Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã đưa ra nhận định dịch bệnh tay chân miệng ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới (tháng 9 đến tháng 11); sẽ gia tăng số người mắc bệnh và tử vong.
Nguyên nhân làm gia tăng số người mắc bệnh cũng như số người tử vong được cơ quan y tế khuyến cáo là bệnh tay chân miệng lây truyền do virus đường ruột, chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu; bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt người lành mang vi trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.
Các trường hợp mắc bệnh và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi; đây là lứa tuổi trẻ, chưa tự thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nên sự gia tăng số người mắc bệnh, tử vong phụ thuộc nhiều vào thái độ và hành vi của người chăm sóc trẻ trong việc vệ sinh phòng chống bệnh.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiện nay hiệu quả chưa cao, tập trung chủ yếu vào công tác vệ sinh môi trường; vệ sinh dụng cụ, đồ dùng học tập của trẻ; chưa chú trọng công tác tuyên truyền các biện pháp vệ sinh cá nhân phòng bệnh.
Theo Bộ Y tế, trong 10 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 26, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm.
Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa thật tích cực, giao phó chủ yếu cho ngành y tế.
Cả cộng đồng vào cuộc
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, ngày 18/8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1439/CĐ-TTg gửi Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về "Tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng."
Tiếp ngay sau đó, Bộ Y tế đã có các Chỉ thị, Công điện, Công văn gửi các đơn vị trong ngành y tế, các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng; ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng…
Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo về tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học.
Đã có 22.415 kg Chloramin B, 16 bình phun MR8, 32 máy phun MD-150 DX, 20 máy phun ULV được cấp cho các Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và các địa phương phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, hiện tất cả 63 tỉnh, thành trong cả nước đã xây dựng kế hoạch hành động phòng chống bệnh tay chân miệng cho các tháng cuối năm 2011, đồng thời đã có 33 ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống bệnh chân tay miệng trên địa bàn.
Trong thời gian tới, sáu đoàn công tác liên ngành gồm các thành viên Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo đi kiểm tra, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường và hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng tại 13 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tập trung vào một số nội dung công tác như tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng; thông tin nhanh các khuyến cáo của Bộ Y tế đến cộng đồng; nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch.
Chính quyền cơ sở tăng cường trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo tăng cường công tác phối hợp về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trong trường học.
Tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng theo quy định của Bộ Y tế.
Nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh tay chân miệng, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trẻ em, Bộ Y tế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng trong các tháng cuối năm 2011, dành kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh phòng chống bệnh tay chân miệng theo khuyến cáo của ngành y tế.
Các cơ quan thông tin truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng xã hội biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh…
Những hướng dẫn cần thiết
Bệnh tay chân miệng còn tiếp tục diễn biến lây lan rất phức tạp trong thời gian tới. Trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin phòng bệnh thì phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả và tích cực nhất chính là ở hành vi của mỗi bậc cha mẹ, của cộng đồng, của người chăm sóc trẻ trong công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
Mọi người cần chủ động tìm hiểu bệnh tay chân miệng qua các khuyến cáo của ngành y tế trên các phương tiện thông tin; kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra khi có nghi ngờ mắc bệnh để được chữa trị.
Tuy nhiên, cần tránh sự mất bình tĩnh, không có hiểu biết về dịch bệnh tay chân miệng nên vội vã đưa con cháu tới bệnh viện, làm gia tăng đột biến lượng trẻ đến khám bệnh ở các bệnh viện lớn; dẫn đến nguy cơ lây chéo bệnh tay chân miệng giữa người mắc bệnh với người chưa mắc bệnh, nhất là với trẻ em.
Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh tay chân miệng," “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng,” vì vậy, các cơ sở y tế địa phương đủ điều kiện để tiếp nhận kiểm tra, khám và điều trị bệnh cho người mắc bệnh tay chân miệng, cũng như có khả năng kết luận và quyết định chuyển những ca bệnh nặng lên bệnh viện tuyến trên.
Thay vì những lo lắng thái quá, cả cộng đồng cần làm ngay việc thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.
Các bậc cha mẹ và các cô nuôi dạy trẻ cần quan tâm hơn nữa tới việc giữ vệ sinh cho trẻ tại các hộ gia đình, các cơ sở giáo dục để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh tay chân miệng cũng như các dịch bệnh khác./.
Công Hải