Thứ Tư, 25/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 29/9/2012 18:5'(GMT+7)

Về giá đúng

Ông Hiển phải từ bỏ vai bầu của SHB Đà Nẵng, chỉ còn làm nhà tài trợ. Ông cũng phải bán đội Hà Nội cho Hải Phòng, dứt bỏ đội hạng nhất Đà Nẵng. Bầu Thụy của Sài Gòn Xuân Thành, bầu Trường của The Vissai Ninh Bình đang tính lại bài toán đầu tư vào bóng đá, bầu Thọ của Navibank Sài Gòn không liên lạc với đội bóng, hàng loạt các CLB nợ lương, thưởng cầu thủ… Hàng loạt tin dữ về túi tiền đang vơi của các ông bầu làm giới cầu thủ hoang mang, người quan tâm lo lắng. Đã xuất hiện ý kiến nên hoãn giải đấu. Có người còn lo quá xa rằng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ phải trở về với bao cấp Nhà nước như thời giải A1 (?)

Sự thật quả là một cú sốc đắng chát với số đông cầu thủ khi bầu sữa một thời đoạn dư dả đã không còn. “V. League xổi” nó thế, “bóng đá ông bầu” nó thế, chẳng có gì lạ, cái phải đến giờ đã đến khi khó khăn kinh tế tác động đến mọi mặt đời sống, khi các CLB bóng đá chưa thể tự chủ về tài chính, chưa thể tự nuôi mình.

Sau thời các ông bầu đua nhau vung tiền đổ vào bóng đá giúp cho các cầu thủ đội giá “lên trời”, giàu xổi thì bây giờ là lúc mọi thứ phải trở về với giá đúng. Bầu Đức đã nói thật lòng từ năm trước rằng trong bóng đá Việt Nam, chưa có cầu thủ nào đáng gọi là ngôi sao. Năm nay ông hạch toán rõ ràng hơn: Lương cầu thủ xuất sắc của ta vào khoảng 30-40 triệu đồng một tháng là vừa. Ờ thì những ngày tháng này đây, hàng chục vạn công nhân, người lao động đang mong được trả lương bằng 1 phần 10 số đó mà không được, doanh nghiệp thua lỗ, thất bát, ngừng hoạt động thì đương nhiên không có việc làm, may lắm là có ít tiền hỗ trợ bảo hiểm.

“Về giá đúng” - thời thế nó phải thế-nhưng từ trên trời trở lại mặt đất thật không dễ dàng. Giấc mơ “lên tiên” giàu có thì ít người đạt được, nhưng giấc mơ “đổi đời”, trở thành người sống đàng hoàng về kinh tế, thành chỗ dựa chắc chắn cho gia đình nếu không có cơ thực hiện thì sức hút nghề đá bóng sẽ ra sao? Cái “giá” tụt thì cái “danh” giữa cộng đồng liệu có tụt theo?

Bóng đá là môn giải trí tốn kém bậc nhất, mức đầu tư của mỗi CLB và tổng mức đầu tư của toàn giải, toàn nền bóng đá bị sụt xuống thì chất lượng giải đấu liệu có tụt theo? Lấy ví dụ như phải di chuyển bằng ô tô thay vì máy bay, thể lực cả đội chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Chuyện tập huấn nước ngoài tốn kém đã không còn, tới đây chắc sẽ không dám nghĩ đến. Rồi chi phí y tế, tiền thưởng khuyến khích… Cầu thủ nội đã vậy, ngoại binh giỏi sẽ không về đầu quân vì lương, thưởng thấp…

Lộ trình “về giá đúng” sẽ diễn ra thế nào, ai làm chủ nó? Và quan trọng nhất là những người làm bóng đá có dám, có quyết đồng lòng thực hiện lộ trình này? VFF không có nguồn kinh phí nào khác ngoài việc xin Nhà nước. VPF mới ra đời, mùa qua có lời lãi chút ít từ số tiền đóng góp nuôi giải từ các nhà tài trợ, các ông bầu. Chỉ còn các CLB phải tự thân vận động. Họ vẫn xuất phát từ chỗ dựa muôn thuở là tình yêu bóng đá của công chúng. Tình yêu đó còn thì các ông bầu vẫn còn nhiệt huyết, các doanh nghiệp, cơ quan vẫn thấy cái lý, cái tình để đóng góp công sức, tiền của, thực thi trách nhiệm.

Vậy thì hãy khơi lên tình yêu nơi công chúng. Bằng cách nào ư? Bằng chính chuyên môn của bóng đá: Tổ chức đoàn kết, điều lệ, quy chế cùng cơ chế, chế tài kiểm soát minh bạch, đàng hoàng, đá có hồn, đá hay, đá sạch.

Nhà nghèo vượt khó xưa nay đã nhiều. Trong bóng đá, mùa rồi là câu chuyện của những Kienlongbank Kiên Giang, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An… Mà đâu ta đã quá nghèo, túi tiền các ông bầu mới chỉ vơi chứ chưa phải cạn, ta đang trở về với giá đúng mà thôi.

Ấy là nói chuyện những đội bóng ít tiền chứ máu thành tích của những ông bầu đâu đã hết. Họ đâu có chịu “về giá đúng”. Các giải bóng đá tới đây có thể sẽ phân hóa giàu-nghèo mạnh hơn nữa. Cái khó đến với bóng đá Việt Nam là từ nhiều chiều.

Vậy nên, chỉ có thực sự vào cuộc, trong cái khó những người làm bóng đá sẽ làm ló ra cái khôn để bóng đá sẽ đi đúng lộ trình của giá trị thật. Cầu thủ nội, ngoại giá quá cao thì thôi không mua, dành khoản tiền đó cho việc đào tạo cầu thủ trẻ. Thế cũng là cách đi đúng. Công chúng nóng lòng chờ đợi và hy vọng cuộc tổng kết mùa giải và Đại hội thường niên tới đây (ngày 6, 7 tháng 10) VFF, VPF cùng các CLB sẽ có được tiếng nói chung để quyết đưa bóng đá nước nhà “về giá đúng”, tạo rường cột cho sự phát triển chuyên nghiệp, bền vững.

(Mạnh Hùng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất