Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 22/10/2010 14:34'(GMT+7)

Công tác nắm bắt dư luận xã hội rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) - Ảnh minh hoạ

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) - Ảnh minh hoạ

Ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã quan tâm tới công tác nắm bắt dư luận xã hội. Vì dư luận xã hội là một mảng thông tin rất quan trọng luôn tồn tại trong cộng đồng, là một phần biểu hiện về tư tưởng trong cộng đồng. Sớm nắm bắt được dư luận xã hội sẽ là một kênh thông tin góp phần giúp người lãnh đạo kịp thời, điều chỉnh chủ trương, chính sách, biện pháp… cho phù hợp hơn và thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt hiệu quả cao hơn.

Từ cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, sớm được giao nhiệm vụ nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội để giúp Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác tư tưởng, anh em chúng tôi vừa vui mừng, vừa thật sự lo lắng. Vui mừng vì được tham gia vào mảng công việc mới mẻ, lại có vẻ lý thú với những hiệu ứng công việc. Lo lắng vì đây là mảng việc mới nên anh em cũng chưa quen, nhất là chưa có chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực công tác này. Nhưng vừa làm, vừa tích cực học hỏi từ thực tiễn, lại được Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - Ban Tư tưởng-Văn hoá TW (nay là Ban tuyên giáo TW) thường xuyên bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nên anh em chúng tôi ngày càng vững vàng trong công việc.

Cũng như những cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cấp tỉnh, những người làm công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội phải nắm vững những vấn đề cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân. Muốn được người dân niềm nở đón tiếp và giúp đỡ mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội phải biết làm công tác dân vận để dân quý mến, tin tưởng, sẵn lòng giúp đỡ trong công việc. Trên thực tế, cán bộ làm công tác nắm bắt dư luận xã hội phải tiếp xúc với hầu hết các giai tầng trong xã hội, như các bậc lão thành cách mạng, đại diện các cơ quan, đoàn thể, với công nhân, nông dân, trí thức, người kinh doanh, buôn bán… vì vậy càng phải trau dồi kiến thức, tác phong công tác để dù ở môi trường nào cũng được cán bộ, nhân dân yêu mến, cộng tác.

Muốn công tác nắm bắt dư luận xã hội đạt chất lượng cao, mỗi chuyến công tác người cán bộ phải có sự chuẩn bị chu đáo về chủ đề trao đổi, về những gợi ý sát với chủ đề khai thác… để đối tượng có thể bày tỏ, phản ánh một cách trung thực, khách quan những vấn đề về tư tưởng của cá nhân hay nhóm cộng đồng trước một hiện tượng chính trị, kinh tế, xã hội… Hơn nữa trong quá trình làm việc, người làm công tác nắm bắt dư luận xã hội phải biết lắng nghe và trao đổi trên tinh thần cầu thị, thì mới nhận được sự ủng hộ và cộng tác nhiệt thành của cán bộ, nhân dân về công tác tư tưởng.

Để có thêm kênh thông tin về dư luận xã hội, phục vụ tốt hơn công tác tư tưởng, từ năm 1995, song song với giao ban an ninh tư tưởng hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định đã tổ chức giao ban công tác nắm bắt dư luận xã hội mỗi tháng một kỳ. Thành phần gồm một số ngành, đoàn thể gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Câu lạc bộ Thiên Trường (là nơi sinh hoạt của các cán bộ hưu trí, là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ trung, cao cấp của tỉnh), Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Công đoàn tỉnh. Các ngành, đoàn thể đã cử những đồng chí làm công tác tư tưởng của đơn vị mình đại diện cho ngành, đoàn thể làm cộng tác viên về nắm bắt dư luận xã hội cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nam Định.

Qua phản ánh, trao đổi trong Hội nghị giao ban công tác nắm bắt dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có thể nắm tổng thể tình hình tư tưởng và những vấn đề cần quan tâm về tư tưởng trên phạm vi toàn tỉnh. Cũng qua Hội nghị này, một số ngành về an ninh, trật xã hội và các đoàn thể trong tỉnh cũng nắm được hoạt động và sự chỉ đạo về công tác tư tưởng của đơn vị bạn, từ đó có sự phối hợp công tác chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ngoài buổi giao ban định kỳ về công tác nắm bắt dư luận xã hội, các cộng tác viên của ngành, đoàn thể còn rất nhiệt tình, thường xuyên phản ánh về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ những vấn đề tư tưởng nảy sinh ở cộng đồng liên quan đến cơ chế, chính sách, dự án; đến đạo đức, tác phong, lối sống của cán bộ chủ chốt ở địa phương, đơn vị… Đó là những điều kiện thuận lợi để Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng trên địa bàn, phục vụ công tác tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo.

