Sau hơn 8 năm thành lập huyện (từ 2004 đến nay), công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định. Báo cáo đánh giá việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhận định: “... Kết quả giáo dục lý luận chính trị đã góp phần nâng cao nhận thức về chính trị, tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị trong huyện, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Trong thực tế, huyện Cẩm Mỹ đã làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, nhờ đó đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nâng cao được tri thức lý luận, rèn luyện năng lực tư duy, xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, khả năng vận dụng vào thực tiễn; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực tổ chức, tập hợp, giáo dục, thuyết phục, lôi cuốn quần chúng, huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Từ đó, phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác giáo dục lý luận chính trị thực sự góp phần vào kết quả chỉnh đốn, đổi mới tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao trình độ và phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chấn chỉnh và cải tiến sinh hoạt của cán bộ, đảng viên tại các tổ chức cơ sở đảng. Cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu như phong trào: Chung tay xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...
Có được những kết quả trên, trước hết là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn huyện; thứ hai, là do những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói chung và của huyện Cẩm Mỹ nói riêng đã tác động tích cực đến niềm tin, tình cảm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp họ hăng say học tập để hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội; thứ ba là do sự tận tâm, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy Đảng chưa nhận thức hết vai trò, tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị. Theo số liệu khảo sát gần đây cho thấy, vẫn còn 5,59% cấp ủy Đảng khi được hỏi chưa quan tâm đến giáo dục lý luận chính trị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của huyện và cơ sở còn những hạn chế, yếu kém cả về trình độ lý luận chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu của thực tiễn. Điều này thể hiện qua việc, số đảng viên qua đào tạo về lý luận chính trị của huyện còn rất thấp. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2011, toàn huyện có 2.480 đảng viên, nhưng có tới 45,56% đảng viên chưa qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Do trình độ lý luận chính trị thấp nên việc tiếp thu, vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của cán bộ, đảng viên bị thụ động, kém hiệu quả, thậm chí dẫn đến nhiều sai phạm. Thực tế từ năm 2004 - 2011, toàn Đảng bộ có 187 đảng viên bị thi hành kỷ luật (bình quân hàng năm đảng viên bị thi hành kỷ luật chiếm tỷ lệ từ 0,6% - 3,1%). Trong đó biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là 153 người.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị tuy bước đầu được kiện toàn và chuẩn hóa nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Số lượng cán bộ giảng dạy vừa thiếu vừa không ổn định, chất lượng giảng dạy còn hạn chế nhất định, tỷ lệ giảng viên trực tiếp đứng lớp chưa đảm bảo; đội ngũ giảng viên kiêm chức luôn có sự biến động, ít đầu tư thời gian cho nghiên cứu tài liệu và nâng cao chất lượng bài giảng.
Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục lý luận chính trị còn nhiều hạn chế. Hiện tại, huyện chưa xây dựng được Trung tâm Bồi dưỡng chính trị đạt chuẩn theo đúng quy định của Trung ương và của tỉnh. Để hoạt động, Trung tâm phải tận dụng hội trường lớn của UBND huyện trong các hoạt động học tập. Hiện tại, Trung tâm chỉ mới được giao 3 phòng làm việc. Các phương tiện hỗ trợ giảng dạy khác như: máy trình chiếu, loa, đài, âm ly, máy vi tính,… chưa được đầu tư đồng bộ; chỗ ăn nghỉ cho học viên chưa có; trang thiết bị phục vụ còn nghèo nàn.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, ngoài sự nỗ lực của Trung tâm giáo dục lý luận chính trị huyện, các ban xây dựng Đảng đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo hướng đổi mới cả nội dung và phương pháp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Cẩm Mỹ tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức và sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo hướng: Xây dựng tính tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tạo sự thống nhất cao về ý chí, niềm tin và hành động trong Đảng bộ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Tăng cường kiểm tra công tác tư tưởng nói chung và giáo dục lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên nói riêng; kịp thời uốn nắn sai sót trong quá trình giải quyết những yêu cầu bức xúc của hoạt động giáo dục lý luận, chính trị. Trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, tiến hành rà soát, đánh giá trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phấn đấu 95% cán bộ chủ chốt của huyện và cơ sở có trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn theo quy định.
Để thực hiện giải pháp này, trong thời gian tới, Huyện ủy cần phải xây dựng đề án tổng thể tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch cán bộ, xem đó là chiến lược phát triển lâu dài của huyện. Đồng thời, cần quy hoạch đào tạo tuyển chọn đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị một cách bài bản, cụ thể theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy và học viên học tập lý luận chính trị, tạo môi trường tốt để thu hút nhân tài về phục vụ cho huyện nhà cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy lý luận chính trị.
Hai là, nâng cao chất lượng, trình độ của chủ thể giáo dục, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, truyền đạt kiến thức về lý luận chính trị
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy lý luận chính trị thông qua việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị ở các học viện và trường Chính trị tỉnh, tại những hội nghị bồi dưỡng Báo cáo viên do tỉnh và Trung ương tổ chức để nâng cao trình độ lý luận chính trị và kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu giảng dạy tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
Bên cạnh đó, cần phải có chính sách đãi ngộ thích hợp đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy về đời sống vật chất, điều kiện nghiên cứu, hệ thống thông tin… đảm bảo để đội ngũ này thật sự yên tâm đi sâu vào công việc nghiên cứu, giảng dạy. Có thể áp dụng chính sách cán bộ như đối với cán bộ công tác tại MTTQ và các cơ quan đoàn thể, nhất là trong việc phân bổ kinh phí cho cán bộ từ kinh nghiệm một số tỉnh đã làm có hiệu quả.
