Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 3 Luật: Điện ảnh, Di sản Văn hóa và Sở hữu Trí tuệ nhằm quản lý tốt hơn, cũng như phù hợp hơn với thông lệ quốc tế khi Việt Nam là thành viên của WTO.
Ngày 8/10 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật Di sản Văn hóa và Luật Sở hữu Trí tuệ đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua. Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cuộc họp báo.
Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung một số điểm thuộc 23 Điều, trong đó đáng chú ý như khoản 2, Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim, doanh nghiệp phát hành phim và doanh nghiệp phổ biến phim của Việt Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp liên doanh.
Đối với hình thức đầu tư thành lập liên doanh thì phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định”.
Khoản 3, Điều 24 được sửa đổi, bổ sung: “Đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, chủ đầu tư dự án sản xuất phim phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản; được quyết định hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn dự án sản xuất phim, bảo đảm chất lượng tác phẩm và hiệu quả kinh tế-xã hội”.
Luật Sở hữu Trí tuệ được sửa đổi, bổ sung một số điểm thuộc 30 Điều, trong đó sửa đổi về: Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ; Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả…
Luật Di sản Văn hóa cũng được bổ sung, sửa đổi một số điều khoản, trong đó có những khoản như: khoản 1 Điều 4 định nghĩa về Di sản văn hóa phi vật thể mang tầm bao quát hơn so với định nghĩa trong Luật Di sản được ban hành năm 2001. Việc sửa đổi này cũng nhằm phù hợp hơn với một số quy định trong Công ước quốc tế của UNESCO về di sản văn hóa.
Theo ông Lê Anh Tuyến: “Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật Di sản Văn hóa và Luật Sở hữu Trí tuệ lần này nhằm phù hợp hơn với cách quản lý hiện nay; cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam đã là thành viên của WTO”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh và Luật Sở hữu Trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 01/01/2010./.
(Theo: VOV)