Thứ Ba, 17/9/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Bảy, 25/7/2015 21:44'(GMT+7)

Đổi mới đào tạo nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc - thực trạng và thách thức

Sinh viên Đại học Y Thái Nguyên thực tập tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Sinh viên Đại học Y Thái Nguyên thực tập tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Hội thảo là dịp để các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trong và ngoài khu vực cùng nghiên cứu trao đổi trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà trực tiếp là nguồn nhân lực y tế, cũng như thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh nêu rõ, thời gian qua, ngành Y tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhiều chỉ số về y tế cao hơn so với các nước có cùng thu nhập. Việc phối hợp giữa các trường đại học trong công tác đào tạo đội ngũ nhân lực y tế chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe của người dân đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đào tạo nhân lực y tế cho các tỉnh miền núi phía Bắc là một vấn đề có ý nghĩa trực tiếp cho khu vực nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực cho y tế của khu vực này vẫn còn rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, số xã trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc có bác sỹ mới chiếm hơn 60% trong khi toàn quốc là 77%. Số dược sỹ mới đạt 0,56 người/1 vạn dân trong khi cả nước là 1,9 người/1 vạn dân. Nhân lực y tế phân bổ không đều giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa.

Chế hộ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, lương và phụ cấp cho cán bộ y tế quá thấp, không tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện việc làm vất vả, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn… Trình độ đội ngũ cán bộ nhân viên y tế tuy đã được nâng lên, song chưa theo kịp nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, sự phát triển khoa học y học trong khu vực và thế giới.

Trao đổi tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Bắc cho biết số cán bộ y tế có trình độ đại học và trên đại học thường tập trung ở những vùng trung tâm như thành phố, thị xã. Trong toàn vùng có 5 thành phố và 3 thị xã, nhưng số bác sĩ phân bố tại 8 đơn vị này đã là 1.532 người trong tổng số 2.996 bác sĩ của khu vực. Sự phân bố không đồng đều về nhân lực giữa vùng trung tâm và vùng sâu, vùng xa cho thấy một nghịch lý là những vùng khó khăn cần có nhu cầu chăm sóc y tế hơn thì lại có ít cán bộ hơn vùng trung tâm...

Bàn về chất lượng tuyển sinh y dược các trường ngoài công lập, PGS.TS. Lương Xuân Hiến, Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình cho rằng, đào tạo nhân lực ngành y đang bộc lộ nhiều bất cập qua các thông tin như: Điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường quá thấp. Đối với các trường ngoài công lập, trong tình trạng tuyển sinh như vài năm gần đây, tchất lượng đầu vào rất đáng báo động. Quan niệm lâu nay chỉ những người giỏi mới có thể vào y, dược dường như đã trở nên sai lầm, khi mà bây giờ muốn vào học y, dược thậm chí chỉ cần đạt mức điểm sàn hoặc cận sàn! Có quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. Nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Thậm chí, nhiều trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì vay, mượn. Như vậy thì rất khó để có thể đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng...

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thái Nguyên cũng cho rằng, trừ số học sinh thi tuyển theo ba chung của Bộ GD&ĐT đảm bảo chất lượng đầu vào còn lại đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, học sinh hệ liên thông, từ các trường dự bị Đại học chuyển về, học sinh theo diện chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ thì chất lượng đầu vào còn hạn chế.

Yêu cầu bức thiết đổi mới chương trình đạo tạo

Tại hội thảo hầu hết các đại biểu cho rằng, đổi mới đào tạo nhân lực y tế là phải đổi mới nhận thức về giáo dục, đào tạo, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực y tế; Đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách xã hội nhằm tạo nguồn cho đào tạo nhân lực y tế; Có kế hoạch xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực y tế phù hợp với chiến lược đào tạo của Khu vực Tây Thái Bình Dương, của Tổ chức Y tế Thế giới và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong khu vực để hướng tới trao đổi, xuất khẩu nhân lực y tế trong điều kiện “Một ASEAN, một tầm nhìn, một bản sắc” trong thời gian tới.

PGS.TS. Lương Xuân Hiến khẳng định các chương trình đào tạo từ trung cấp đến Đại học, sau Đại học quá tải trầm trọng, tuy nhiên sau sáu năm đào tạo, đa số sinh viên chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Nguyên nhân là do việc dạy học không gắn với thực tiễn. Đa phần các chương trình đào tạo hiện nay là những gì nhà trường và thầy cô đem áp đặt cho người học, chứ chưa phải là cái xã hội cần. Ngoài ra, chương trình cũ, phương pháp dạy học không thay đổi, chất lượng đào tạo không nâng cao. Sự thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất, cơ sở thực hành, sinh viên không được thực hành lâm sàng trên bệnh nhân... cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo không cao. Vì vậycần phải xây dựng các chương trình giảng dạy có chuẩn đầu ra.

Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thái Nguyên Nguyễn Văn Sơn đề nghị cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận dựa trên năng lực trên cơ sở chuẩn năng lực, và chuẩn đầu ra cho từng mã ngành đào tạo, đặc biệt chú trọng vào rèn luyện các kỹ năng, đảm bảo tính liên thông ngang và dọc. Đồng thời, mở rộng các cơ sở thực hành kỹ năng tại các cơ sở y tế từ tuyến trung ương cho đến cơ sở.

Nhiều đại diện các trường đại học cũng cho rằng bức tranh chung về cách tiếp cận trong đào tạo nhân lực về y tế phải chuyển từ đào tạo theo khối lượng kiến thức sang đào tạo theo năng lực cũng như chuyển từ đào tạo cái đang có sang đào tạo cái mà xã hội cần.

Về định hướng đổi mới đào tạo nhân lực y tế khu vực miền núi phía Bắc, các đại biểu đồng tình trước hết ngành y cần đổi mới nhận thức về giáo dục, đào tạo, sử dụng, quản lý nguồn nhân lực y tế. Trong đó, cần coi đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực y tế. Đồng thời tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hướng tới bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngoài ra các cơ sở đào tạo y tế của vùng phải chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp dạy học kết hợp đào tạo sử dụng, nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ; mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành trọng điểm trong vùng, trong nước và hợp tác quốc tế.

Khuyến nghị ngành Y tế cần đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm đào tạo nguồn lực y tế tại chỗ cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước hết các địa phương cần tập trung toàn diện để đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tạo bước chuyển cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng phục vụ thiết thực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Xây dựng các tiêu chí về nhân lực y tế làm cơ sở đào tạo, đồng thời thực hiện tốt công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực y tế hợp lý.

Việc đổi mới giáo dục và đào tạo khối ngành y dược khu vực miền núi phía Bắc cần phải được tiến hành một cách đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục tập quán của vùng. Có như vậy đổi mới mới thực sự thiết thực, phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới./.

Hoàng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất