(TG) - Vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền giáo dục, bảo vệ sức
khỏe nhân dân được thể hiện trên 3 trụ cột: Tuyên truyền phổ
biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tới người dân; Tuyên truyền
các thành tựu của ngành y tế, gương người tốt việc tốt; Phản ánh tiêu
cực của ngành với tinh thần xây dựng để giúp ngành y tế phấn đấu vươn
lên.
Ngày 24/7, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo “Vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ Đô".
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, ngành y tế Hà Nội đã không ngừng lớn mạnh. Đến nay, ngành Y tế đã có 89 đơn vị trực thuộc, 26 bệnh viện tư nhân, trên 2.500 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập và trên 5.000 cơ sở kinh doanh thuốc có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho 7,3 triệu người dân Thủ đô, trên 2 triệu người dân từ các địa phương đến học tập, lao động, sinh sống và nhân dân các tỉnh lân cận.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một mặt thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Những năm qua, thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”.
Trong những năm qua, báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành y tế Thủ Đô trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức người dân trên địa bàn. Hiện nay, trước thực tế thế giới xuất hiện nhiều dịch bệnh mới càng đòi hỏi ngành y tế và báo chí phối hợp chặt chẽ hơn để là tốt công tác vận động, tuyên truyền để Nhân dân hiểu và tăng cường phòng, chống dịch bệnh.
Tiêu biểu, mới đây xuất hiện dịch Ebola, Mers-CoV, sự vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã giúp những thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng tránh bệnh đã đến được với từng người dân. Nhờ đó, tính đến này, mặc dù dịch Mers-CoV đã bùng phát ở một số nước lân cận nhưng Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc nào.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội; là nhân tố cơ bản giữ vai trò nền tảng để phát huy nhân tố con người, thúc đẩy xã hội phát triển; đồng thời cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà một xã hội phát triển cần hướng tới. Chính vì vậy, vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền giáo dục, bảo vệ sức khỏe nhân dân phải được thể hiện trên 3 trụ cột gồm: Tuyên truyền phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ tới người dân; Tuyên truyền các thành tựu của ngành y tế, gương người tốt việc tốt; Phản ánh tiêu cực của ngành với tinh thần xây dựng để giúp ngành y tế phấn đấu vươn lên.
Chính vì vậy, để hoạt động truyền thông hiệu quả hơn, các cơ quan báo chí đề nghị, ngành y tế Thủ đô tiếp tục tổ chức các phòng chức năng hoặc cán bộ chuyên trách công tác truyền thông; chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời cho các cơ quan báo chí; tăng cường tuyên truyền về những vấn đề trọng tâm của ngành Y tế, gương người tốt việc tốt, cán bộ y tế điển hình, thành tựu y tế. Thực hiện tốt quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là với những vấn đề, sự việc mang tính thời sự thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Ngoài ra, ngành y tế cần tổ chức những khóa học bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về y tế cho các phóng viên, nhà báo làm việc trong lĩnh vực y tế. Từ đó góp phần nâng cao khả năng tuyên truyền kiến thức về sức khỏe phòng tránh những bệnh tật, dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã nhấn mạnh vai trò của báo chí trong công tác phản ánh tiêu cực của ngành Y với tinh thần xây dựng; đặc biệt là, nêu nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt để giúp ngành phấn đấu vươn lên.
Trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với các đơn vị trong toàn ngành để báo chí thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
HMT