(TG) - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh vừa có văn bản yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022, nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác (19.5) và thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Công văn nên rõ, bên cạnh việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; việc tổ chức phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2022 nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác (19.5.1890 – 19.5.2022) phải phù hợp với điều kiện cụ thể về thời tiết, đất đai ở từng nơi, thực hiện chăm sóc, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và bảo vệ để đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt; ưu tiên lựa chọn trồng loài cây bản địa, cây gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, cây giống có chất lượng tốt.
Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang vận động cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh từ năm 2022 đến năm 2025 cao gấp 1,8 lần so với kết quả thực hiện năm 2020, tổ chức trồng trên các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khuôn viên cơ quan, doanh trại quân đội, trường học, bệnh viện, khu công nghiệp… tạo cảnh quan đô thị, bảo vệ công trình xây dựng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ môi trường chung, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Việc tổ chức trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây; tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức cá nhân điển hình tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp với Công an, Quân sự, Biên phòng, chính quyền địa phương, UBND các xã có rừng trong việc tổ chức kiểm tra, truy bắt, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác trộm lâm sản, săn, bẫy động vật rừng và lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp; kiểm tra, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác xử lý thực bì chống cháy rừng (tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời gian cao điểm cháy rừng), tổ chức trực, tuần tra, kiểm tra phòng chống cháy rừng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy rừng…
Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sau khi được UBND tỉnh ban hành; Tổ chức kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, trồng rừng bằng cây lâm nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn; xử lý các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính; tuyên truyền vận động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng…
UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, cây phân tán trên địa bàn; chủ động tổng hợp nhu cầu cây trồng phân tán (chủng loại cây, số lượng) của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn gửi về Chi cục Kiểm lâm để được phân bổ; đồng thời chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc số cây đã trồng để đảm bảo cây sau khi trồng đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng phát triển tốt; định kỳ kiểm tra, có chế độ khen thưởng phù hợp cho các tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc bảo vệ tốt cây trồng…
GT