Thứ Bảy, 23/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 6/11/2009 21:6'(GMT+7)

Cồng chiêng Tây Nguyên qua nguồn ảnh tư liệu

Người Bana dùng dùi mềm gõ vào lòng chiêng. (Một trong những bức ảnh tư liệu cũ)

Người Bana dùng dùi mềm gõ vào lòng chiêng. (Một trong những bức ảnh tư liệu cũ)

Từ năm 1908 đã xuất hiện những bưu ảnh về cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là những bức ảnh có giá trị về nhiều mặt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Sự phong phú của bộ ảnh thể hiện sự quan tâm của người Pháp đối với nghệ thuật cồng chiêng và tập quán sử dụng cồng chiêng của các cư dân Tây Nguyên.

Khoảng 90 bức ảnh trưng bày được lựa chọn từ các kho lưu trữ của Pháp, hầu hết là của Trường Viễn Đông Bác cổ, Hội thừa sai Paris và Bảo tàng Quai Branly. Ảnh không bao trùm hết được âm nhạc cồng chiêng của tất cả các dân tộc Tây Nguyên nhưng thể hiện địa bàn nghiên cứu và sự quan tâm cá nhân của những người chụp.

Đó là những bức ảnh do các viên chức thuộc địa, sĩ quan quân đội, các nhà truyền giáo và học giả Pháp chụp tại các làng người Bana, Giarai, Mnông Gar... trong khoảng từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ 20.

Các bức ảnh của Hội thừa sai đa phần không có chú thích và được chụp ở vùng người Bana, Kon Tum, như những bức ảnh do linh mục Christian Simonnet chụp từ năm 1950 đến 1955 tại Kon Tum.

Những bức ảnh được chú thích cẩn thận thường do các nhà nghiên cứu Pháp chụp. Đó là những người đã sống nhiều năm trong các cộng đồng dân cư như Georges Condominas sống cùng người Mnông Gar, Jacques Dournes sống cùng người Giarai hoặc Jean Boulbet ở khu vực người Mạ.

Với sự đóng góp tích cực của bà Christine Hemmet, chuyên gia của Bảo tàng Quai Branly, nội dung trưng bày được xây dựng và tổ chức thành 4 phần. Trong đó, phần "Dàn nhạc cồng chiêng" giới thiệu những bức ảnh cho thấy cơ cấu của dàn nhạc bao gồm cồng, chiêng, trống và chũm chọe.

Phần "Tập quán gõ cồng chiêng" chủ yếu là các ảnh thể hiện cách thức gõ cồng, chiêng, như người Giarai, Bana, Êđê dùng dùi là những đoạn cây mềm gõ vào lòng chiêng. Người Mnông, Mạ, Cơho lại dùng nắm tay phải đánh vào mặt chiêng, trong khi tay trái giữ lòng chiêng để điều chỉnh âm thanh.

Người Êđê thường ngồi trên một cỗ ghế rất dài đặt dọc "phòng khách" trong nhà còn hầu hết các dân tộc khác đều diễn tấu cồng chiêng trong tư thế đứng, tạo thành một đội hình di chuyển ngược chiều kim đồng hồ xung quanh vị trí trung tâm của nghi lễ.

Phần "Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng" giới thiệu các nghi lễ có sử dụng cồng, chiêng như tang ma, hiến sinh trâu, đón tiếp "vua Lửa" và những nghi lễ gia đình khác.

Phần "Vượt khỏi truyền thống" cho thấy nhiều yếu tố mới đã có trong đời sống âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên như diễn tấu cồng chiêng để đón tiếp một quan chức người Pháp hay người Kinh.

Những chiếc cồng rất lớn và trống đại rất nặng đã được người dân đưa ra khỏi nhà để người Pháp chụp ảnh. Trang phục người Kinh đã xuất hiện trong những nghi lễ có sử dụng cồng chiêng.

Chương trình trưng bày kéo dài 3 tháng, đến hết ngày 7/2/2010 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất