Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 6/6/2009 10:8'(GMT+7)

Lý Sơn - Đảo của di tích văn hóa - lịch sử

Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn

Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn

Đến với Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) một ngày đầu tháng 6, tôi không có cơ hội được ngắm nhìn những cánh đồng hành, tỏi của hòn đảo được mệnh danh là Vương quốc Tỏi này. Song trong nắng gió của đảo tôi lại được đắm chìm vào một không gian văn hóa-lịch sử khác.

Nhà thờ của gia tộc họ Phạm Quang, xã An Vĩnh, nằm khiêm nhường bên những ngôi nhà dân bình thường khác, song bên trong đó chứa đựng cả một lịch sử nhiều năm. Ông Phạm Quang Tĩnh năm nay đã 79 tuổi, trông coi nhà thờ, cho biết, bên cạnh bàn thờ dòng họ Phạm Quang còn có ban thờ cụ Phạm Quang Ảnh, cai đội của đội lính bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1815. Vua Gia Long thời đó có sắc lệnh, lệnh cho cụ Phạm Quang Ảnh, cai đội trưởng, cụ Võ Văn Khiết cùng 6 người lính khác ra trấn giữ đảo Hoàng Sa. Cụ Phạm Quang Ảnh vâng lệnh nhà vua đã đưa lính ra đảo “Ổng đi vô đi ra nhiều lần, rồi một lần bị chìm ghe mới mất”.

Ông Phạm Quang Tĩnh bên ban thờ cụ Phạm Quang Ảnh

Những ngôi mộ gió của cai đội và lính Hoàng Sa

Nhiều gia tộc trên đảo Lý Sơn đã có người vâng lệnh vua ra trấn giữ Hoàng Sa và Trường Sa, như gia tộc họ Phạm Quang, họ Phạm Văn, họ Đặng, họ Võ… Mỗi lần ra đảo là đi một ghe tàu 7-8 người. Nhiều người đã ra đi mà không trở về. Ngày nay, trên đảo có những ngôi mộ gió- những ngôi mộ để tưởng nhớ những người lính đã gửi xương nơi đại dương.

Ông Đặng Lên

Mới đây ông Đặng Lên, 69 tuổi, ở xã An Hải, đại diện cho gia tộc họ Đặng đã trao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi sắc chỉ của vua Minh Mạng năm 1834, lệnh cho cụ Đặng Văn Siểm đưa quân ra bảo vệ đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sắc chỉ này được gia tộc giữ gìn từ đời này sang đời khác, truyền cho các nhà trưởng trong dòng họ cất giữ.

Ông Đặng Lên cho biết, trước đó, thời Gia Long cũng có nhiều người đi Hoàng Sa, Trường Sa. Qua thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng có nhiều người đi. Gia tộc họ Đặng đã gìn giữ sắc chỉ của vua Minh Mạng mấy trăm năm, nay xin giao lại cho nhà nước như một bảo vật quốc gia, minh chứng cho chủ quyền của đất nước. (Sắc chỉ này đã được Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi trao lên UBND tỉnh và trao tiếp cho Bộ Ngoại giao-PV).

Những người dân, người lính của đảo Lý Sơn vâng lệnh vua các thời đi canh giữ các đảo, đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Khi ra đi, họ đã biết trước chuyến đi không có ngày trở về, nhưng vẫn một lòng “trung quân ái quốc”, lên thuyền phụng chỉ. Huyện đảo Lý Sơn ngày nay còn lưu giữ một di tích vô giá- Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, với đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong. Nơi đây ngày 16/3 âm lịch hằng năm tổ chức Lễ Khao lề Thế lính, tục lệ truyền thống tiễn những người lính đi canh giữ đảo và cúng giỗ cho những người không trở về.

Âm linh tự và đài Tưởng niệm Chiến sĩ trận vong

Nhà Trưng bày Đội Hoàng Sa và Bắc Hải

Ông Võ Xuân Huyện, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, người dân Lý Sơn có truyền thống giữ gìn di tích lịch sử của ông cha để lại. Đặc biệt là những sắc chỉ, tờ lệnh của triều đình, những tờ lệnh của các đời vua triều Nguyễn đưa những người lính đi bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Có những người được cử làm đội trưởng hải đội Bắc Hải, kiêm quản Trường Sa. Những sắc chỉ, tờ lệnh được các dòng họ cất giữ rất kỹ, là báu vật của cha ông để lại, chứng tỏ các đời vua đã rất quan tâm đến việc bảo vệ không chỉ đảo Lý Sơn mà còn bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc.

Các bộ ngành và chính quyền địa phương đã phục hồi các di tích đình làng và củng cố các nhà thờ họ, xây dựng mộ gió để tưởng nhớ công ơn cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hiện nay, huyện đảo đang xây dựng Nhà Trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải, để giữ gìn và bảo vệ những vật quý mà những gia tộc và những người lính ra đi đã để lại. Chính quyền huyện cũng đề nghị tỉnh, trung ương có hình thức khen thưởng xứng đáng đối với công lao giữ gìn những di chỉ này.

Huyện đảo Lý Sơn vẫn còn nghèo, đời sống những người dân chân chất còn nhiều vất vả nhưng trong tâm thức người dân đảo Lý Sơn, hình ảnh Tổ quốc gắn liền với truyền thống thiêng liêng của gia tộc./.
(Theo VOVnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất