Chủ Nhật, 15/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 11/1/2010 21:9'(GMT+7)

Công tác dân vận của Đảng cần tiếp tục đổi mới

"Công tác dân vận đã thực sự góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về những yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện công tác dân vận, Tổng Bí thư chỉ rõ, công tác tham mưu còn hạn chế. Nội dung phương thức tập hợp, vận động quần chúng còn theo nếp cũ, chưa hấp dẫn.

Không ít nơi, do cán bộ chưa nhạy bén, còn nặng về hình thức, hoạt động hành chính nên chưa kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân hoặc những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quần chúng để phản ánh và đề xuất kịp thời với Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách phù hợp nhằm giải quyết lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; chưa chủ động nghiên cứu và dự báo tình hình có thể nảy sinh.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở không ít nơi còn nặng tính hình thức, hiệu quả thấp. Một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm đầy đủ sâu sát đến công tác dân vận, chưa cử được những cán bộ có phẩm chất, trình độ năng lực làm công tác vận động quần chúng…

Nhiệm vụ công tác dân vận năm 2010, Tổng Bí thư nhấn mạnh công tác dân vận của Đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, làm chuyển biến sâu sắc hơn nữa trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là công tác nắm tình hình diễn biến tư tưởng của quần chúng nhân dân và công tác tập hợp, vận động quần chúng; cần tăng cường công tác dân vận của chính quyền, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Tổng Bí thư nêu thêm một số gợi ý: Trước hết, đội ngũ làm công tác dân vận phải nhận thức sâu sắc, nhiệm vụ to lớn, bao trùm nhất công tác dân vận của Đảng hiện nay là tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị, tích cực tham gia vào việc xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Công tác dân vận phải góp phần vào việc thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tạo thêm việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

Hai là, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang và các địa phương phải được tổ chức tốt.

Sơ kết nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo”, kịp thời rút ra những kinh nghiệm tốt, đẩy mạnh thực hiện phong trào này; tiếp tục đổi mới phương thức vận động, tập hợp quần chúng.

Các hoạt động này gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân ở 62 huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn.

Ba là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác dân vận, thấu suốt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; phát huy mọi nguồn lực sáng tạo và vai trò làm chủ của nhân dân.

Công tác dân vận tiếp tục gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Bốn là, tổ chức thực hiện tốt quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thời kỳ mới, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của dân vận, mặt trận, các đoàn thể và các hội quần chúng, nhất là khối dân vận xã phường, thị trấn, ban công tác mặt trận, chi đoàn chi hội trong công tác vận động quần chúng.

Hệ thống làm công tác dân vận thực hiện tốt công tác dân tộc, công tác tôn giáo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân đối với các cấp chính quyền nhà nước.

Năm là, công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, đặc biệt chăm lo củng cố tăng cường mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá những kết quả, phân tích khách quan về tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và kinh nghiệm, dự báo những vấn đề mới có liên quan đến công tác dân vận để đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng địa phương, ngành, lĩnh vực nhằm tăng cường vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất