(TCTG) - Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (từ ngày 11-14/3/2012), kỷ niệm 40 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và 40 năm giải phóng Quảng Trị (1972-2012), ngày 23/2, Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Cục Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tổ chức giao lưu với đoàn làm phim "Mùi cỏ cháy". Bộ phim vừa nhận giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đến dự buổi giao lưu.
Tại buổi gặp gỡ giao lưu, nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm,Tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và các diễn viên tham gia diễn xuất ... đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc khi làm phim, từ khi khởi quay đến khi hoàn thiện bộ phim.
Đạo diễn Hữu Mười cho biết: Tuy thực hiện bộ phim với kinh phí eo hẹp nhưng được làm phim về hình ảnh người lính là một niềm vinh dự, tự hào. Bộ phim "Mùi cỏ cháy" dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, cùng một số tư liệu, hồi ức về chiến tranh của các cựu chiến binh.... để tri ân và tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972.
"Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã lựa chọn “Mùi cỏ cháy” để giới thiệu cho tới cán bộ, nhân viên trong Ban" - Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ.
Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Bộ phim “Mùi cỏ cháy” đã khắc họa chân dung người chiến sĩ tuổi hai mươi với lòng dũng cảm, chịu đựng gian khổ, ý chí chiến đấu kiên cường. Thông qua chương trình giao lưu đầy ý nghĩa này, cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên giáo Trung ương được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh, những nhà biên kịch, đạo diễn phim “Mùi cỏ cháy”, qua đó hiểu được những câu chuyện xung quanh hậu trường của các đoàn làm phim, về cuộc sống đời thường cũng như quá trình lao động nghệ thuật vất vả của các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn làm phim.
Phim “Mùi cỏ cháy” là câu chuyện kể về bốn chàng trai Hoàng - Thành - Thăng - Long đang ngồi trên ghế giảng đường đại học. Theo lệnh tổng động viên, ngày 6/9/1971, bốn chàng sinh viên cùng hàng nghìn bạn bè đồng trang lứa đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm chia sẻ nhân vật Thăng lấy nguyên mẫu liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, còn Hoàng mang hình ảnh của ông. Nhưng khán giả có thể thấy hình ảnh của biết bao người lính, liệt sĩ như Vũ Đình Văn, Hoàng Giao Kim, Hoàng Thượng Lân... ở Hoàng - Thành - Thăng - Long.
"Mùi cỏ cháy" có thể ví như khúc tráng ca tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị. Khán giả trẻ - cả thế hệ đã trải qua chiến tranh và những người trẻ hôm nay - không ít người đã khóc khi xem phim./.
PV