Thứ Bảy, 23/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 13/6/2009 12:14'(GMT+7)

Hồ Chí Minh phê phán những trở lực căn bản đối với sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta

 Khi bước vào xây dựng CNXH ở miền Bắc, Người lại lưu ý: “Để tiến lên CNXH, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ. Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng.

Kẻ địch gồm có ba loại. CNTB và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm.

Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài.

Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi, để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(1).

Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến những trở lực sau đây (ngoài sự phá hoại trực tiếp, gián tiếp... của CNTB, chủ nghĩa đế quốc đối với CNXH mà chúng ta đã phân tích nhiều):

Một là, tư tưởng và hành động không thông suốt, không nhất trí, trước hết từ trong Đảng, rồi đến các lực lượng xã hội, trong quần chúng; nếu không được chú ý thường xuyên để khắc phục sẽ là trở lực rất lớn. Người viết: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy, thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”(2). Và, Người nêu ngay hướng khắc phục trở lực lớn đó: “Vì vậy, đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng”(3).

Hai là, chủ nghĩa cá nhân – một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người... mà khi tiến hành xây dựng CNXH nó có nhiều điều kiện và cơ hội thể hiện rõ hơn nhiều, tinh vi hơn nhiều so với giai đoạn cách mạng trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một trở lực nội tại và là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và trở lực khác. Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân.

Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của CNXH. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”(4). Hồ Chí Minh còn phân tích tỉ mỉ tác dụng “trở lực” của chủ nghĩa cá nhân: “chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng..., chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(5).

Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là một trở lực lớn cho sự nghiệp xây dựng CNXH (gắn liền với tệ quan liêu, mệnh lệnh...). Bởi vì, trong điều kiện và hoàn cảnh mới - Đảng lãnh đạo chính quyền, cán bộ, đảng viên có cương vị, công việc hằng ngày gắn nhiều đến những nhu cầu, lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế (tiền bạc, của cải, v.v...) của Nhà nước, của nhân dân ở các ngành, các cấp. Đó chính là “những viên đạn bọc đường” rất dễ bắn gục con người, thậm chí cả những người đã rất kiên cường trong lao tù, trong chiến trận chống bọn xâm lược và tay sai trước đây. Người nhấn mạnh: “Tham ô, lãng phí tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân là hành động trộm cắp, mà ai cũng phải thù ghét, phải trừ bỏ”(6). Và, ai cũng biết, Hồ Chí Minh thường coi đó “là hành động xấu xa nhất của con người... Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà”(7), là “giặc nội xâm”. Bởi vì, nạn tham nhũng luôn luôn là một trở lực lớn, là nguy cơ sụp đổ đối với mọi chế độ xã hội. CNXH là chế độ thực sự của dân, do dân, vì dân, chế độ có bản chất và mục tiêu ưu việt hơn hẳn các chế độ khác, càng không thể tha thứ cho nạn tham ô, tham nhũng của cán bộ, đảng viên có chức có quyền trước dân.

Bốn là, tư tưởng Hồ Chí Minh coi việc chia rẽ bè phái, mất đoàn kết, vô tổ chức, vô kỷ luật cũng là một trở lực lớn, trong xây dựng CNXH. Hồ Chí Minh nhiều lần nghiêm khắc phê phán những người “... thường lo cho lợi ích riêng của mình. Tham danh lợi, hay suy tị... gây lủng củng trong nội bộ...”(8). Thậm chí “có đảng viên còn “kể công” với Đảng... muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị... Nếu không thoả mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”(9). Có những đảng viên “tự do hành động”, trái với tổ chức và kỷ luật của Đảng. Dù muốn hay là không muốn, hành động của những đồng chí ấy làm giảm sút uy tín và ngăn trở sự nghiệp của Đảng, ngăn trở bước tiến của cách mạng”(10).

Năm là, tư tưởng Hồ Chí Minh coi bệnh chủ quan, bảo thủ, chủ nghĩa kinh nghiệm, giáo điều, lười biếng không chịu học tập cái mới... là trở lực của quá trình xây dựng CNXH: Trong diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng ta (1960), Người chỉ rõ: “Chúng ta còn nhiều khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân... Những khuyết điểm ấy ngăn trở sự tiến bộ của... chúng ta”(11). Người đã nhiều lần chú ý việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm các nước khác, kinh nghiệm của đơn vị khác, người khác... đều phải chủ động, sáng tạo, chứ không “rập khuôn máy móc”. Đó là một bài học có ý nghĩa phương pháp luận khoa học rất to lớn đối với Đảng và nhân dân ta trong xây dựng CNXH. Người cũng cảnh tỉnh bệnh chủ quan, “lạc quan tếu”, khi có đôi chút thành tích thì... “tự mãn với những kinh nghiệm đã có..., kiêu căng..., hoài nghi những sáng kiến bình thường của quần chúng, lười biếng, không thích học tập cái mới...(12). Chính những bệnh chủ quan, giáo điều, không chịu học hỏi cái mới là những bệnh trực tiếp cản trở sự trưởng thành trước hết về trí tuệ của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong quá trình xây dựng CNXH, đặc biệt lại ở một nước có điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, khoa học kỹ thuật... như nước ta.

Tóm lại, Hồ Chí Minh vừa đề cập rất nhiều động lực của CNXH, cũng vừa đề cập nhiều trở lực của CNXH, mà ở đây chỉ khái quát thành năm loại trở lực nêu trên. (Tư tưởng, hành động không thông suốt, không nhất trí, chủ nghĩa cá nhân (như một nguyên nhân gốc rễ), quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, vô tổ chức vô kỷ luật, chủ quan, bảo thủ lạc hậu, giáo điều, không chịu học hỏi cái mới...).

Phân tích những động lực, bao giờ Hồ Chí Minh cũng vạch phương hướng, giải pháp nhằm phát huy. Đồng thời, khi phân tích về các trở lực, Hồ Chí Minh cũng luôn gắn theo đó là quan điểm, phương hướng, giải pháp khắc phục các trở lực đó trong quá trình xây dựng CNXH. Ví dụ, có thể nêu khái quát nhất tư tưởng của Người về hướng khắc phục các trở lực đó: “xây” và “chống”. Người viết: “Những tư tưởng, tác phong mới mà Đảng ta yêu cầu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên và mỗi người lao động là: ý thức làm chủ và tinh thần XHCN; quan điểm tất cả phục vụ sản xuất; ý thức cần kiệm xây dựng nước nhà; tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Trái lại, những tư tưởng tác phong xấu cần chống lại là: chủ nghĩa cá nhân; quan liêu mệnh lệnh; tham ô, lãng phí; bảo thủ rụt rè. Đặc biệt, Người nhấn mạnh trong giai đoạn xây dựng CNXH thì: “... thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Do vậy, phải thường xuyên rèn luyện và “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà giải pháp đặc biệt là “vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình..., hoà mình vào quần chúng..., học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình. Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc..., những chân lý phổ biến... để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế nước ta. Học để mà làm, lý luận đi đôi với thực tiễn”. Và, trong việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin thì Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”(13).

Ngày nay, cách mạng nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thời kỳ rất cần những con người đủ đức, đủ tài gánh vác, chèo lái, xây dựng CNXH. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời dạy của Người khi cảnh báo những trở lực đối với sự nghiệp xây dựng CNXH vẫn còn nguyên giá trị. Sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự tha hoá, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, đang là nỗi lo, là giặc nội xâm, là những thách thức cản trở sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chị thị 06 của Bộ Chính trị phát động thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng chính là thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi những trợ lực ấy, nhằm xây dựng nền tảng đạo đức, con người XHCN trong giai đoạn cách mạng mới./.

——————-

(1),(2),(3),(4), (5),(9),(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr.287-288, 287-288, 288, 283, 283, 292, 289, 288

(6),(7),(11), (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr.313, 573, 201, 314

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.11, tr.24.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H,1995, t.12, tr.91-92.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất