Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 23/6/2009 9:41'(GMT+7)

Xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh góp phần làm cho đất nước “mạnh về biển và giàu lên từ biển”

Hầu hết các quốc gia phát triển nhất trên thế giới đều là những nước có biển và nền kinh tế biển mạnh. Hiện nay, các quốc gia có biển đang giữ lợi thế lớn không thể phủ nhận và đang nhất loạt vươn ra biển, tìm mọi cách khai thác các nguồn lợi từ biển để tăng cường tiềm lực kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Là một quốc gia ven biển, nước ta cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, bước đầu đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh từ biển, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay khả năng khai thác những lợi ích từ biển của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của quốc gia ven biển; an ninh trên biển vẫn còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền, thăm dò, khai thác trái phép các nguồn tài nguyên biển của tàu thuyền nước ngoài vẫn thường xuyên xảy ra; tình trạng buôn lậu, tội phạm trên biển vẫn diễn biến phức tạp… Vì vậy, việc xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển; tạo dựng, duy trì môi trường hoà bình, ổn định và bảo đảm an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo là điều kiện tiên quyết để chúng ta tiến ra khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lợi của biển; đồng thời, là nhân tố quan trọng góp phần hiện thực hoá mục tiêu mà NQTW 4 (khoá X) về Chiến lược biển Việt Nam đã đề ra: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển…”(1).

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế trên tất cả các lĩnh vực và bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc xây dựng các lực lượng để quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, nhất là xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh, từng bước hiện đại nhằm tăng cường khả năng răn đe, sẵn sàng giáng trả các hành động xâm phạm chủ quyền biển, đảo và tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế biển là một trong những nhân tố hết sức quan trọng.

Là một quân chủng kỹ thuật của Quân đội nhân dân, Hải quân nhân dân Việt Nam được tổ chức, trang bị và huấn luyện để đảm đương nhiệm vụ trên hướng trọng yếu, giữ vai trò nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển; đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác để quản lý, giữ gìn an ninh biển theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp, Công ước quốc tế về biển. Hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, cùng với sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào cả nước, đặc biệt là nhân dân các địa phương ven biển, Hải quân nhân dân được xây dựng và phát triển không ngừng, cơ cấu tổ chức ngày càng hoàn thiện; vũ khí, trang bị kỹ thuật được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; khả năng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trước tình hình diễn ra phức tạp ở biển Đông, hiện nay nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo cần phải tăng cường và củng cố. Sức mạnh quân sự của quốc gia trên biển, cũng như sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Hải quân là vấn đề vừa mang tính cấp bách, lại vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài, nhằm bảo đảm cho đất nước ta luôn chủ động, đủ sức ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống diễn biến phức tạp trên biển và từ hướng biển. Theo đó, cùng với việc tăng cường đầu tư mua sắm tàu thuyền và một số loại vũ khí kỹ thuật hiện đại trang bị cho các lực lượng cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả những vấn đề cơ bản như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX); Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng trong Quân chủng, trước hết là chất lượng chính trị, đảm bảo cho Quân chủng luôn là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục tình hình nhiệm vụ cho mọi đối tượng trong toàn Quân chủng để họ nhận thức đầy đủ về tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và những âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc của các thế lực, nhằm từng bước thực hiện mưu đồ “độc chiếm biển Đông”. Cùng với đó, cần coi trọng giáo dục truyền thống đánh giặc giữ nước, bảo vệ biển, đảo của dân tộc và những kinh nghiệm chiến đấu của cha ông trên chiến trường sông biển, đặc biệt là kinh nghiệm chiến thắng trận đầu (ngày 2 và 5-8-1964) và truyền thống hào hùng của Hải quân nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Việc giáo dục và phát huy truyền thống của Quân chủng Anh hùng cần phải được xác định là một trong những nội dung rất quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm bồi dưỡng tinh thần cách mạng, tình cảm giai cấp, trách nhiệm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng. Bởi lẽ, truyền thống là cơ sở, nền tảng của hiện tại và là “mầm mống” của tương lai; có nhận thức đúng đắn và sâu sắc về truyền thống thì mới phát huy được truyền thống trong mọi lĩnh vực hoạt động. Và quan trọng hơn, là trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc và tự hào về truyền thống, các thế hệ đi sau mới thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc kế thừa, phát huy và phát triển những truyền thống tốt đẹp đó trong giai đoạn cách mạng mới.

Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân chủng; chăm lo xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện có chiều sâu và hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Quân chủng.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, tiếp tục xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tạo chuyển biến cơ bản, mạnh mẽ, vững chắc, có chiều sâu và đột phá trong công tác tổ chức biên chế, phấn đấu trong tương lai gần có đầy đủ các thành phần lực lượng (tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân của hải quân, hải quân đánh bộ, tên lửa và pháo bờ biển) để đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại, chống chiến tranh xâm lược trên các quy mô từ hướng biển. Cùng với việc nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, cần chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chỉ huy, quản lý, điều hành của Quân chủng. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Đảng uỷ Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng trong lựa chọn đối tác và chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật tiên tiến để mua sắm; từng bước tăng cường số lượng, chất lượng các loại vũ khí trang bị của Hải quân, khắc phục dần sự bất cập giữa trang bị và yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại quân sự, đáp ứng yêu cầu hội nhập và hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác và tham gia hoạt động phối hợp với hải quân các nước về một số lĩnh vực để tăng cường hiểu biết và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần vào xây dựng Quân chủng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng Hải quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa và lợi ích quốc gia trên biển; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành có liên quan tới biển và các địa phương ven biển chủ động vươn ra khai thác các tiềm năng, nguồn lợi của biển phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và từng bước hiện thực hoá mục tiêu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển”./.

Th.s Nguyễn Văn Dung

Khoa Lý luận Mác-Lênin, Học viện Hải quân

————————

(1) ĐCSVN- Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTW khóa X, Nxb CTQG, H, tr.76.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất