Điều đó đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng quy định tại Chỉ thị 49/CT-T.Ư ngày 21-2-2005 đó là: “ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con), no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Nhận thức sâu sắc điều đó, CĐVC tỉnh Quảng Ninh đã coi trọng công tác tổ chức chỉ đạo xây dựng gia đình văn hoá gắn với phong trào thi đua: “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVC-LĐ).
Nét nổi bật trong công tác chỉ đạo của các cấp công đoàn những năm qua là đi sâu giáo dục giới và gia đình, giáo dục truyền thống, chuẩn mực phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước, xây dựng gia đình CBCCVC-LĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc với nhiều hình thức và nội dung hoạt động thiết thực, thu hút, động viên đông đảo CBCCVC-LĐ, đoàn viên công đoàn tham gia, thường xuyên tổ chức các hội nghị như: Hội nghị biểu dương gia đình văn hoá, gia đình thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ và làm kinh tế giỏi; tổ chức các giải thi đấu cầu lông, bóng bàn, văn nghệ gia đình... Duy trì các hình thức tổ chức nói chuyện chuyên đề nhân các ngày kỷ niệm truyền thống (Ngày Gia đình Việt Nam, 8-3, 20-10...) như về phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tuyên truyền về chuẩn mực của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước... Việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá trong CBCCVC-LĐ luôn gắn liền với phong trào “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động. Do vậy, những năm gần đây, các cấp CĐVC tỉnh đã chỉ đạo thực hiện phong trào “Hai giỏi” cùng với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Nhiều đơn vị đã cụ thể hoá nội dung phong trào cho phù hợp với cơ quan đơn vị mình như phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, “Gia đình nhà giáo văn hoá” của Trường Cao đẳng VHNT và Du lịch Hạ Long... đã thu hút đông đảo nữ CBCCVC-LĐ tham gia và thực sự trở thành điểm tựa để chị em phấn đấu. Trong 2 năm 2007, 2008 đã có 2.538 lượt nữ CBCCVC-LĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” cấp cơ sở và CĐVC tỉnh; có 2.618 lượt gia đình CBCCVC-LĐ đạt gia đình văn hoá.
Về công tác xã hội, các cấp công đoàn đã duy trì “Quỹ tương trợ”, “Quỹ hỗ trợ đoàn viên công đoàn” giúp các gia đình CBCCVC-LĐ khó khăn, ốm đau; trợ cấp các cháu con CBCCVC-LĐ có hoàn cảnh đặc biệt, số tiền trợ cấp hàng năm hàng chục triệu đồng. CĐVC tỉnh đã giải quyết cho 8 hộ gia đình vay vốn từ “Quỹ hỗ trợ đoàn viên công đoàn” để phát triển kinh tế gia đình với số tiền là 80 triệu đồng. Ban nữ công các CĐCS đã vận động chị em hưởng ứng phong trào “Nuôi lợn tiết kiệm”, đã giải quyết cho 25 lượt chị được vay vốn, với số tiền là 215 triệu đồng.
Công tác dân số - KHHGĐ đã được các cấp công đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả, 100% các đơn vị thực hiện tốt các mục tiêu KHHGĐ, mô hình gia đình nhỏ từ 1 đến 2 con. Do vậy trong 2 năm qua không có gia đình nào sinh con thứ 3 trở lên...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác gia đình hiện nay cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Mặt trái của kinh tế thị trường hiện nay đang tác động đến các vấn đề của đời sống xã hội và gia đình. Đó là các mối quan hệ đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình như cư xử, kính trên nhường dưới, lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, tình cảm chung thuỷ vợ chồng... có phần bị giảm sút. Trong khi đó nhiều cái xấu nảy sinh biểu hiện ở lối sống, nếp nghĩ, cách ứng xử, ăn mặc, quan niệm lệch lạc về tình yêu, hôn nhân, đạo đức, TNXH như ma tuý, rượu chè, cờ bạc... làm ảnh hưởng đến tính bền vững của gia đình.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước và nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào gia đình văn hoá trong CBCCVC-LĐ, thời gian tới, giải pháp là các cấp công đoàn cần tiếp tục chỉ đạo, duy trì và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Giỏi việc nước - đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” trong CCVC-LĐ, chú trọng quan tâm đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức về giới và gia đình, kiến thức pháp luật, kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp, chú trọng đến nữ CBCCVC-LĐ trẻ để chị em có đủ trình độ đảm đương nhiệm vụ, ổn định việc làm, đảm bảo cuộc sống, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình. Tiếp tục khai thác các nguồn vốn, cho vay, giải quyết việc làm, duy trì và phát huy hiệu quả nguồn vốn “Hỗ trợ đoàn viên công đoàn”, quỹ “Vì nữ CNLĐ nghèo” các cấp, để hỗ trợ CBCCVC-LĐ phát triển kinh tế gia đình. Tích cực chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác dân số - KHHGĐ, công tác phòng chống các TNXH và phòng chống HIV/AIDS trong CBCCVC-LĐ.
Đối với mỗi gia đình cần gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một công dân, các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị nơi công tác và các quy định, hương ước của tổ dân, khu phố. Thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số, chính sách KHHGĐ. Xây dựng gia đình hoà thuận, có kỷ cương, nền nếp, giữ gìn gia phong, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hành tiết kiệm không lãng phí, phô trương, không mê tín dị đoan, không có người mắc các TNXH, không sử dụng văn hoá phẩm cấm lưu hành. Ăn, ở vệ sinh, phòng bệnh tốt, tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ tốt. Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ mọi người khu dân cư...
Có thể nói xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá là cuộc vận động xã hội lớn, vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài. Với vai trò là lực lượng tiên phong đi đầu trong mọi lĩnh vực, CBCCVC-LĐ các cấp CĐVC tỉnh quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt hơn các nội dung tiêu chuẩn gia đình văn hoá; trách nhiệm và gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu CNH-HĐH đất nước.
Phạm Thị Thắm (CĐVC QNinh)