Ba là, nâng cao nhận thức cho người học về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị và tạo sự hợp tác từ phía đối tượng giáo dục
Vấn đề có tính tiền đề, điều kiện cơ bản cho việc nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên của huyện là tiếp tục nâng cao trình độ học vấn để có thể tiếp thu hiệu quả lý luận chính trị. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch đào tạo cụ thể, phù hợp với định hướng chung của huyện và từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Ưu tiên những cán bộ trẻ, có năng lực, những người thuộc diện quy hoạch.
Đối với những đối tượng đang tham gia học tập tại các Học viện, phân viện và trường Chính trị của tỉnh… huyện cần tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ thêm chi phí đi lại, ăn ở để các đối tượng trên yên tâm học tập. Định kỳ hàng quý gặp gỡ, trao đổi, động viên, đồng thời giữ mối liên lạc với các trường để nắm chắc về ý thức cũng như kết quả học tập của các cán bộ, đảng viên được cử đi học. Có kế hoạch bố trí, sắp xếp vị trí hợp lý cho những đối tượng trên sau khi kết thúc khóa học, tạo động lực phấn đấu cho họ và những cán bộ, đảng viên khác. Bên cạnh đó, cần có chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, khuyến khích những người trẻ, có trình độ học vấn và trình độ lý luận chính trị về công tác tại huyện, đặc biệt là các xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa.
Bốn là, đổi mới về cơ chế chính sách và tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị
Cùng với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục lý luận chính trị ở huyện, việc tạo ra các cơ chế chính sách phù hợp là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị. Bên cạnh đó, với yêu cầu chuyển tải nhanh nhạy nhiều nội dung trong một thời gian không quá dài và phải tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phương pháp giảng dạy ngày càng phải đổi mới, việc sử dụng các phương tiện hiện đại vào công tác giáo dục lý luận chính trị cần được tăng cường. Do đó, việc định hướng đổi mới về phương tiện, cơ sở vật chất cho phù hợp với các hình thức giáo dục lý luận chính trị cũng là một trong những điều kiện cơ bản, đảm bảo cho giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn huyện đạt được hiệu quả.
Từ thực trạng trên đòi hỏi huyện phải tăng cường đầu tư ngân sách, khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác giáo dục lý luận chính trị như đầu tư xây dựng thêm hội trường, phòng học, trang thiết bị, sách báo... Nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc tầm quan trọng, hiệu quả của việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục lý luận chính trị của huyện theo hướng đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Năm là, đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị
Chú trọng thực hiện đổi mới đồng bộ cả 03 nội dung trên để có thể chuyển tải chương trình một cách hiệu quả nhất, giúp học viên say mê, hứng thú và nắm chắc những vấn đề mà giáo dục lý luận chính trị hướng tới. Bên cạnh đó, phải kết hợp sử dụng các hình thức giáo dục lý luận chính trị mới hiện đại với các hình thức truyền thống cho phù hợp.
Về việc lựa chọn nội dung để chuyển tải qua hình thức mới, trước hết cần xác định các nội dung mang tính định hướng lớn trong năm như các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, của huyện; một số chính sách quan trọng của Nhà nước. Đồng thời, cần chú trọng đến những nội dung nhằm hình thành và củng cố bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, tính tích cực chính trị và ý chí xây dựng quê hương của cán bộ, đảng viên…
Để đảm bảo sử dụng hợp lý các hình thức mới hiện đại và các hình thức truyền thống phù hợp, huyện cần phải xem xét, cân nhắc lựa chọn các hình thức giáo dục trên cơ sở nhu cầu và điều kiện của địa phương, đơn vị và từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên. Trong đó, cần chú ý đến nhu cầu, điều kiện của các địa phương vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn; cán bộ, đảng viên lớn tuổi… Đối với những trường hợp này, cần chú trọng sử dụng những hình thức giáo dục tại chỗ như: hội nghị, sinh hoạt chính trị có báo cáo viên đến trực tiếp trình bày; hội nghị, sinh hoạt chính trị sử dụng đĩa DVD… kết hợp với việc sử dụng các hình thức giáo dục lý luận chính trị ứng dụng các phương tiện chuyển tải thông tin hiện đại khác.
Về đổi mới phương pháp, trong giáo dục hiện nay, có rất nhiều phương pháp dạy và học nói chung, dạy và học lý luận chính trị nói riêng, nhưng với xu thế toàn cầu hóa và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, đòi hỏi mỗi báo cáo viên phải luôn luôn năng động, sáng tạo và tìm tòi chọn lựa cho mình một phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả cho từng bài học, thích hợp từng đối tượng tiếp thu và lĩnh hội tri thức.
Sáu là, tiếp tục phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân
Để nâng cao nhận thức, trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thì phải phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cơ sở vật chất đảm bảo cho họ an tâm học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho bản thân. Đối với huyện Cẩm Mỹ, kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định đời sống nhân dân và tạo nên những tiền đề cho sự phát triển công nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới huyện phải tập trung phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp. Tận dụng tối đa lợi thế của huyện như giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào để phát triển kinh tế. Thực hiện nhất quán chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, nhằm làm biến đổi căn bản toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của tầng lớp nhân dân trong huyện, trong đó có bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tóm lại, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai là một quá trình đòi hỏi phải được nhận thức đầy đủ và cần được đổi mới để thực hiện có chất lượng, hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc đề ra những giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn là những vấn đề quan trọng và cần thiết hiện nay. Nó giúp cho quá trình nâng cao chất lượng giáo dục lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Nguyễn Văn Quang