(TG) - Với tư cách là một nhà khoa học và quản lý biển, người đại diện cho tiếng nói của ngư dân tôi rất cảm phục về minh tuệ và khả năng phân tích thực tiễn của GS.TS. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam qua bài viết quan trọng về "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021).
Là một Đảng viên ĐCSVN, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, tôi rất tự hào về Đảng, vững tin vào người chèo lái, cùng Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội (CNXH), thực hiện thành công “Khát vọng Việt Nam” mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra.
Tôi rất tâm huyết và đồng tình với nhận định của Tổng bí thư về những thách thức toàn cầu liên quan tới việc giải quyết chưa thỏa đáng quan hệ giữa phát triển và môi trường. Theo ông: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại”. Trong thực tiễn phát triển, cách tiếp cận phi môi trường, thúc đẩy phát triển bằng mọi giá, không xem môi trường và tài nguyên là một yếu tố bắt buộc phải xem xét, cân nhắc khi lựa chọn phương thức/dự án phát triển và tiêu dùng đã để lại những hậu quả tai hại cả trước mắt và lâu dài. Điều này có liên quan đến tư duy và nhận thức có phần “duy thực” của không ít nền kinh tế đi trước, tiên tiến, và theo Tổng Bí thư, đó là: “hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”. Đồng chí còn nhấn mạnh: “Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa”. Từ đó đồng chí khẳng định, “các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó và không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”.
Dưới lăng kính phân tích lý luận, thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên và các giá trị văn hóa trên qui mô toàn cầu của Tổng bí thư, rõ ràng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cũng gắn với con đường phát triển bền vững đất nước về cả kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, mang tầm vóc chiến lược, đảm bảo hiệu quả kinh tế trong dài hạn, đất nước có “của ăn, của để”, làm ăn căn cơ đừng để xảy ra chuyện “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” như cha ông ta đã căn dặn từ bao đời. Ngày nay, Đảng ta lãnh đạo đất nước đi theo con đường phát triển bền vững để Đảng thực hiện được sứ mạng và trách nhiệm chính trị của mình thông qua đảm bảo cân bằng giữa ba mảng phúc lợi là kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình phát triển và bảo đảm công bằng giữa các thế hệ hôm nay và mai sau. Đó cũng là trách nhiệm chính trị của Đảng và toàn hệ thống chính trị đối với quá trình phát triển đất nước trên con đường đi lên CNXH. Đất nước Việt Nam ta sẽ có kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả, xã hội lành mạnh, tham nhũng bị đẩy lùi, cuộc sống người dân được cải thiện, các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được phát huy và trở thành động lực phát triển, giáo dục và đào tạo được thay đổi căn bản và toàn diện, môi trường sống trong lành, đất nước ta Xanh, Sạch và Đẹp. Các vấn đề này đã được Ban Chấp hành TW Đảng cụ thể hóa trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành tháng 10 năm 2018); đồng thời được thể hiện thành 3 mục tiêu phát triển đất nước cụ thể theo lộ trình đến năm 2025, 2030 và 2045 như là một “Khát vọng Việt Nam” trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt, trong bài viết lần này Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh: “Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường”.
Từ góc độ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý biển, để hiện thực hóa các tư tưởng lớn của Tổng bí thư, theo tôi, trong nhiều việc phải làm, trước nhất cần thiết phải rà soát lại Luật đất đai (thực chất là Luật Sử dụng đất: Land-use law) để không có kẻ giàu, người nghèo vì đất, bịt kẽ hở không cho kẻ tham nhũng đất đai lợi dụng ăn “địa tô chênh lệch”. Tương tự, phải nhanh chóng xem xét, xây dựng, ban hành và thực thi có hiệu quả Luật Sử dụng biển (Sea-use law) để bảo đảm ba phần Tổ quốc có biển cũng được quản lý theo cách tiếp cận không gian, phát triển kinh tế biển xanh và bền vững, giảm xung đột lợi ích giữa những người/ngành trong khai thác, sử dụng biển, góp phần bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động bảo tồn biển, vùng ven biển và đảo nước ta, bao gồm cả cảnh quan trên cạn và ngầm dưới đáy biển là điều rất cấp thiết. Một mặt là để bảo vệ nguồn vốn tự nhiên cho phát triển kinh tế xanh và bền vững trong khi chúng đang có biểu hiện suy kiệt, mặt khác là để phục hồi nguồn lợi thủy sản - nguồn sinh kế chính của cộng đồng người dân ven biển, và trên đảo, giảm đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) ở nước ngoài, góp phần tháo gỡ “Thẻ vàng” do Ủy ban châu Âu (EU) cảnh báo đối với nghề khai thác cá biển ở nước ta,v.v..
Với diện mạo thay đổi gắn với sự phát triển “thăng trầm” của cảng Hải Phòng trong lịch sử gần 290 năm qua, thành phố Hải Phòng ngày nay vươn lên ở tầm vóc mới, mang tính vượt trội. Nếu như cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đạt trên 2.779 USD/năm, thì con số này ở thành phố Hải Phòng đã là khoảng 5.000 USD/năm, đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với bốn lợi thế phát triển: Cảng - Đô thị - Công nghiệp - Biển, cùng với phát huy bản sắc “Văn hóa biển” và con người mang đặc trưng Hải Phòng, tinh thần “Trung dũng, Quyết thắng”, Hải Phòng sẽ không bằng lòng với những gì có được hôm nay, mà chắc chắn sẽ bứt phá với tâm thức mới, tầm nhìn mới, táo bạo và hiệu quả hơn. Thành phố Hải Phòng tiếp tục đoàn kết, kiên định đổi mới, sáng tạo để phấn đấu trở thành một hình mẫu trong “Hệ thống đô thị biển” hiện đại, thông minh, xanh và bền vững ở nước ta – một cực động lực phát triển quan trọng của kinh tế Việt Nam, góp phần thực hiện thành công “Khát vọng Việt Nam” trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, hàng hải, nghề cá lớn của đất nước đều hội tụ ở thành phố Hải Phòng. Song hành cùng với những bước tiến nói trên, Hải Phòng sẽ tiếp tục trở thành trung tâm khoa học – công nghệ (KH-CN) đại dương mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, đi đầu trong hiện đại hóa, công nghiệp hóa nghề cá, và ngư dân Hải Phòng khi đó sẽ trở thành “công nhân đánh cá” chứ không còn là “nông dân đánh cá” như hiện nay, v.v..
Để tiếp nối thành công, trong bất kỳ phương án phát triển nào cũng cần giải quyết tốt, xuyên suốt mối quan hệ giữa “môi trường và phát triển” như Tổng bí thư đã đề cập. Môi trường và phát triển, suy cho cùng là hai mặt của một vấn đề, không “sợ hãi” về các tác động xấu đến môi trường, nhưng tuyệt nhiên không chủ quan và đánh đổi môi trường bằng mọi giá. Cần chú ý đánh giá đúng cả mặt lợi và hại của các tác động môi trường của phương án phát triển nào đó, và nhận diện các giải pháp công nghệ can thiệp một cách khả thi tương ứng. Trên cơ sở đó quyết định phương án đánh đổi (trade off), có thể chấp nhận được cho cả trước mắt và lâu dài, không để con cháu chúng ta phải trả món nợ sinh thái mà thế hệ chúng ta gây ra hôm nay. Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả và mang tính đột phá là vấn đề nguồn nhân lực, trong đó con người được khẳng định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy và duy trì phát triển bền vững đất nước, có ý nghĩa quyết định đến mức độ thành công của quá trình thực hiện “Khát vọng Việt Nam”. Chính vì thế, trong bài viết lần này Tổng Bí thư đã xác định và định hướng: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”. Đặc biệt, đây không chỉ là những nhiệm vụ ưu tiên trong đổi mới, sáng tạo đất nước trên con đường xây dựng CNXH, mà còn thể hiện tính ưu việt của CNXH mà Đảng ta kiên định lựa chọn và kiên trì thực hiện./.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi
Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam