Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 23/7/2015 20:53'(GMT+7)

Công nghệ sinh học: Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW

Tọa đàm "Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp".  (Ảnh: BL)

Tọa đàm "Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp". (Ảnh: BL)

Đây là nhận định được các nhà khoa học, các đại biểu đưa ra tại Tọa đàm “Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp tổ chức ngày 23/7. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm sẽ được tiếp thu, bổ sung vào Báo cáo Tổng hợp Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Thành tựu lớn so với đầu tư

Chỉ thị 50-CT/TW ra đời trong bối cảnh công nghệ sinh học (CNSH) trên thế giới từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao góp phần tiết kiệm tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển bền vững tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với nước ta, là một nước nhiệt đới, khí hậu đa dạng đi lên từ nông nghiệp, CNSH có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống…
 

Các nhà khoa học ước tính, đầu tư cho CNSH khó vượt con số 10.000 tỷ, một con số khiêm tốn so với mức đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới, thậm chí chỉ chiếm 1/5 hoặc 1/6 so với các tập đoàn doanh nghiệp lớn của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản cho nghiên cứu CNSH. 

Tuy vậy, 10 năm qua, CNSH Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường. Việc triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu, ứng dụng CNSH đã mang lại kết quả tích cực trong việc phát triển cây, con, giống cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năng suất và chất lượng tốt, qua đó đã bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp như sản xuất giống lúa, ngô, rau, hàng hóa chất lượng cao; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu… 

TS. Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: “Đến nay, việc phát triển CNSH không chỉ còn là chủ trương, định hướng mà đã trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển nhanh, bền vững trong các ngành, lĩnh vực, tổ chức sản xuất có liên quan đến sinh học, cũng như tại tất cả các địa phương trong toàn quốc”. Trong lĩnh vực y dược, thành tựu nổi bật nhất là đã nghiên cứu và sản xuất ra một số loại vắc xin và chế phẩm sinh học phục vụ chẩn đoán bệnh, đạt tiêu chuẩn tiên tiến trong khu vực. Lĩnh vực môi trường, CNSH được ứng dụng sản xuất ra chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường (môi trường nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi); xử lý chất thải rắn, chất tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…

Chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng

Tuy có thể tự hào vì những gì đã đạt được đối với một nước điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nhưng để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, cần có sự đánh giá chính xác thực trạng và thường xuyên điều chỉnh định hướng chủ trương chính sách phát triển đối với các ngành kinh tế.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng nhìn chung trình độ CNSH trong nhiều lĩnh vực vẫn còn thấp và chậm phát triển, ở tình trạng tụt hậu so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao mức sống của người dân; chưa tạo được sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân. Các cơ chế, chính sách phát triển CNSH đã được ban hành nhưng còn dàn trải, thiếu sự liên kết, thiếu tính đột phá. Sự phân bổ giữa nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai và nghiên cứu cơ bản chưa đồng đều, chưa hợp lý. Giá trị thực tiễn của các đề tài nghiên cứu còn thấp; niềm tin của các doanh nghiệp cho các đề tài nghiên cứu chưa đủ lớn để họ quyết định đầu tư… Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ sinh học còn chậm và chưa triệt để; chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao còn thấp so với yêu cầu, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Bàn về những giải pháp đẩy mạnh phát triển CNSH, GS.TS Trương Nam Hải, Viện Công nghệ sinh học nhận định, sau 10 năm, về nguồn lực, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ mới, trẻ, được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến. Nhưng sử dụng như thế nào, tạo môi trường, điều kiện để phát huy đội ngũ này, tránh tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí chất xám là vấn đề cần suy nghĩ và có cơ chế giải quyết thấu đáo. 

GS Trương Nam Hải cho rằng, về lâu dài, cần xây dựng chiến lược phát triển CNSH cho giai đoạn 2020 dựa trên chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế của các ngành kinh tế sản xuất. Hiểu một cách đơn giản là xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp để khai thác một cách có hiệu quả những cơ hội và xử lý thỏa đáng những thách thức đang đặt ra. Cần phải trả lời được các câu hỏi: những cơ hội nào nên được theo đuổi, những lĩnh vực mới nào nên được đầu tư, phát triển, làm gì để có thể tận dụng và khai thác có hiệu quả những nguồn lực hiện có, làm gì để có thể phát triển được những năng lực cạnh tranh bền vững trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể và tạo ra sự cộng hưởng trong sự phát triển của toàn bộ ngành CNSH? 

PGS, TS Lê Đức Bách, Viện Công nghệ Thực phẩm cũng đồng tình và cho rằng, việc định hướng cho nghiên cứu là quan trọng để tăng giá trị thực tiễn của nghiên cứu CNSH; chính sách cho nghiên cứu khoa học công nghệ phải rõ ràng, công bằng trong đối xử với đội ngũ làm khoa học để có thể giữ chân và phát huy được năng lực của những người trẻ và có tài. 

Nhiều ý kiến chuyên gia phân tích, việc áp dụng bổ sung CNSH cho thực phẩm, nông nghiệp, y dược… đã được khẳng định là hữu ích trong tương lai. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và phát triển thị trường. Thu hút, khuyến khích đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức đầu tư vào sản xuất các sản phẩm CNSH. Có chính sách hỗ trợ về tài chính cho việc ứng dụng các CNSH mới vào sản xuất, phát triển sản xuất mới trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sinh học dùng trong bảo quản, chế biến thực phẩm y tế…. Đồng thời thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tạo cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp chế biến trong nước ứng dụng các CNSH mới trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh hoặc tạo ra sản phẩm mới. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải…

Cao Nguyên

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất