1. Thế giới hiện đại có sự kết hợp rất chặt chẽ giữa toàn cầu hóa và xã hội thông tin.
Những năm tới, chạy đua, cạnh tranh về khoa học, công nghệ là một trong những hướng ưu tiên của các nước phát triển. Về khách quan, cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin - viễn thông, tiếp tục được đẩy mạnh. Có thể dự báo, mạng lưới Internet toàn cầu thế hệ mới có băng thông rộng, trong nay mai, sẽ trở thành môi trường thông tin chủ yếu của xã hội hiện đại. Càng ngày ranh giới cùng giới hạn của các quốc gia càng trở nên không còn ý nghĩa về mặt thông tin. Người dân ở mọi quốc gia đều có khả năng truy cập và trao đổi thông tin trực tuyến Online không bị hạn chế. Trong tương lai gần, truy cập Internet không cần thiết phải dùng máy tính. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và dịch vụ thông tin - viễn thông cho phép sử dụng Internet ở mọi lúc, mọi nơi với hầu hết các phương tiện thông tin cố định và di động, đặc biệt thuận tiện là điện thoại cầm tay.
Sự phát triển của công nghệ thông tin đang và sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trên lĩnh vực báo chí, xuất bản. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin; kỹ thuật, công nghệ, phương thức sản xuất, phát hành... có nhiều điểm rất mới so với tư duy và cách làm truyền thống. Sẽ xuất hiện xu hướng tích hợp truyền thông, báo chí, xuất bản và công nghệ thông tin. Về cơ bản, mạng Internet sẽ hội tụ các chức năng của báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử và cả chức năng xuất bản in, xuất bản điện tử. Sự ra đời các tổ hợp truyền thông đa chức năng , đa phương tiện sẽ trở thành phổ biến…
Chưa bao giờ trái đất lại trở nên “phẳng” và ngày càng thu nhỏ lại; con người trên khắp hành tinh lại trở nên gần gũi như trong thế kỷ XXI. Đây là một thành tựu vĩ đại và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của con người... Bộ vi xử lý, vệ tinh, cáp quang, mạng Internet... trở thành những nhịp cầu thân thiện đưa những trái tim yêu hòa bình trên khắp địa cầu xích lại gần nhau, chắp cánh cho những ước mơ và khát vọng tự do sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa, và nhờ đó, quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa diễn ra nhanh chóng, thường xuyên hơn.
2. Sự phát triển khoa học công nghệ, tự nó là sự khẳng định tài năng sáng tạo kỳ diệu của con người, đánh dấu những nấc thang phát triển mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Song, mặt trái của quá trình này lại bắt nguồn từ những tham vọng quyền lực của một số nhóm cầm quyền trong các quốc gia, nhất là các nước lớn. Họ lợi dụng các thành tựu khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin, để thực hiện tham vọng mù quáng. Trong cuộc chạy đua, cạnh tranh quyền lực, giành giật lợi ích toàn cầu, công nghệ thông tin - viễn thông tiếp tục được sử dụng như là vũ khí để các nước lớn mở rộng không gian quyền lực, khống chế tư tưởng, áp đặt, thậm chí xâm lăng văn hóa đối với các nước đang phát triển, nhất là các nước nằm trên các địa bàn chiến lược.
Trong tác phẩm nổi tiếng ‘’Thế giới phẳng, tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI’’, Thomas L. Friedman đã dẫn lời nhận xét của Jimmy Wales - người sáng lập Wikipedia: ‘’Chúng ta đang sống trong một thế giới của các phương tiện truyền thông mới với những cơ hội hiếm có để nghiên cứu và liên lạc toàn cầu - nhưng thế giới đó cũng đầy những kẻ phá hoại với những đầu óc thâm hiểm.‘’(1) và luận giải rõ hơn, có thể dễ dàng tung lên mạng nội dung khiêu dâm, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự xảo trá, những âm mưu, hay đơn giản, những câu nói vô nghĩa với tốc độ lan truyền nhanh và xa hơn trên hệ thống thế giới phẳng(2).
Điều nguy hại chính là ở chỗ, những âm mưu, thủ đoạn xảo trá, những điều vô nghĩa, phi lý được tung lên mạng toàn cầu lại có ma lực lừa mị, lung lạc không ít người truy cập. Không phải ai và lúc nào cũng có thể phân biệt được đúng, sai, thật, giả trong mớ thông tin dày đặc được tung lên mạng toàn cầu, bởi vì về phương diện tâm lý truyền thông, như Yaron Ezrahi, một chuyên gia về mối quan hệ tương tác giữa các phương tiện truyền thông và chính trị, đã phân tích rất hay rằng ‘’Hệ thống truyền thông tin mới - mạng Internet - có nhiều khả năng truyền đi những điều phi lý hơn là hợp lý, vì cái phi lý chứa đựng nhiều cảm xúc hơn, đòi hỏi ít tri thức hơn, nó giảng giải được nhiều điều cho nhiều người hơn, và dễ tiếp nhận hơn’’ (3).
Ở một khía cạnh khác, sự đam mê truy cập mạng Internet thái quá sẽ làm cho con người đứng trước nguy cơ bị biến dạng về nhân cách, lối sống, đắm chìm trong thế giới ảo, xa rời thế giới hiện thực, dẫn đến những suy nghĩ viển vông và niềm tin mù quáng. Tác giả cuốn sách “Chiếc Lexus và cây ô lưu’‘ đã cảnh báo hậu quả của Internet hóa xã hội, khi công nghệ thông tin đã chiến thắng trong cuộc sống chúng ta, một ngày nào đó dân chúng thức dậy và nhận thấy họ không muốn tiếp xúc với ai khác nếu không thông qua máy vi tính. Khi điều đó xẩy ra thì con người rất dễ trở thành nạn nhân của các bậc giáo điều và nhũng giấc mơ tôn giáo thời đại mới.(4)
3. Hiện nay ở nước ta đã có khoảng trên 21 triệu người sử dụng Internet, có hơn 2 triệu blog cá nhân (những năm tới số lượng chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần). Đây là một tiến bộ nhanh, phản ánh nỗ lực của chúng ta trên con đường đi vào hiện đại hóa. Công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông đã phục vụ tích cực các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, giao dịch trong nước, quốc tế, phục vụ quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề để chúng ta đi vào kinh tế tri thức.
Phần lớn cán bộ, nhân dân ta - những người đang sử dụng công nghệ thông tin, truy cập mạng Internet, đã từng bước thích ứng và tiến tới làm chủ công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả công việc của mình và tự hoàn thiện cá nhân. Chúng ta có thể thu nhận, truy cập những thông tin mới nhất, những tri thức mới nhất trên khắp toàn cầu, làm giàu có trí tuệ và hoàn thiện nhân cách bằng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; có điều kiện cập nhật, phân tích, đánh giá các sự kiện, các động thái diễn ra hàng ngày trên thế giới một cách khoa học, từ đó củng cố niềm tin vào mục tiêu lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đấy là mặt thuận của công tác tư tưởng.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của mạng Internet và dịch vụ viễn thông cũng đang đặt ra những thách thức mới đối với công tác tư tưởng. Một bộ phận những người đang sử dụng mạng thông tin toàn cầu ở nước ta, nhất và các bạn trẻ, đã và đang chịu tác động tiêu cực của mặt trái công nghệ thông tin, bị mê hoặc, lung lạc bởi những ‘’điều phi lý’’ trên mạng Internet, trở thành nạn nhân của ‘’những bậc giáo điều và giấc mơ tôn giáo thời đại mới’’ - như chính những chuyên gia của các nước tư bản đã cảnh báo: Triệt để khai thác, sử dụng thành tựu của công nghệ thông tin - viễn thông, các thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội đang tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin để chống phá chúng ta một cách quyết liệt, với những âm mưu thủ đoạn vô cùng tinh vi, ác độc. Chúng tung lên mạng toàn cầu đủ các loại thông tin thất thiệt, hoặc hoàn toàn bịa đặt, hoặc trộn lẫn thật giả, trắng đen, tập trung tấn công, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; bôi đen chế độ, vu cáo đả kích lãnh tụ và các cán bộ cấp cao của Đảng; bóp méo, xuyên tạc lịch sử cách mạng; bơm thổi, kích động những bức xúc xã hội, những bất mãn và tham vọng cá nhân... Ý đồ đen tối của chúng là đánh vào nền tảng tư tưởng của chúng ta, làm sụp đổ niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng, phá vỡ quan hệ máu thịt Đảng – Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phân hóa, cô đập nước ta với cộng đồng quốc tế. Ngón đòn ‘’diễn biến hòa bình’’ đang được các thế lực thù địch hướng vào đánh phá nội bộ ta, thúc đẩy quá trình “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, kết hợp với tích cực chuẩn bị lực tượng, tạo dựng ngọn cờ , tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ ta.
Điều quan ngại là, trong khi tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ta vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, thì có một số người, do những hoàn cảnh, động cơ khác nhau, hoặc vô tình hoặc cố ý, đã sập bẫy cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin. Đây đó đã xuất hiện sự dao động, hoài nghi, thậm chí phản bội lý tưởng - ngay cả một đôi người đã gần trọn cuộc đời đi với cách mạng, mang nặng ân nghĩa của Dân, của Đảng. Hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng; hoài nghi, phủ nhận quan điểm, đường lối của Đảng và thành quả cách mạng; tuyên bố sám hối, ly khai học thuyết Mác-Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo, chạy theo những học thuyết, trào lưu, trường phái học thuật, văn nghệ tư sản vốn đã và đang bị chính học giả các nước tư bản đào thải, phê phán - sa vào chủ nghĩa giáo điều mới; đề cao cái tôi cá nhân và lối sống vị kỷ, ích kỷ...(5). Tuy chỉ là cá biệt, nhưng phải hết sức cảnh giác và kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi không để những độc tố này lây lan, làm phương hại đến sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của xã hội ta.
4. Đấu tranh đánh bại cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin của các thế lực thù địch đang trở thành một đòi hỏi khách quan cấp bách, một nhiệm vụ trọng yếu của công tác tư tưởng. Trong cuộc đấu tranh này, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng cần phải nắm thế chủ động.
Chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước các cấp, theo tinh thần Quyết định số 221 - QĐ/TW, ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động nhân dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo, chia rẽ của các phần tử chống đối, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội từ cơ sở.
Chủ động phát hiện, vạch trần những thông tin bịa đặt, sai trái do các thế lực thù địch tung trên mạng Internet; thông qua nhiều kênh thông tin, nhất là mạng toàn cầu và các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời cung cấp những thông tin chính thống, chính xác để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng bản chất các vấn đề, sự việc đang diễn ra trong đời sống đất nước.
Chủ động tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nhanh nhạy nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và tăng cường sự đồng thuận xã hội.
Chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, công tác tuyên truyền miệng, công tác giáo dục lịch sử, văn hoá... theo hướng nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, tính định hướng và tính chiến đấu, thiết thực góp phần nâng cao trình độ nhận thức, bồi đắp bản lĩnh chính trị và tình cảm tốt đẹp, làm tăng sức đề kháng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, trước những âm mưu, thủ đoạn vô cùng hiểm độc của cuộc chiến tranh tâm lý - thông tin.
Chủ động bồi dưỡng, đào tạo, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận động quần chúng, sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ tư tưởng; hiện đại hóa phương thức, phương tiện làm công tác tư tưởng đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới.
Kiên định mục tiêu lý tưởng; vững tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc; những người làm công tác tư tưởng vững vàng, tự tin, tỉnh táo, đoàn kết một lòng, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn đen tối của của các thế lực thù địch trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Nhân dân./.
———
(1),(2),(3) Thomas L.Friedman: Thế giới phẳng, tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI, Nxb Trẻ, 2006, tr.191, 730, 762.
(4) Thomas L.Friedman: Chiếc Lexus và cây Ô lưu, toàn cầu hóa là gì! Nxb KHXH, 2005, tr.732-733.
(5) Phan Xuân Biên: Đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, bảo đảm an ninh tư tưởng trong tình hình mới, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, 10-4-2009.