(TG) - Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ thể dục thể thao đến năm 2020”, công tác thể dục, thể thao ở Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành tích chung trong quá trình hình thành con người có sức khỏe, bản lĩnh, trí tuệ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh thời kỳ đổi mới.
Tại Đại hội XV Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm 2010-2020 thực hiện cương lĩnh 1991 bổ sung 2011 về xây dựng đất nước; trong đó đánh giá hoạt động thể dục, thể thao cónhiều tiến bộ, đạt được kết quả quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội các Đại hội lần thứ XIII, XIV Đảng bộ tỉnh đề ra. Các phong trào thể dục, thể thao đã gắn liền với các hoạt động văn hóa, vui chơi, khơi dậy bản sắc văn hóa địa phương, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân. Thể dục, thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ; nhiều vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đoạt nhiều huy chương tại các giải thể thao trong nước, khu vực và thế giới như ở các môn bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, bơi, đua thuyền, pencak silat, cờ vua,....
Tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng từ 29% năm 2015 lên 36,6% năm 2020. Hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện và thi đấu, giảng dạy, huấn luyện thể dục, thể thao đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao. Tổng chi cho an sinh xã hội trong giai đoạn từ 2015-2020 gần 9.000 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9% năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2010-2015; trong đó đã dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn, nhiều công trình mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được hoàn thành, hoạt động hiệu quả. Hiện nay toàn tỉnh có 81 sân vận động, trong đó có 17 sân có khán đài, 74 sân bóng đá mini và 23 sân cỏ nhân tạo; 45 nhà thi đấu đa năng; 246 sân bóng chuyền; 44 sân bóng rổ; 210 sân tennis; 42 bể bơi; 2 sân gôn và trên 3.000 sân cầu lông.
|
Chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong trường học có chuyển biến rõ nét, ngày càng nề nếp, đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; giáo dục thể chất được gắn với giáo dục ý chí, đạo đức, giáo dục quốc phòng, giáo dục sức khỏe và kĩ năng sống của học sinh, sinh viên theo hướng đổi mới, thiết thực. Đã kết hợp đồng bộ y tế học đường với dinh dưỡng học đường và lối sống lành mạnh đã góp phần tăng cường thể lực, nâng cao tầm vóc của người Quảng Ninh. Đến nay, 100% các trường học trong tỉnh có các câu lạc bộ thể dục, thể thao, có sân hoạt động thể chất phục vụ giảng dạy và hoạt động thể thao; toàn tỉnh có 219 nhà tập và phòng tập, 64 bể bơi được lắp đặt trong trường học. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được duy trì, ngày càng đông đảo nhân dân hưởng ứng tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe. Các câulạc bộ bóng bàn, xe đạp, cầu lông, cờ vua, cờ tướng, võ thuật, thể dục dưỡng sinh, quần vợt, bóng đá phát triển mạnh. Thể dục, thể thao quần chúng phát triển nhanh cả số lượng, chất lượng, phủ rộng khắp các vùng, miền trong tỉnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau; số người tập luyện thường xuyên và số gia đình thể thao hàng năm tăng 0,5 - 1%. Đến nay, số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 36,6% dân số; gia đình thể thao đạt 21%. Các môn thể thao dân tộc được bảo tồn và duy trì tổ chức ởcơ sở trong các dịp lễ hội của đất nước, các địa phương và thi đấu hằng năm của tỉnh. Phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm, ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia tập luyện. Nhiều câu lạc bộ dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền hơi, xe đạp, yoga của người cao tuổi được hình thành; qua đó, tạo dựng phong trào “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội” và trở thành tấm gương sống tích cực cho thế hệ trẻ. Phát triển thể dục, thể thao trong lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các khu công nghiệp được coi trọng. Số người tập luyện thường xuyên trong các cơ quan nhà nước đạt từ 40 - 55%, trong doanh nghiệp là 30%. Số thanh niên tham gia tập luyện thểdục thể thao thường xuyên chiếm 50 - 60%. Hầu hết chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đều đạt tiêu chuẩn “chiến sĩ khoẻ”, số chiến sỹ tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 80% quân số. Số thanh niên tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đạt 50 - 60%.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, sự nghiệp thể dục, thể thao Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, chuẩn bị nhân lực chất lượng cao để xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, phong trào thể dục, thể thao Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng với sự phát triển nhanh của tỉnh; thể dục, thể thao quần chúng phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi, hải đảo, các khu công nghiệp; giáo dục thể chất và hoạt động thể dục, thể thao trong trường học kết quả chưa được như mong muốn; văn minh, văn hóa trong thể thao và hưởng thụ thể thao của nhân dân còn thấp; tiêu cực trong thể thao vẫn còn tồn tại; các nguồn lực đầu tư cho thể dục, thể thao chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Tiếp tục kế thừa thành tựu, khắc phục những hạn chế trong công tác thể dục, thể thao nêu trên và để hiện thực hoá tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đề ra “Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước....”; thì vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp thể dục, thể thao ở Quảng Ninh thời gian tới là:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động với công tác thể dục,thể thao với việc giữ gìn và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nâng cao tầm vóc và thể lực con người Quảng Ninh.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự hưởng ứng của toàn xã hội tham gia xây dựng, phát triển phát huy những tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới; tiếp tục coi đây cũng là một ngành kinh tế, để từ đó có định hướng xây dựng chính sách, pháp luật cho phù hợp.
Ba là, đổi mới công tác quản lý nhà nước về thể dục thể thao; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên ngành thể dục, thể thao và phối hợp tốt giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong triển khai các hoạt động thể dục, thể thao.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động thể dục, thể thao; gắn kết phát triển thể dục, thể thao với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thể dục, thể thao và các hoạt động bảo trợ, tài trợ, quảng cáo đối với một số môn thể thao thành tích cao, các giải thi đấu thể thao quần chúng,... phục vụ phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển các ngành kinh tế xanh; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm phát triển năng động, toàn diện.
Năm là, phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng; phát huy các môn thể thao dân tộc, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh ở nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo; duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống và gắn việc phát huy bản sắc văn hóa trong các hoạt động thể dục, thể thao của địa phương; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao cho mọi thành phần trong xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất trong trường học.
Sáu là, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch đất dành cho cho lĩnh vực thể dục, thể thao ở tất cả các cấp; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện thể dục, thể thao; đồng thời bổ sung ngân sách Nhà nước phát triển thể dục, thể thao phù hợp với thực tiễn để tổ chức, thực hiện không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều và hai mũi đột phá” của tỉnh như Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Bẩy là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác vớicác cơ quan, trường đại học, viên nghiên cứu nghiên cứu các mô hình liên kết để phát triển thể dục,thể thao; trong đó tập trung đầu tư nghiên cứu,ứng dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo vận động viên nhằm nâng cao thành tíchthể thao, nhất là hiệu quả đào tạo tài năng thể thao thành tích cao. Đó là mục tiêu mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong thời gian tới đối với sự nghiệp thể dục, thể thao trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội (2021-2026).
Phạm Văn Điệp
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh