Nhận thức được điều đó nên trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp… công tác bảo đảm ATTP đã có những kết quả bước đầu hết sức quan trọng.
Thứ nhất, chúng ta đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ để phục vụ cho công tác quản lý ATTP (Luật ATTP năm 2010 và các văn bản dưới Luật, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới), có Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 để phát triển ngành.
Thứ hai, hệ thống tổ chức quản lý ATTP đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương (trong ngành Y tế có Cục ATTP, các chi cục, phòng y tế huyện; trong ngành nông nghiệp có các Cục chuyên ngành ở Trung ương, tuyến tỉnh có các chi cục; trong ngành công thương có các vụ, cục chuyên ngành và các sở chuyên ngành ở tuyến tỉnh). Hệ thống kiểm nghiệm bước đầu đã đáp ứng được hoạt động kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý với 01 Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - là cơ quan trọng tài trong lĩnh vực kiểm nghiệm ATTP, 3 trung tâm kiểm nghiệm khu vực, 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu và phòng kiểm nghiệm thuộc 63 trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố. Đến nay, 42/63 tỉnh, thành phố có phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO/IEC 17025.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, giúp ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP, góp phần làm cho thị trường thực phẩm an toàn hơn. Từ năm 2011 – 2015, cả nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 2,95 triệu lượt cơ sở thực phẩm, trong đó, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 21%, số tiền phạt khoảng 99,6 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2016, tổng số cơ sở thực phẩm được kiểm tra là 344.731, phát hiện 56.876 cơ sở vi phạm và số tiền phạt 25.456.577.000 đồng; ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm. Việc làm này thể hiện sự quyết liệt của các cơ quan quản lý về ATTP và có ý nghĩa răn đe rất lớn.
Thứ tư, về xuất khẩu nông sản thực phẩm: Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc... đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2015 là 30,14 tỷ USD, trong đó nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào hàng top đầu trong các nước xuất khẩu. Lương thực thực phẩm của Việt Nam, ngoài số lượng cung cấp cho người dân trong nước, số lượng xuất khẩu có thể đủ nuôi sống 100 triệu người nữa.
Thứ năm, nhiều vùng nguyên liệu an toàn như vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn... đã được xây dựng. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã được thế giới chứng nhận về hệ thống ATTP. Hàng triệu lượt khách du lịch hằng năm vào Việt Nam vẫn sử dụng thực phẩm của chúng ta. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Những thành tựu nêu trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác thông tin giáo dục truyền thông. Công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng. Theo kết quả điều tra kiến thức hằng năm, cùng bộ câu hỏi, cùng đối tượng, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2015 so với năm 2012, kiến thức của người sản xuất tăng từ 76% lên 83,3%; kiến thức của người kinh doanh tăng từ 73% lên 85%; kiến thức của người tiêu dùng tăng từ 65,8% lên 83,8%.
Tuy nhiên, vấn đề ATTP vẫn còn đứng trước rất nhiều nguy cơ, thách thức như sau:
Một là, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, mặc dù đã được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao, thường xuyên đe dọa sức khỏe của người dân.
Hai là, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Hằng năm, chúng ta có chương trình giám sát chủ động, tiến hành lấy hàng chục nghìn mẫu thực phẩm tại các vùng, miền khác nhau, kết quả cho thấy tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 2%. Riêng 10 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%, bên cạnh đó còn xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi.
Ba là, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt góp phần giải quyết tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bốn là, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không bảo đảm. Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp, khó khăn cho công tác quản lý.
Trên thực tế, rủi ro do sử dụng thực phẩm là rất khó tránh, ngay cả các nước phát triển có hệ thống quản lý, giám sát, hệ thống pháp luật đồng bộ, đời sống của người dân cao,... nhưng các sự cố về ATTP vẫn xảy ra: Ví dụ ở Mỹ, mỗi năm vẫn có 75 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, ở Anh là 190ca/100.000 dân, ở Australia là 4,2 triệu ca ngộ độc thực phẩm/năm, riêng Việt Nam là 6,2 ca/100.000 dân.
Những nguyên nhân dẫn đến rủi ro về ATTP có liên quan đến cả yếu tố chủ quan và khách quan, như: các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm của chúng ta chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Mô hình này đã tồn tại hàng trăm năm, chưa thể dẹp bỏ ngay được mà phải vận động dần dần.
Trong nhân dân còn tồn tại nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: ăn tiết canh, ăn gỏi cá,... Những hành vi này không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen mà phải từng bước, kiên trì vận động, tuyên truyền.
Một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp (nhất là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa), nên họ không có điều kiện kinh tế để mua và sử dụng thực phẩm chất lượng cao mà vẫn phải chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, môi trường ngày càng bị ô nhiễm, gây tác động tiêu cực đến sản xuất, chế biến thực phẩm.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam có cơ hội để xuất khẩu thực phẩm, đồng thời cũng tiếp cận được nhiều hơn với các thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Nhưng nếu hệ thống quản lý không mạnh thì rất dễ biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn của các nước khác.
Mục tiêu cơ bản của chúng ta đến năm 2020: kiểm soát được ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập; phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, trong sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các hệ thộng thống chính trị - xã hội thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. Một trong những quan điểm chỉ đạo tại Chiến lược quốc gia về ATTP đã nhấn mạnh việc cần phải tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về giữ gìn vệ sinh, bảo đảm ATTP.
Yêu cầu về thực phẩm an toàn là hoàn toàn chính đáng và là quyền cơ bản của người tiêu dùng. Tuy nhiên, truyền thông hiện nay đang quá chú trọng việc phê phán những yếu kém, mà chưa dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến, dẫn đến không phản ánh đúng bức tranh về ATTP ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu. Năm 2010, Bộ Y tế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức cuộc thi báo chí viết về ATTP. Trong số 486 tác phẩm dự thi có đến 482 tác phẩm viết về các hiện tượng tiêu cực, chỉ có 4 tác phẩm viết về mô hình tiên tiến dẫn đến tình trạng người dân hoang mang không biết ăn gì, uống gì cho an toàn.
Trước những thách thức của hiện trạng ATTP hiện nay, công tác truyền thông cần tập trung vào các thông điệp nâng cao vai trò trách nhiệm của các bên liên quan (Nhà nước, nhà khoa học, người sản xuất, người tiêu dùng). Đối với người sản xuất, người tiêu dùng cần có cách tiếp cận truyền thông thay đổi hành vi (chuyển tải thông tin để nâng cao kiến thức và trình độ nhận thức; hướng dẫn để nâng cao trình độ và kỹ năng thực hành; thuyết phục để thay đổi thái độ và vận động thực hành; đối thoại để thay đổi cả nhận thức, thái độ và thực hành).
Khi người dân và xã hội quan tâm đến ATTP, thì Nhà nước, Chính phủ phải quan tâm, phải đầu tư thích đáng cho công tác quản lý, cho hệ thống tổ chức các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu quản lý ATTP. Các cấp chính quyền phải có trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn theo phân cấp quản lý, thực thi đúng pháp luật về ATTP.
Nhà khoa học cần có trách nhiệm, tích cực tham gia, đem các sáng kiến, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nâng cao chất lượng, sản lượng thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong phân tích và đánh giá nguy cơ ATTP, góp phần nhanh chóng phát hiện và quản lý nguy cơ, kịp thời phòng ngừa các sự cố mất ATTP; hỗ trợ cơ quan quản lý trong kiểm soát thông điệp truyền thông nguy cơ về ATTP, giúp đưa ra các thông tin tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về nguy cơ mất ATTP, góp phần xây dựng và duy trì lòng tin, đồng thời có thể ngăn ngừa sự hình thành tin đồn và thông tin sai lệch về một vấn đề ATTP.
Người sản xuất, kinh doanh cần phải được trang bị kiến thức về ATTP, hiểu biết về pháp luật ATTP và cần được tuyên truyền, giáo dục về đạo đức kinh doanh và lương tâm, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội. Người tiêu dùng cũng cần được tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm công dân, phải tích cực tham gia vào công tác đảm bảo ATTP: không nể nang, chấp nhận mà phải tố giác các hành vi mất ATTP, tẩy chay các sản phẩm không đảm bảo ATTP. Khi các yếu tố trên cùng kết hợp, tác động thì sẽ thay đổi được tận gốc vấn đề ATTP hiện nay.
Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP đã nêu rõ: Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP. Cụ thể, các cơ quan báo chí tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về ATTP; thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác truyền thông ATTP năm 2016 là: 1/Tăng cường các hoạt động truyền thông vận động nhằm tạo được sự đồng thuận ủng hộ và tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các bộ/ngành liên quan trong việc xây dựng phổ biến và thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước về ATTP. 2/Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin ATTP giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để người dân và cộng đồng chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. 3/Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông, cung cấp thông tin. 4/Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ năng truyền thông nguy cơ về ATTP cho đội ngũ cộng tác viên ATTP. 5/Phát hiện và nhân rộng những mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn…/.
TS.Nguyễn Thanh Phong
Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế