Công
nghệ số được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang áp
dụng công nghệ mới như internet, điện toán đám mây…, nó cũng được gọi
là thời đại máy tính, thời đại thông tin, hoặc thời đại truyền thông
mới.
Việc tận dụng sự tiến bộ của máy tính đã giúp cho việc kết nối giữa
mọi người cũng như giúp cho việc khai thác, lưu giữ và truyền tải tài
liệu được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn. Vì những ưu thế đó,
hiện nay công nghệ số đang có vị thế quan trọng trong đời sống xã hội.
Có thể nói việc ứng dụng công nghệ số là sự lựa chọn hàng đầu ở hầu hết
lĩnh vực trong xã hội hiện đại. Nó đánh dấu một giai đoạn phát triển
trong lịch sử nhân loại, tạo động lực cho tiến hóa xã hội. Gần đây nhất,
Tuần lễ số quốc tế Việt Nam 2022 được khai mạc sáng 11/10/2022 ở Hà Nội
với mục tiêu thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối tác số Việt Nam với đối
tác quốc tế cho thấy chúng ta đã nhận thức được vai trò của “công cuộc
di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”, đó là cuộc di chuyển từ
thế giới thực vào thế giới số. Đồng thời nó cũng là thách thức đối với
nhân loại.
Thế giới số đã làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn, và
vì thế có ảnh hưởng đến nhau nhiều hơn. “Thế giới số”, “thế giới phẳng”
đã tạo ra không gian sống mới, đòi hỏi những chuẩn mực mới, nguyên tắc
ứng xử mới, văn hóa mới… Công nghệ số không chỉ có ý nghĩa đối với doanh
nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường…
mà còn có ý nghĩa đối với những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học
xã hội. Công nghệ số đã làm thay đổi phần nào hệ hình tư duy của các
nhà nghiên cứu; từ chỗ thụ động, thủ công, công nghệ hiện đại đã giúp
cho quá trình này trở nên nhanh gọn và khoa học hơn, tăng cường khả năng
chia sẻ, giao lưu giữa mọi người ở các quốc gia khác nhau.
Như chúng ta
đã biết, hiện nay Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 trên thế giới về số
người sử dụng mạng xã hội (theo thống kê từ Statista - một công ty
chuyên về thị trường và dữ liệu người tiêu dùng của Đức). Năm 2021 có
khoảng 90% người dùng internet Việt Nam sử dụng facebook, điều này đã
đưa nền tảng facebook trở thành kênh truyền thông xã hội hàng đầu.
Công
chúng trẻ là những đối tượng dễ tiếp cận với công nghệ số. Việc sử dụng
thành thạo vi tính và internet cùng với tư duy nhạy bén là lợi thế giúp
họ có thể nắm bắt thông tin một cách nhanh nhất. Chưa bao giờ trên mạng
xã hội lại xuất hiện dày đặc thông tin về mọi vấn đề, mọi lĩnh vực ở
trong nước và quốc tế như lúc này.
Riêng khu vực văn học, nghệ thuật mà
bài viết quan tâm cũng có nhiều vấn đề đặt ra. Bên cạnh các ấn phẩm bằng
giấy được xuất bản, thì một hình thức khác là viết trực tiếp trên mạng
cũng xuất hiện. Cả hai hình thức này đều có độc giả của nó. Lâu nay
nhiều bài viết bày tỏ sự lo ngại về văn hóa đọc, nào là giới trẻ ít đọc
sách, nào là sự xuống cấp về thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận người
đọc…, tuy nhiên, nếu quan sát và làm các điều tra xã hội học thì có thể
thấy rằng vẫn có một bộ phận công chúng trẻ tuổi yêu sách, đến với sách,
và một bộ phận chuyển từ hình thức đọc sách in trên giấy sang đọc sách
trên mạng… Lí do của sự thay đổi hình thức đọc này dễ lí giải: bạn có
thể đọc trên mạng bất cứ lúc nào mình thích, không tốn thời gian đi mua,
không tốn tiền mua sách… Tất nhiên, với hình thức đọc này, không phải
bao giờ chúng ta cũng được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm, hoặc được đọc
một tác phẩm có chất lượng cao.
Đối với một số người làm công tác nghiên
cứu, hay những đối tượng khác (không hẳn là lứa tuổi trung niên hay
người cao tuổi, mà có thể cả người trẻ) thì bên cạnh việc đọc trên mạng,
họ có nhu cầu đọc trực tiếp sách in; ở những người này, dường như việc
đọc trên giấy mang lại cảm giác thú vị hơn và có thể đem lại cảm xúc có
“chiều sâu” hơn so với việc đọc trên mạng.
Đọc trên mạng thỏa mãn nhu
cầu nắm bắt nhanh nội dung tác phẩm, cập nhật xu hướng, trào lưu, sự
quan tâm của giới trẻ đối với tác giả, tác phẩm nào đó. Do nhu cầu đọc
đó mà nhiều website của các tổ chức và cá nhân được hình thành. Một số
nhà văn trẻ được công chúng yêu thích, nằm trong top đầu có sách bán
chạy hay thường xuyên có truyện ngắn đăng báo, tạp chí… như Hamlet
Trương, Gào, Anh Khang, Minh Nhật, Sơn Paris, Nguyễn Ngọc Thạch, Huỳnh
Trọng Khang, Tống Phước Bảo, Phát Dương… Sáng tác của họ chủ yếu viết về
đời sống thực tại, trong đó nói được tâm tư, tình cảm, và cả những băn
khoăn, trăn trở trong quan niệm của giới trẻ về vấn đề đạo đức, lối
sống, định hướng tương lai… Một số tác giả trẻ cũng đã đặt ra những vấn
đề về đất nước, con người, hay dành sự quan tâm đối với di sản văn hóa
dân tộc. Cũng có thể nói ngay từ tiêu đề tác phẩm người đọc đã ít nhiều
cảm nhận được giọng điệu mới mẻ, hợp thời thượng và hiện đại của văn
chương mạng, ví dụ: Dị bản (Keng); Cho em gần anh chút nữa, Nhật kí son môi, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho (Gào); Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà
(Nguyễn Ngọc Thạch)… Bên cạnh những tác giả trẻ, một số tác giả đã
thành danh cũng gia nhập cộng đồng mạng như Đặng Thân, Nguyễn Quang Lập,
Inrasara, Hồng Thanh Quang…; điều này cho thấy những ưu thế nhất định
của văn chương mạng.
Văn học mạng có đặc tính riêng đó là khả năng tương
tác nhanh với độc giả, nên tác giả có thể biết ngay được phản hồi của
người đọc với tác phẩm của mình. Nhà văn Trang Hạ đã nói rằng, độc giả
mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn
mạng. Sự tương tác giữa công chúng với tác phẩm không phải mới xuất hiện
trong thời đại kĩ thuật số, chỉ là trong thời đại này, sự tương tác
diễn ra dưới hình thức khác, với internet là công cụ, do vậy nó diễn ra
nhanh hơn mà thôi.
Ngược
lại tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, từ thời trung đại sang
hiện đại, chúng ta thấy công chúng văn học đã đóng vai trò rất quan
trọng trong việc khẳng định sự tồn tại của một tác phẩm văn học. Càng
ngày công chúng càng chủ động tham gia vào đời sống văn học, thậm chí
“trở thành lực lượng chi phối của sự phát triển văn học”. Giữa tác phẩm,
nhà văn và công chúng đã có sự tác động qua lại, khiến cho tất cả đều
phải thay đổi. Sự phân hóa công chúng cũng bắt đầu diễn ra trong quá
trình tiếp nhận tác phẩm, một bộ phận trở về với tác phẩm truyền thống,
một số khác lại hướng đến văn chương hiện đại. Dù gì thì trong quá trình
hiện đại hóa văn học, sự tồn tại của tác phẩm luôn có sự gắn kết với
công chúng văn học.
Ngày
nay, bên cạnh sự “phức tạp” (hiểu theo nghĩa tích cực của từ này) của
công chúng văn học, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã góp phần thúc đẩy
sự phát triển đa dạng, mạnh mẽ của văn học, nghệ thuật. Nhà văn trẻ và
công chúng trẻ có sự đồng điệu nhất định về trình độ, tư duy, khả năng
nhận thức và tiếp nhận những khuynh hướng, trào lưu mới trong và ngoài
nước. Sáng tác của những tác giả trẻ thường là những tự sự, trải lòng về
chuyện đời tư, tình yêu, giới tính… được thể hiện sinh động, gần gũi
trên không gian mạng, do vậy cũng nhanh chóng đến được với công chúng.
Nhà văn và công chúng tìm thấy tiếng nói chung, dễ chia sẻ và đồng cảm,
dường như giữa họ không có khoảng cách, hay nói cách khác là ranh giới
đó gần như bị xóa nhòa…
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa, mọi thông
tin đều có thể cập nhật một cách dễ dàng. Công dân mạng đã tận dụng và
phát huy ưu thế này để thể hiện suy nghĩ, gửi gắm tâm tư của mình lên
đó. Chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính kết nối với internet,
ngồi ở bất kì đâu, nhà văn cũng có thể sáng tác và gửi ngay đến cộng
đồng mạng, và những công chúng “ăn, ngủ” trên mạng cũng có thể truy cập
được ngay những tâm tư/ suy nghĩ/ trăn trở… còn tươi mới đó của nhà văn.
Có thể coi đây là thuận lợi, ưu thế của thời đại kĩ thuật số. Tuy
nhiên, xét về phương diện khác, đôi khi những suy nghĩ, dòng chữ viết
nhanh và vội đó có thể chưa đủ độ chín, độ sâu để có thể đọng lại lâu
dài trong trí nhớ người đọc. Điều này đã được chứng minh bằng việc những
sáng tác trên mạng nếu in thành sách cũng phải chỉnh sửa để phù hợp với
các quy chuẩn trình bày, ngữ pháp, đặc biệt là tâm thế người đọc có
thói quen đọc kĩ, đọc nghiền ngẫm trên giấy in. Vì những đặc điểm đó,
công chúng khi tiếp cận với văn học mạng cần có sự tỉnh táo để sàng lọc
thông tin, tiếp nhận những giá trị đích thực của tác phẩm.
Có thể thấy
trên không gian mạng có nhiều loại người đọc khác nhau: có người lên
mạng để tìm kiếm thông tin với mục đích giải trí, nhằm thỏa mãn tính tò
mò, hiếu kì, loại này chiếm số đông; nhưng cũng có người mong muốn tìm
thấy giá trị thẩm mĩ thực sự nằm ở đâu đó trong tác phẩm. Vậy đó có phải
là thế giới ảo như một số người nhận định hay không? Tôi nghĩ nó ảo mà
không ảo, bởi bên cạnh những tư duy phóng khoáng, tự do hơn, vẫn có
những tác phẩm thể hiện những chiêm nghiệm, trải nghiệm về đời sống
thực. Thậm chí, trong cái nhìn mở về thực tại văn chương, thực tại tinh
thần, đâu là ảo, đâu là thực lại là câu chuyện không dễ phân định rành
rẽ.
Công chúng mạng cũng như người đọc tác phẩm văn học được in trên
giấy đều có “thần tượng” của riêng mình, chỉ khác nhau ở cách thức tương
tác với tác giả. Sự phản hồi nhanh chóng, tích cực cũng như tiêu cực
của người đọc đối với văn học mạng sẽ là cú hích quan trọng giúp tác giả
có thể sửa chữa, sớm hoàn thiện tác phẩm. Còn đối với tác phẩm in thì
sự phản hồi của độc giả sẽ diễn ra từ từ, một chiều, và tác giả chỉ biết
lắng nghe, tiếp nhận, nếu có trao đổi lại thì cũng chỉ để thể hiện quan
điểm của người đọc và tác giả. Tác phẩm đã xuất bản được xem như “ván
đã đóng thuyền”, khác với tác phẩm trên mạng, được coi là có tính chất
“mở”, và do vậy, người đọc cũng có vai trò khác nhau đối với mỗi loại
hình tác phẩm.
Đối với tính chất “mở” của văn học mạng, bên cạnh những
hạn chế như tạo nên sự dễ dãi, đôi khi cẩu thả trong sáng tác và tiếp
nhận, thì lại có ưu điểm là đẩy nhanh quá trình tiếp cận tác phẩm của
người đọc, nói cách khác là thúc đẩy văn hóa đọc của giới trẻ. Người
viết dễ trở thành tác giả bởi những sáng tác nhanh và vội được “tung”
lên mạng. Nội dung tác phẩm đôi khi chỉ khuôn lại ở những trải nghiệm cá
nhân (đóng kín), tình yêu đôi lứa, tình yêu đồng giới, những mối tình
tay ba, ghen tuông thù hận, những tình huống éo le... mà bỏ qua những
giá trị nhân văn, giá trị chân - thiện - mĩ hướng đến mĩ học, con người,
xã hội rộng lớn. Ngôn ngữ cũng được các tác giả tự do sáng tạo, thể
nghiệm, nhằm chiều theo thị hiếu và thu hút sự chú ý của một bộ phận
người đọc, điều này thể hiện ngay từ cách đặt tên tác phẩm mang tính
giật gân, gây sốc như đã kể ở trên. Sở dĩ có hiện tượng này ở văn chương
mạng bởi sự tự do trong sáng tác, người viết tự chịu trách nhiệm về các
trang viết của mình, không có sự can thiệp của biên tập viên nhà xuất
bản hoặc các đơn vị - tổ chức có nhiệm vụ kiểm duyệt để in như sách
giấy. Nói vậy cũng không có nghĩa là văn học mạng luôn là sản phẩm lỗi,
kém chất lượng, và đề cao chất lượng của văn học truyền thống. Dù là
loại hình nào thì sự thành công hay thất bại cũng phụ thuộc vào nhiều
yếu tố, trong đó công chúng là một mắt xích quan trọng.
Văn
học mạng cũng như văn học truyền thống cùng là nghệ thuật ngôn từ. Cả
hai loại hình này đều có những mặt mạnh và hạn chế, cũng như cách thức
tồn tại và phương thức tiếp cận riêng. Mặt mạnh của văn học mạng là có
thể “xuất bản” nhanh, do vậy cũng nhanh đến với độc giả. Không gian mạng
đem đến sự tự do cho người viết và tinh thần dân chủ cho người tiếp
nhận. Ở đây, sự tương tác giữa tác giả - độc giả mang hơi thở nóng hổi
của cảm xúc và cuộc sống. Mặt mạnh này cũng chính là hạn chế bởi văn học
mạng chưa có thời gian để trau chuốt và gọt giũa nội dung, câu chữ. Mặt
mạnh của văn học truyền thống là sự chỉn chu, kĩ càng trong quá trình
sáng tác, hoàn thiện tác phẩm của chính tác giả và người biên tập trước
khi xuất bản. So với văn học mạng, thời gian độc giả tiếp xúc với tác
phẩm in chậm hơn, nhưng cũng chính vì thế có thời gian lựa chọn, đọc kĩ
tác phẩm, đưa ra những phản hồi chính xác.
Trong
thời đại công nghệ số, phải thừa nhận và chấp nhận sự tồn tại của văn
học mạng. Văn học mạng đã làm phong phú, đa dạng và sinh động hơn đời
sống văn học từ khâu sáng tác đến tiếp nhận. Mạng internet đã giúp kết
nối người viết và người đọc trên toàn thế giới. Phương thức lưu giữ,
truyền tải và công bố tác phẩm trên mạng đã tạo nên hứng thú cho nhà văn
và người đọc bởi sự thuận lợi của nó. Nhà văn có thể công bố trên mạng
những tác phẩm đang viết dở, cũng như những tác phẩm đã hoàn thiện như
một cách thức để đến gần với người đọc. Người đọc cũng dễ dàng khai thác
và nắm bắt thông tin về tác giả, tác phẩm nhờ công nghệ hiện đại. Điều
này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống tinh thần, làm đầy
thêm vốn tri thức và những vấn đề mà người đọc quan tâm.
Ở một phương
diện khác, sự kết nối và tương tác trực tiếp giữa tác giả và người đọc,
giữa người đọc với người đọc về tác phẩm được xem như những cơ hội quý
giá để người viết suy nghĩ, chỉnh trang và hoàn thiện tác phẩm của mình.
Đây là sự khác biệt và mới mẻ trong hoạt động tiếp nhận của người đọc
so với tác phẩm văn học truyền thống. Công chúng văn học mạng được đề
cao khi được coi là một phần quan trọng tham gia vào quá trình sáng tác
của nhà văn. Tuy nhiên, đứng trước nhiều luồng ý kiến khác nhau, tác giả
cũng phải biết sàng lọc và có bản lĩnh trong tiếp nhận để tác phẩm được
ra đời theo ý đồ của mình.
Chúng
ta đang sống trong thời đại kĩ thuật số nên không thể phủ nhận những
thay đổi trong cách sáng tác, cách tiếp nhận, cách đánh giá tác phẩm và
người đọc trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của internet trên
toàn cầu tạo điều kiện kết nối và giao lưu giữa nhà văn và công chúng ở
các quốc gia khác nhau, tạo nên bức tranh văn học, nghệ thuật đa dạng và
sinh động.
Văn học mạng và văn học truyền thống tồn tại song song, và
cùng với đó đã tạo nên những tầng lớp công chúng khác nhau ở mỗi loại
hình văn học. Công chúng văn học, nghệ thuật trong thời đại kĩ thuật số
mang đặc thù riêng và có đóng góp nhất định trong sự phát triển của văn
học đương đại./.
TÔN THỊ THẢO MIÊN (vannghequandoi.com.vn)