Trên thực tế, nhiều thông tin về dư luận xã hội ở cơ sở do cộng tác viên cung cấp đã giúp Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ nhanh nhạy nắm bắt tình hình tư tưởng, tham mưu giúp lãnh đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề còn sơ xuất, sai sót trong quản lý, điều hành của chính quyền cấp dưới; cũng như xử lý kịp thời những phần tử quá khích gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Như trong giải quyết những mâu thuẫn, dẫn đến khiếu kiện căng thẳng trên diện rộng, thậm chí manh động chống người thi hành công vụ kéo dài ở hai huyện trong tỉnh, thông tin về dư luận xã hội từ cơ sở là một “kênh” đáng tin cậy và kịp thời góp phần giúp lãnh đạo giải quyết kịp thời công tác tư tưởng nảy sinh trong cộng đồng, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một số tình huống khác, như nảy sinh mâu thuẫn trong phân chia vùng nuôi trồng Vạng ở ven biển, gây khiếu kiện trên diện rộng, kéo dài… hay việc xuất hiện một “đạo lạ” trong tỉnh, thông tin về dư luận xã hội đóng vai trò như một “tín hiệu sớm” giúp Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu kịp thời, đúng hướng để lãnh đạo đưa ra những quyết định đúng đắn, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả những vấn đề nảy sinh trong cộng đồng…

Bên cạnh những thuận lợi, những người làm công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội ở cấp tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại do người dân và cả một số cán bộ chủ chốt cũng chưa hiểu hết nội dung công việc mình làm; công tác tham mưu đề xuất và quy trình tham mưu, đề xuất của cán bộ với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và giữa Ban Tuyên giáo TỈnh uỷ với cấp trên trực tiếp ra sao…?

Chưa hiểu hết công việc của người cán bộ nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, nhất là còn thiếu niềm tin vào cách giải quyết sự việc của chính quyền địa phương, đơn vị… thì người dân chưa tích cực hợp tác. Muốn công việc đạt hiệu quả, người cán bộ tuyên giáo phải kiên trì, dụng công “làm công tác tư tưởng” mới được họ đồng lòng ủng hộ.

Quá trình tập hợp, sàng lọc và phản ánh dư luận xã hội với cơ quan cấp trên theo quy định, thường thì có nhiều tin “vui”, nhưng cũng có tin chưa được “vui”. Mặc dù thông tin chưa được “vui”, rất trung thực, khách quan và đúng mức, nhưng có cán bộ đại diện địa phương, đơn vị cho rằng công tác nắm bắt, phản ánh dư luận xã hội như vậy là làm khó cho hoạt động của họ.

Nhưng điều làm những cán bộ nghiên cứu, nắm bắt dư luận trong tỉnh yên tâm và vững vàng trong công việc là luôn được các đồng chí lãnh đạo đánh giá đúng mức và cho rằng công tác nắm bắt, nghiên cứu phản ánh dư luận xã hội đã góp phần tích cực giúp cấp uỷ về công tác tư tưởng, nhất là kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh ở địa phương, đơn vị, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đoàn kết, thống nhất để phát triển.

Trong nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, chúng tôi thấy, cùng với khảo sát, đối thoại trực tiếp thì biện pháp tìm hiểu qua phiếu điều tra cũng có tác dụng rất thiết thực với những thông tin khá thẳng thắn, khách quan. Khảo sát điều tra xã hội học công tác tư tưởng bằng phiếu từ lâu đã là công việc thường xuyên và được quan tâm của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), nhưng ở cấp tỉnh thì còn rất ít và chưa thật sự được quan tâm. Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về kinh phí cho công tác này. Song vì lợi ích chung về công tác tư tưởng trong xã hội, chúng tôi mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương có sự chỉ đạo cụ thể, sát sao và Ban Tuyên giáo cấp tỉnh quan tâm đầu tư để công tác khảo sát, điều tra xã hội học về công tác tưởng bằng phiếu được tổ chức thường niên, góp phần giúp cấp uỷ địa phương, đơn vị nắm bắt công tác tư tưởng thêm khách quan, thiết thực.

Có thể nói, tuy còn không ít khó khăn, vất vả do đặc thù công việc, nhưng chúng tôi, những người đã và đang làm công tác nắm bắt, nghiên cứu, phản ánh dư luận xã hội cũng rất vui vì luôn nhận được sự cộng tác của các cộng tác viên, sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ, nhân dân trong quá trình làm việc. Cũng như nhiều việc khác, được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ tích cực của cán bộ, nhân dân, công tác nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời có sát dân, biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân thì mới thấy hết tấm lòng của dân với Đảng. Qua công việc, chúng tôi thường nói vui với nhau: “nói là gieo, nghe là gặt”. Gieo mà không gặt thì biết thế nào chất lượng và năng suất cao hay thấp../.

Đới Trọng Thưởng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất