Cộng hoà Liên bang Đức nổi tiếng là cường quốc công nghiệp. Bên cạnh đó, quốc gia này còn được mệnh danh là cường quốc thể dục thể thao (TDTT) với một nền xã hội TDTT phát triển ở trình độ hàng đầu thế giới. Hiếm có quốc gia nào mà người dân lại yêu thích và có tỷ lệ tham gia các hoạt động TDTT cao như ở Đức với 27,6 triệu hội viên hoạt động trong 91.000 câu lạc bộ, trên 97 loại hình thể thao; cùng hàng chục triệu người dân thường xuyên rèn luyện TDTT nhưng không tham gia các câu lạc bộ. Nguyên Thủ tướng Đức Horst Koehler đã khẳng định rằng: Thể thao không chỉ là tấm gương phản chiếu hình ảnh xã hội mà còn là nhân tố quan trọng có tác dụng định hình xã hội nước Đức.
1. Toàn cảnh bức tranh thể thao Đức
Đức là một quốc gia công nghiệp phát triển nằm trong khối G7, thu nhập bình quân đầu người rất cao đạt trên 43.700 USD/người (2011). Nước Đức cũng là một cường quốc TDTT với thành tích thi đấu hết sức ấn tượng. Thể thao đóng một vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội nước Đức. Đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng thể thao đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, bởi nó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo dựng các thói quen giải trí tốt.
Người dân Đức có tình cảm và sự quan tâm đặc biệt về thể thao. Hơn 1/3 dân số nước Đức tham gia hoạt động (TDTT) thường xuyên tại các câu lạc bộ (CLB), hiệp hội thể thao,… làm nên bộ mặt năng động và tràn đầy sức sống cho bức tranh toàn cảnh nước Đức. Nền xã hội TDTT phát triển mạnh là cơ sở tốt để thể thao thành tích cao gặt hái được các thứ hạng hàng đầu trong các kỳ thi đấu quốc tế. Nói đến nước Đức, người ta thường nhắc tới ngay thành tích trong tốp các quốc gia dẫn đầu tại Olympic hay kỷ lục 11 lần lọt vào vòng chung kết World Cup, trong đó có 3 lần đạt huy chương Vàng…
Nền thể dục thể thao nước Đức phát triển như ngày nay được hình thành từ sự xã hội hóa cao độ TDTT. Qua đó, nền thể thao thu hút được nhiều nguồn lực và khai thác hiệu quả các tài năng TDTT hình thành từ các phong trào quần chúng. Xã hội hóa thể thao tại Đức cũng đặt ra những nguyên tắc và mô hình hoạt động của nền thể thao. Mặc dù khá tinh giản, song mô hình này đủ để các quốc gia khác nghiên cứu và học hỏi, bởi đây là nhân tố hàng đầu thúc đẩy thể thao nước Đức phát triển rực rỡ như ngày nay.
2. Nguyên tắc hoạt động và mô hình quản lý thể thao tại Đức
Để có thể khuyến khích người dân chủ động tham gia hoạt động thể thao, nguyên tắc hoạt động hàng đầu của nền TDTT nước Đức là nguyên tắc tự chủ (autonomy): Không chịu ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố chính trị, hành chính… Đây chính là nguyên tắc cơ bản, chi phối toàn bộ hoạt động thể thao cũng như phương thức quản lý, tổ chức các hoạt động TDTT ở quốc gia này.
Nước Đức sở hữu một bộ máy quản lý về thể thao khá tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả, bao gồm cơ quan quản lý ở cấp liên bang - tiểu bang, Quốc hội và Liên đoàn Thể thao Olympic quốc gia (DOSB).
Ở cấp liên bang và tiểu bang, cơ quan quản lý về thể thao cao nhất là Bộ Nội vụ - Bộ đa ngành có tính chất đối nội. Ngoài ra một số bộ khác đảm nhiệm một phần trách nhiệm quản lý với hoạt động thể thao như Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế… Ngân sách hoạt động của các Bộ này do Quốc hội phân bổ. Quốc hội Đức cũng có một Ủy ban chuyên trách về công tác thể thao. Cơ chế phân quyền về quản lý thể thao ở Đức khá mạnh và triệt để. Trong khi, cấp liên bang đảm trách thể thao thành tích cao ở cấp quốc gia thi đấu quốc tế, tổ chức các sự kiện thể thao do nước Đức đăng cai tổ chức, thì toàn bộ các hoạt động khác được giao cho cấp bang chủ động, xây dựng chính sách riêng về phát triển thể thao trong phạm vi của bang.
Đặc biệt, dù nền thể thao phát triển mạnh về số lượng lẫn chất lượng, cơ quan quản lý về thể thao được tối giản, nhưng nước Đức không có luật riêng về TDTT. Các điều luật liên quan được lồng ghép trong bộ luật chung của Liên bang và trong hiến pháp các bang… Tuy nhiên, các quy định pháp luật liên quan tới TDTT ở Đức khá đầy đủ, hiệu lực cao và được thực hiện nghiêm túc.
