(TCTG) - Trong nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã xác định việc tự đào tạo, bồi dưỡng là việc làm có ý nghĩa quyết định chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị và vấn đề này được thực hiện thông qua việc thao giảng cụm giảng viên lý luận chính trị trong phạm vi toàn tỉnh.
Công tác thao giảng giảng viên lý luận chính trị được tiến hành thường xuyên hàng năm, với mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ mới. Thông qua thao giảng, từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý và giảng viên trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện các chương trình giáo dục lý luận chính trị. Ngoài ra, nó còn cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tỉnh, tạo phong trào thi đua mới, đưa hoạt động giáo dục lý luận chính trị ngày càng đi vào nền nếp.
Thanh Hoá có 27 Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, cho nên Ban Tuyên giáo quyết định chia làm 9 cụm. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đều có công văn hướng dẫn, ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định thao giảng, phân cụm và phân đơn vị đăng cai thao giảng đối với một loại hình chương trình nhất định. Trên cơ sở hướng dẫn của tỉnh, các đơn vị trong cụm họp thống nhất thời gian, phân công giảng viên, bài giảng.
Quá trình thao giảng được tiến hành một cách nghiêm túc, sau mỗi giờ giảng của từng giảng viên, chủ tịch hội đồng thẩm định triệu tập các giảng viên dự giờ tham gia xây dựng giờ giảng cho giảng viên. Xây dựng giờ giảng cho giảng viên công khai, dân chủ, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi người tham dự và việc xây dựng giờ giảng về các mặt cơ bản như: tác phong, phong cách lên lớp, việc trình bày bảng cũng như thiết kế giáo án điện tử, phương pháp giảng bài, nội dung bài giảng cũng như tính định hướng chính trị cho học viên về bài giảng... đây chính là cơ sở khách quan, làm cơ sở cho việc đánh giá xếp loại cho các giảng viên của hội đồng. Việc xây dựng giờ giảng cho giảng viên cũng chính là lúc để cho các giảng viên dự giờ tự nhìn nhận, rút kinh nghiệm cho chính bản thân mình trong những giờ giảng, tiết giảng được phân công.
Như vậy, việc tiến hành thường xuyên công tác công tác thao giảng được tiến hành đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị là một vấn đề rất quan trọng, mang tính cấp thiết cả trước mắt lẫn lâu dài, cho nên để công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị dược thực hiện một cách thường xuyên và hiệu quả trong thời gian tới thì đề nghị các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến cơ sở phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và bắt tay ngay vào thực hiện. Để thực hiện tốt điều này trong thời gian tới cần tiếp tục làm tốt những vấn đề sau:
Thứ nhất: Ban Tuyên giáo Trung ương cần tăng cường hơn nữa việc bồi dưỡng cập nhật các chuyên đề mới, bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ giảng viên Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Cần thành lập viện, hoặc giao cho học viện thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cấp huyện. Phải xem giảng dạy lý luận chính trị tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị là một nghề, hơn nữa là một nghề có tính đặc thù, cần được đào tạo, đào tạo lại nghiêm túc và thường xuyên bồi dưỡng nâng cao.
Thứ hai: Các cấp uỷ tỉnh cần có sự chỉ đạo cấp uỷ địa phương kiên quyết hơn nữa trong việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên về công tác tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị đảm bảo các tiêu chuẩn của một giảng viên lý luận chính trị như quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Thứ ba: Cần có sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trường Chính trị tỉnh với cấp uỷ địa phương trong vấn đề đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ giảng viên. Xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Thứ tư: Cấp uỷ huyện cần chú trọng việc quy hoạch đào tạo và sử dụng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, khi tuyển chọn phải chú trọng phẩm chất, năng lực và đặc thù của giảng viên lý luận chính trị. Cấp uỷ cấp huyện có quy định đối với giảng viên hàng năm ngoài công tác giảng dạy phải tham gia một số công việc của địa phương và đi thực tế cơ sở.
Thứ năm: Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị phải chủ động đề xuất và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn. Tăng cường tổ chức các hoạt động thao giảng, dự giờ và đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Trang bị đầy đủ sách báo, tài liệu... cho giảng viên và học viên đảm bảo thiết yếu những điều kiện cho quá trình giảng dạy và học tập. Giảng viên có trách nhiệm học tập nâng cao trình độ chuyên môn và hiểu biết mọi mặt đời sống xã hội, tích cực tham gia các hoạt động thực tiễn ở cơ sở, tham gia tổng kết thực tiễn để bổ sung cho lý luận bài giảng.
Việc nâng cao chất lượng giảng viên lý luận chính trị là yêu cầu cấp bách hiện nay. Việc đào tạo, tự đào tạo và đào tạo lại đội ngũ này không chỉ có ý nghĩa nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại, mà còn là điều kiện để đội ngũ này nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình trong điều kiện hiện nay. Đây chính là cơ sở để tạo nên niềm tin, tính hấp dẫn, sự thuyết phục trong công tác giảng dạy lý luận chính trị trong tình mới./.
Trịnh Khắc Bân, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá