Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 29/6/2014 15:4'(GMT+7)

Công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

 Tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành Giáo dục ngày 21-2-1956, Bác đã căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu” (1).

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo, về vai trò của lý luận đối với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Gia Bình (Bắc Ninh) quan tâm, coi trọng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về “Định hướng phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000”, huyện Gia Bình đã hoàn thành phổ cập tiểu học, xoá mù chữ vào năm 2000; hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2002; 100% trường THCS đạt chuẩn quốc gia vào năm 2011, 100% trường  tiểu học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2013; những năm học gần đây, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS thi đỗ vào THPT, tỷ lệ học sinh THPT thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của huyện luôn đạt kết quả cao, là một trong những huyện có chất lượng giáo dục phổ thông nằm trong “tốp” đầu của tỉnh Bắc Ninh, năm học 2012 - 2013 xếp thứ 1/8 huyện, thành, thị trong tỉnh.

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các lực lượng xã hội. Tiêu biểu như phong trào khuyến học - khuyến tài. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn, 70% số thôn, 80% số dòng họ có quỹ khuyến học. Năm 2013, huyện đã vận động xây dựng quỹ khuyến học mang tên Trạng nguyên Lê Văn Thịnh được trên 1 tỷ đồng; quỹ khuyến học của 14 xã, thị trấn trên 5 tỷ đồng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng đạt được những kết quả tích cực. Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường ở từng cấp học từng bước được ổn định, hợp lý, đảm bảo đủ số lượng, giảm thiểu phải thanh toán dạy giờ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức, có trình độ và năng lực chuyên môn cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Việc tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về giáo dục - đào tạo được chú trọng. Huyện đã tổ chức có hiệu quả, chất lượng các hội nghị học tập triển khai nghị quyết của Đảng giành cho đối tượng là cán bộ, giáo viên ngành giáo dục. Năm 2014, Huyện uỷ Gia Bình đã tổ chức 3 hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) cho 1.089 cán bộ, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS. Công tác giáo dục lý luận chính trị được tổ chức dưới nhiều hình thức, trong đó hình thức thông qua sinh hoạt đảng được các cấp uỷ, chi bộ trong các nhà trường chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, xác định giáo dục tư tưởng - chính trị, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ là một giải pháp thiết thực nhằm sửa chữa khắc phục những khuyết điểm, tồn tại sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Thời gian qua, Huyện uỷ Gia Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là đổi mới nội dung sinh hoạt tư tưởng - chính trị. Trong đó, đã chỉ đạo cấp uỷ chi bộ các trường học trên địa bàn huyện thực hiện việc đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ đảng, kết quả có sự chuyển biến rõ rệt. Trong các buổi sinh hoạt Đảng định kỳ, các chi bộ đã gắn nội dung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với nội dung sinh hoạt tư tưởng - chính trị, lựa chọn những nội dung thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với đối tượng giáo viên và học sinh như: Học tập tấm gương thầy giáo Nguyễn Tất Thành, tấm gương tự học suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, học tập tư tưởng của Bác về chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, học tập về phương pháp dạy - học, “học đi đôi với hành”, về sự tận tụy, yêu nghề, yêu người, tâm huyết, trân trọng nghề giáo, học tập làm theo những điều Bác Hồ dạy…

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng, về lý luận chính trị cũng được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực. Năm học 2013 - 2014, toàn huyện có 1.361 cán bộ, giáo viên các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó: 572 người là đảng viên (chiếm 42%), tăng 8% so với năm học 1999 – 2000; 65 người là đối tượng kết nạp Đảng; 93 người có trình độ lý luận chính trị trung cấp (chiếm 6%), tăng 3% so năm học 1999 - 2000; 43 người có trình độ lý luận chính trị sơ cấp (chiếm 3%), tăng 1% so năm  học 1999 - 2000.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Gia Bình nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ giáo viên nói riêng còn một số hạn chế:

Thứ nhất, kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chưa có cán bộ, giáo viên các nhà trường đạt trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân; tỷ lệ cán bộ, giáo viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp, sơ cấp còn thấp.

Thứ hai, công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua các hình thức sinh hoạt tư tưởng trong tổ chức Đảng và trong nhà trường chưa được duy trì thường xuyên. Tinh thần tự học hỏi trau dồi, nghiên cứu kiến thức lý luận chính trị chưa cao, phần lớn chỉ coi trọng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu do nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các cơ quan nhà nước còn hạn chế. Đơn cử như: Từ nhiệm kỳ 2005 - 2010 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình đã ban hành 2 nghị quyết về giáo dục - đào tạo, đó là  Nghị quyết số 17-NQ/HU ngày 21-2-2008 “Về công tác đào tạo, đó là nâng cao trình độ về chuyên môn, chính trị cho cán bộ giai đoạn 2008 - 2010 và giai đoạn 2010 - 2015”; Nghị quyết số 23 ngày 27-2-2009 về “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của các bậc học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở giai đoạn 2005 - 2010”. Hai nghị quyết trên đã đề cập đến các giải pháp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ huyện và cơ sở; xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng không đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các cấp uỷ, ban giám hiệu các nhà trường mới chỉ coi trọng và tập trung đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ; chưa thấy được vai trò quan trọng, trực tiếp của nhận thức, tư duy lý luận đối với việc đổi mới tư duy dạy học, phương pháp dạy học, quyết định đến chất lượng giáo dục - đào tạo.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Đảng về công tác đào tạo lý luận chính trị nói chung và đào tạo lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ, giáo viên ngành giáo dục chưa được chú trọng thực chất; chương trình đào tạo lý luận chính trị của các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện chưa có những lớp bồi dưỡng lý luận chính trị riêng biệt cho đối tượng giáo viên; chưa có giải pháp về cơ chế khuyến khích việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, giáo viên; tiêu chí về trình độ lý luận chính trị chưa được thực sự coi trọng trong việc đánh giá giáo viên, chưa được coi là một tiêu chuẩn bắt buộc để chuẩn hoá đội ngũ giáo viên.

Từ thực tiễn nêu trên, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên huyện Gia Bình, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng dạy - học, phát triển giáo dục - đào tạo, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp, đề xuất chủ yếu sau:

Một là, các cấp uỷ đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về giáo dục - đào tạo, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên bằng chương trình hành động cụ thể, đề ra nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên, từ việc tổ chức các lớp đào tạo tập trung, đến việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và việc tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ lý luận, tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục lý luận chính trị trong các trường sư phạm cho phù hợp với đặc trưng đào tạo giáo viên gắn với đổi mới nội dung giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng - chính trị trong nhà trường ở các bậc học phổ thông.

Ba là, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị theo chuyên đề hằng năm, các hội nghị thông tin công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên. Trong đó tập trung vào các chuyên đề với nội dung: quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, giáo dục - đào tạo; thông tin thời sự khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo trong nước và trên thế giới.

Bốn là, Ban Tuyên giáo các cấp tăng cường quan tâm chỉ đạo việc xây dựng nội dung, chuẩn mực đạo đức theo chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 và các năm tiếp theo cho đội ngũ giáo viên và đối tượng học sinh. Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo các cấp phối hợp, quan tâm chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, hướng tới đảm bảo cán bộ quản lý các nhà trường có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp, nâng tỷ lệ cán bộ giáo viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp. Đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ đảng trong các nhà trường, hướng dẫn nội dung sinh hoạt tư tưởng theo chủ đề hằng năm, hằng tháng; quy định rõ thời gian dành cho nội dung sinh hoạt tư tưởng - chính trị trong sinh hoạt chi bộ.

Năm là, các tổ chức đảng, ban giám hiệu các nhà trường đẩy mạnh công tác quản trị, hướng dẫn thực hiện chế độ sinh hoạt chính trị - tư tưởng, trau dồi kiến thức lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn giảng dạy. Nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; cử cán bộ, giáo viên tham gia các khoá học đào tạo lý luận chính trị, đồng thời phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ lý luận trong đội ngũ giáo viên./.

      Nguyễn Hương Giang 

-------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Nxb.CTQG, H, 2001, t.8, tr.126-127.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất