn đoán sớm sau sinh và sản
xuất thuốc điều trị đặc hiệu cho trẻ tự kỷ.
Để giải quyết bài toán này, cần một cơ sở dữ liệu bộ gene người Việt
khỏe mạnh để tham chiếu nhưng do các dữ liệu đã có là không đủ để tham
chiếu, vì vậy Hệ thống y tế Vinmec đã quyết định xây dựng dữ liệu này bằng giải mã bộ gene của 305 người Kinh.
XÂY DỰNG "LÁ SỐ TỬ VI" VỀ BỆNH TẬT VÀ SỨC KHỎE
Bộ dữ liệu này là cơ sở tham chiếu, giống như cuốn từ điển để trong
ngành y có cơ sở tiếp tục có những tham chiếu quan trọng cho các nghiên
cứu y-sinh học có liên quan đến sức khỏe, bệnh tật và nhân chủng học của
người Việt.
“Ngoài ý nghĩa to lớn về mặt khoa học sức khỏe, điều làm chúng tôi
bất ngờ là khác biệt về bộ gene người Việt với người Hán, nhất là người
Hán phía Bắc Trung Quốc mà kết quả nghiên cứu chỉ ra đã làm sáng tỏ thêm
nguồn gốc tổ tiên của người Việt, một vấn đề rất nhạy cảm gây nhiều
tranh cãi từ trước tới nay nhưng lại thiếu các bằng chứng khách quan về
nghiên cứu bộ gene.
Kết quả phân tích nguồn gốc tổ tiên của các quần thể người cho thấy
người Đông Nam Á hiện tại bao gồm người Kinh Việt Nam có nguồn gốc chính
từ người Đông Nam Á cổ đại. Kết quả kiểm thử thống kê cho thấy sự giao
thoa và dịch chuyển gene từ các quần thể người Đông Á (bao gồm cả người
Hán phía Nam/phía bắc Trung Quốc) đến quần thể người Kinh Việt Nam là
không đáng kể”, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cho hay.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec cho
biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục nhiều nghiên cứu liên quan đến bộ
gene như xây dựng phương pháp phát hiện sớm các gene ung thư, chuyển hóa
và đáp ứng với thuốc điều trị, các bệnh di truyền, chuyển hóa, thoái
hóa thần kinh (Parkinson, Alzeimer…) sử dụng công nghệ giải trình tự
gene thế hệ mới và kỹ thuật Tin-Sinh học. Các nghiên cứu viên dự kiến
tiến hành xây dựng một “Lá số tử vi sinh học về bệnh tật và sức khỏe “
liên quan đến bộ gene để giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh tật.
Theo các nghiên cứu viên, hiện nay, rất nhiều lĩnh vực sức khỏe và
bệnh tật của con người liên quan chặt chẽ đến bộ gene như ung thư, các
bệnh di truyền, chuyển hóa thuốc, già hóa đặc biệt là sự phát triển của y
học cá thể hóa trong những năm gần đây./.
“Nghiên cứu về hệ gen của người Việt Nam” là một trong những nghiên
cứu đầu tiên của các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ gene tại Việt
Nam đăng tải trên Human Mutation (IF 4.5) - Tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực di truyền.
Nghiên cứu trên đã được hội đồng chuyên môn của tạp chí lựa chọn là
một trong những nghiên cứu xuất sắc, được đăng tải rộng rãi; khẳng định
khả năng nghiên cứu chuyên sâu, độc lập và bắt kịp xu hướng của các nhà
khoa học Việt Nam.
|
Thùy Giang (Vietnam+)