Thành tố quan trọng khác trong mô hình thể thao nước Đức là tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao. Đứng đầu là Liên đoàn Thể thao Olympic quốc gia (DOSB) do Ủy ban Olympic Đức và Hiệp hội các Liên đoàn Thể thao Đức (DSB) sáp nhập lại (2006). DOSB đặt trụ sở tại thành phố Frankfurt và có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động thể thao của nước Đức. Trong khi bộ máy quản lý nhà nước về thể thao rất tối giản thì hệ thống các tổ chức thành viên của DOSB khá đồ sộ, gồm khoảng 115 hội viên (62 Liên đoàn thể thao cấp quốc gia là các môn thể thao thuộc và không thuộc Olympic; 18 tổ chức thể thao cấp vùng, 20 tổ chức xã hội nghề nghiệp đặc thù về thể thao, 15 hội viên là những nhà thể thao nổi tiếng và các chính khách lớn như nguyên Thủ tướng Đức Horst Koehler). DOSB còn có 30 tổ chức trực thuộc (Học viện hàn lâm Olympic Đức, Bảo tàng thể thao và Olympic Đức, Quỹ hỗ trợ phát triển thể thao Đức, Cơ quan truyền thông DOSB, 19 trung tâm huấn luyện Olympic...). Phạm vi quản lý của DOSB rất rộng, hầu hết các hoạt động trên lĩnh vực TDTT, từ xây dựng đội tuyển đến thi đấu quốc tế, hỗ trợ vận động viên… đều do các thành viên là tổ chức xã hội về thể thao của DOSB đảm nhiệm.
3. Thành tựu nổi bật của xã hội thể dục thể thao Đức
Trên cơ sở xã hội hóa cao độ nền TDTT, quan điểm quản lý vĩ mô và bộ máy quản lý TDTT hiệu quả, chuyên nghiệp, nền TDTT nước Đức đã đạt nhiều thành tựu lớn trên cả phương diện thể dục cho mọi người và thể thao thành tích cao. Thành tựu của thể thao nước Đức còn mở rộng thành công cụ quảng bá hình ảnh và đối ngoại hiệu quả của nước Đức… Xã hội TDTT vừa là thành tựu lớn vừa đem lại sức sống và một bộ mặt năng động cho quốc gia công nghiệp già cỗi.
Về giáo dục thể chất trong nhà trường: Điểm sáng trong xã hội TDTT của nước Đức là nền giáo dục thể chất. Mặc dù trách nhiệm thuộc về Bộ Giáo dục (cho hệ cơ sở) và Bộ Khoa học và Nghệ thuật (cho hệ đại học và sau đại học), song người Đức dành nhiều sự quan tâm đến giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên. Đối với họ, giáo dục thể chất phải nhằm trang bị cho học sinh 3 năng lực chính: (1). Khả năng vận động; (2). Năng lực quyết đoán, ra quyết định; (3). Năng lực làm việc nhóm, tập thể. Vì vậy, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư phù hợp. Một hệ thống thi đấu thể thao thanh thiếu niên Đức được hình thành kéo theo phong trào TDTT ở độ tuổi học sinh nhằm phát hiện nhiều tài năng trẻ. Riêng bang Hessen có 380 nhóm học sinh năng khiếu thể thao được thành lập, trong đó có 235 nhóm năng khiếu được định hướng phát triển thành những vận động viên chuyên nghiệp. Các mầm non thể thao này được các hiệp hội chủ động tìm kiếm, phát hiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực trong việc đào tạo, phát triển tài năng thể thao của học sinh đó.
Về thể dục thể thao cho mọi người: CLB thể thao ở Đức phát triển rất mạnh, trở thành nhân tố quan trọng, tác động mạnh tới đời sống thể thao nước Đức. Sau hơn 200 năm phát triển các CLB thể thao, người dân Đức yêu thể thao có thói quen chủ động tham gia một câu lạc bộ nào đó. Người dân có thể tự tổ chức CLB riêng với thủ tục đơn giản. Điều này phần nào lý giải tại sao nước Đức có nhiều CLB thể thao đến vậy và trong số 27,6 triệu người dân Đức là thành viên có tới 6,7 triệu hội viên môn bóng đá, 4,9 triệu hội viên thể dục dụng cụ… Hoạt động thể thao cũng trở thành biện pháp tuyệt vời để hỗ trợ cho người tàn tật và người nhập cư để hòa nhập cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Ngoài thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao là thành tựu quan trọng của nước Đức. Yếu tố vừa là thành tựu, đồng thời là động lực để thể thao thành tích cao nước Đức phát triển, là nguyên tắc cùng mô hình quản lý, hình thành một cách minh bạch và được phân cấp rõ ràng, theo một cơ chế hiệu quả. Cấp Liên bang phụ trách các vấn đề lớn, tầm quốc gia về TDTT trong khi cấp bang toàn quyền trong các vấn đề thể thao thấp hơn. DOSB phát huy vai trò và phối hợp cùng các liên đoàn thể thao cấp quốc gia đảm trách phần lớn hoạt động đào tạo vận động viên thành tích cao. Nước Đức có 3 trường Đại học lớn đào tạo vận động viên, huấn luyện viên thể thao (trường Đại học Tổng hợp Leipzic, trường Đại học Tổng hợp Maiz, trường Đại học Tổng hợp Quen), cùng 19 trung tâm huấn luyện thể thao cấp cao trên cả nước…
Thêm vào đó, nước Đức trở thành “thiên đường của thể thao” trong mắt nhiều người, phần nào do chính sách hỗ trợ thể thao hào phóng và hiệu quả. Thể thao ở Đức được coi là yếu tố phúc lợi xã hội và được nhà nước hỗ trợ. Về nguyên tắc, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ tất cả các hoạt động TDTT. Hàng năm, quốc gia này chi khoảng 240 triệu Euro cho thể thao thành tích cao (tương đương 7-8% chi ngân sách liên bang). Các khoản hỗ trợ kinh phí và trợ giá được đưa tới từng CLB thậm chí từng hội viên… Ví dụ, mỗi năm, bang Hessen chi khoảng 12,4 triệu Euro để hỗ trợ các CLB thuê địa điểm tập luyện cho hội viên…
Về chính sách đối ngoại thể thao của Đức: Nước Đức đặt sự quan tâm đối ngoại thể thao của mình vào một số khu vực trên thế giới như châu Á và châu Phi, thông qua các đại sứ quán. Bộ Ngoại giao Đức là cơ quan quản lý nguồn quỹ hỗ trợ các dự án. Việt Nam cũng đã được nước Đức quan tâm, dành nhiều dự án hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, các dự án đó đang chỉ dừng lại ở thể thao quần chúng hơn là thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp.
4. Một số kinh nghiệm để phát triển TDTT toàn dân, toàn diện
Mô hình quản lý và phát triển nền TDTT của CHLB Đức đưa lại nhiều kinh nghiệm mà các quốc gia đang phát triển về TDTT như Việt Nam có thể nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả. Có thể tham khảo một số kinh nghiệm trong công tác quản lý thể thao và thực hiện các chính sách khuyến khích về thể thao ở Đức như sau:
Nước Đức có sự quan tâm đặc biệt đến thể thao, thể hiện rõ ràng trong các quan điểm, chính sách tầm vĩ mô của Quốc hội và Chính phủ Đức. Mặc dù, bộ máy quản lý thể thao ở Đức rất gọn, nhẹ, nhưng trách nhiệm chăm lo, phát triển thể thao của nhà nước Đức là hết sức rõ ràng và cụ thể. Về chính sách vĩ mô, Quốc hội và Chính phủ coi thể thao là một bộ phận quan trọng trong chính sách xã hội, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo cho hoạt động TDTT. Hàng năm, Quốc hội Liên bang và chính quyền các bang đều dành một khoản chi đáng kể trong ngân sách cho các hoạt động TDTT. Cơ chế hỗ trợ đối với hoạt động thể thao khá linh hoạt, hiệu quả, thực hiện trực tiếp tới từng đối tượng.
Xã hội hóa quản lý và tổ chức hoạt động TDTT ở Đức đã thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội. Nó thể hiện ở vai trò chủ đạo của DOSB và các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia và đặc biệt là các CLB thể thao. Dưới sự hỗ trợ tối đa của chính phủ, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao ở Đức có truyền thống, hoạt động hiệu quả đảm nhận phần lớn hoạt động thể thao phong trào tới thể thao thành tích cao. Có thể khẳng định, xã hội hóa TDTT một cách hiệu quả đem lại sự phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, về chất và lượng cho nền TDTT CHLB Đức…
Nước Đức đã xây dựng được một xã hội tập luyện thể thao lành mạnh. Thể thao hiện diện trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, có những đóng góp tích cực, quan trọng trong xã hội, đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, rèn luyện nhân cách và tạo dựng lối sống tích cực, lành mạnh cho thanh, thiếu niên, góp phần vào hòa hợp dân tộc, chống phân biệt chủng tộc.
Tóm lại, để có nền thể thao chuyên nghiệp và hiện đại bậc nhất thế giới như hiện nay, CHLB Đức đã có một quá trình dài phát triển, trên nền tảng xã hội hóa TDTT cao độ. Cùng với các chủ trương tầm vĩ mô, các chính sách, quy định pháp luật đúng đắn đã tạo điều kiện thúc đẩy nền TDTT có thể phát triển, qua đó góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao đời sống người dân và đóng góp tích cực vào đời sống xã hội Đức nói chung. Việt Nam và CHLB Đức có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là mối quan tâm và tình cảm của nhân dân với thể thao. Việt Nam cần tận dụng hiệu quả và thúc đẩy sự hợp tác, giúp đỡ từ CHLB Đức đã có trong quá khứ để có thể xây dựng và phát triển nền thể thao trong nước, đóng góp nhiều ý nghĩa hơn cho xã hội. Đặc biệt, với sự quan tâm sát sao, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý thể thao, tin tưởng rằng nền thể thao nước nhà sẽ có thể cất cánh trong tương lai gần, để thế giới có thể biết tới Việt Nam là một nước có nền TDTT phát triển mạnh…/.
GS.TS. Đào Văn Dũng - Nguyễn Tấn Đạt