Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 30/6/2009 22:35'(GMT+7)

Cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ôn-đu-rát

Tổng thống Manuel Zelaya

Tổng thống Manuel Zelaya


Ngày 28/6, vài giờ sau khi Tổng thống Dê-lay-a bị lật đổ, Hội đồng Thường trực Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã họp phiên bất thường để xem xét tình hình ở Ôn-đu-rát. Hội đồng đã thông qua một nghị quyết "lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính nhằm vào chính phủ được thành lập theo Hiến pháp của Ôn-đu-rát". Nghị quyết này yêu cầu để Tổng thống Dê-lay-a, đã bị đưa sang Cô-xta Ri-ca, được trở về "an toàn ngay lập tức và vô điều kiện".

OAS cũng tuyên bố sẽ không công nhận bất cứ một chính phủ nào được thành lập sau cuộc đảo chính này. Dự kiến, Đại Hội đồng OAS sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 30/6 tại trụ sở ở thủ đô Washinton(Washington, Mỹ) để thảo luận về biến cố ở Ôn-đu-rát.

Trong khi đó, nhóm Ri-ô (Rio), gồm 23 nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, và các nước thành viên Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA), mà Ôn-đu-rát là thành viên, cũng lên án cuộc đảo chính trên. Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-ên Óoc-tê-ga (Daniel Ortega) đã gọi việc lật đổ Tổng thống Ôn-đu-rát là "một hành động khủng bố chống lại thể chế dân chủ tại Mỹ La-tinh". Ông thúc giục những người đồng cấp tổ chức ngay hội nghị khẩn cấp của nhóm Hệ thống vì sự liên kết Trung Mỹ (SICA) về tình hình tại Ôn-đu-rát.

Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) cũng lên án việc bắt giữ Tổng thống Dê-lay-a và cáo buộc Mỹ có liên quan đến "những diễn biến tại Ôn-đu-rát". Ông tuyên bố sẽ phát động một cuộc đấu tranh khu vực để giúp ông Dê-lay-a phục chức và cảnh báo sẽ có hành động quân sự nếu Đại sứ hay Đại sứ quán Vê-nê-xu-ê-la tại Ôn-đu-rát bị tổn hại.

Về phần mình, Tổng thống Ác-hen-ti-na Cri-xti-na Kít-xnơ (Cristina Kirchner) bày tỏ sự quan ngại về tình hình tại Ôn-đu-rát. Bà cho rằng việc quân đội lật đổ Dê-lay-a là một dấu hiệu cho thấy Mỹ La-tinh đang quay trở lại giai đoạn lịch sử đẫm máu nhất.

Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lết (Evo Morales) và lãnh tụ Cách mạng Cu-ba Phi-đen Ca-xtơ-rô (Fidel Castro) cũng lên án cuộc đảo chính quân sự tại Ôn-đu-rát, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế trong đó có Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, OAS, phản đối hành động "bắt cóc" Tổng thống hợp hiến Dê-lay-a và yêu cầu thả tự do ngay lập tức cho ông này.

Bộ Ngoại giao Bra-xin và Ê-cu-a-đo cũng lên tiếng cho rằng việc lật đổ Tổng thống Dê-lay-a đã "vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của dân chủ và luật pháp quốc tế" và kêu gọi phục chức ngay cho Tổng thống Ôn-đu-rát.

Trước những diễn biến trên, Quốc vụ khanh phụ trách Các vấn đề quốc tế của Anh, Crít Brai-ân (Chris Bryant) cho biết Luân Đôn tán thành lời kêu gọi của OAS về việc ủng hộ pháp quyền và quan ngại sâu sắc trước việc triển khai quân đội trên các đường phố ở thủ đô Tê-gu-xi-gan-pa (Tegucigalpa) của Ôn-đu-rát. Bên cạnh đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Hô-xê Lu-ít Rô-đri-ghết Xa-pa-tê-rô (Jose Luis Rodriguez Zapatero) cũng lên án mạnh mẽ "vụ bắt giữ và trục xuất trái phép" Tổng thống Dê-lay-a và yêu cầu phục hồi chức vụ cho ông này "ngay lập tức".

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Mỹ đã bác bỏ mọi sự dính líu tới cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Dê-lay-a. Bác bỏ trên được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Ôn-đu-rát yêu cầu Washintonlàm rõ liệu nước này có đóng vai trò gì trong vụ việc trên hay không.

Một quan chức Nhà Trắng tuyên bố Washintoncông nhận Tổng thống Dê-lay-a bị lật đổ là tổng thống hợp hiến duy nhất của Ôn-đu-rát. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) cũng khẳng định hành động đảo chính tại Ôn-đu-rát đã vi phạm Hiến chương Dân chủ liên Mỹ và cộng đồng quốc tế cần phải lên án hành động này. Bà hối thúc các bên tại Ôn-đu-rát tôn trọng hiến pháp, nguyên tắc dân chủ và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Ngoài ra, hai quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết đã trao đổi với Tổng thống Dê-lay-a sau khi ông bị quân đội Ôn-đu-rát trục xuất sang Cô-xta Ri-ca. Hai quan chức này cho biết Washintonđã nêu rõ với các nhà chỉ huy quân sự và những nhân vật có quyền lực ở Ôn-đu-rát là Mỹ và các quốc gia châu Mỹ khác sẽ không ủng hộ một cuộc đảo chính. Hiện các nhà ngoại giao Mỹ cũng đang nỗ lực để bảo đảm an toàn cho ông Dê-lay-a và gia quyến cũng như gây áp lực nhằm yêu cầu khôi phục lại hiến pháp và phục chức cho chính khách này.

Trong một diễn biến khác, ngày 28/6, những người ủng hộ Tổng thống Ôn-đu-rát bị phế truất Dê-lay-a đã dựng lên những chướng ngại vật ở trung tâm thủ đô và ngăn chặn đường vào Dinh Tổng thống. Rất nhiều người biểu tình bịt mặt và cầm gậy trong khi bảo vệ các chướng ngại vật được làm từ lốp xe, phế liệu kim loại và các quầy báo. Một nhân chứng cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng súng nổ bên ngoài Dinh Tổng thống./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất