Thứ Tư, 2/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 12/8/2010 21:10'(GMT+7)

Công tác tuyên giáo cơ sở với việc góp phần chỉ đạo triển khai Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi

Để góp phần vào chỉ đạo cơ sở triển khai Đề án nêu trên, công tác tuyên giáo cơ sở cần tập trung vào một số nội dung sau đây:

1. Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội đối với sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Cho đến nay, sau 65 năm cách mạng tháng Tám thành công, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới sự nghiệp chăm sóc, nuôi dạy và giáo dục thế hệ trẻ ngay từ khi mới lọt lòng. Trước đây, trong thời kì bao cấp, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo được thành lập trong các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã; tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn chưa phát triển, nên cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, tạm bợ, đội ngũ bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ còn nhiều hạn chế, chủ yếu mới thực hiện được ở mức “trông trẻ” để bố mẹ các cháu lao động sản xuất. Trước công cuộc đổi mới, hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo hầu như bị tan rã, nhất là từ khi nước ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, khi mà các hợp tác xã nông nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp buộc phải tái cấu trúc. Trong bối cảnh như vậy, giáo dục cũng bắt đầu có những biến động về mạng lưới trường lớp ở các bậc học, giảm sút về số giáo viên và học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông. Khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) ban hành Nghị quyết Trung ương 2, ngày 24 - 12- 1996, “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, giáo dục nước ta có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với các bậc học khác thì giáo dục mầm non vẫn gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong cơ chế hoạt động. Mãi tới khi có Quyết định 161/2002/QĐ-TTg, ngày 15-11-2002, của Chính phủ, “Về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non”, thì mới tạo ra chuyển biến có tính khởi sắc đối với giáo bậc học này. Song sau đó 3 năm, khi mà Luật Giáo dục sửa đổi được ban hành (năm 2005) thì việc chuyển đổi các trường bán công sang tư thục đã gây hoang mang cho giáo dục mầm non, vì loại hình trường bán công chủ yếu ra đời ở các địa bàn khó khăn, nếu chuyển sang tư thục thì coi như thất bại; tình hình đó chỉ mới được tháo gỡ khi mà chính phủ có hướng cho phép chuyển đổi sang loại hình trường công lập.

Việc Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015 là một minh chứng cho tính nhất quán đường lối phát triển giáo dục của Đảng; nhất là Đề án lại được phê duyệt trong thời điểm cả nước đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi cũng đang được thúc đẩy tốt. Giáo dục là một quá trình, điểm khởi đầu bắt đầu từ khi trẻ còn trong độ tuổi mầm non, nhất là với trẻ 5 tuổi - đứng trước ngưỡng cửa của giáo dục học đường, được chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào giáo dục tiểu học. Vì vậy, triển khai tốt đề án này là một sự cụ thể hóa hành động của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội đối với trẻ em, thể hiện quyết tâm quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhưng, quyết tâm không dừng lại ở lời nói và văn bản chỉ đạo mà phải có sự vào cuộc thật sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, không để đơn lẻ một mình ngành giáo dục theo quan niệm “việc của giáo dục thì để giáo dục tự quyết, tự lo”. Trước hết, các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng địa phương cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kì 2010-2015. Mặt khác, thông qua các hình thức tuyên truyền miệng, các kênh thông tin báo chí, truyền hình, sinh hoạt đoàn thể, tổ chức, kể cả các trung tâm học tập cộng đồng, cần làm rõ trách nhiệm của các lực lượng xã hội, các đoàn thể trong việc phối hợp triển khai đề án. Rút kinh nghiệm từ công tác xóa mù, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong quá trình chỉ đạo, thực hiện, các địa phương cần khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội (rút ngắn thời gian được công nhận phổ cập) mà xem nhẹ tính bền vững cũng như phiến diện trong các chỉ tiêu phổ cập.

2. Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cụ thể hóa cơ chế, chính sách sát với tình hình địa phương, nhằm tạo ra bước chuyển biến toàn diện, sâu sắc đối với giáo dục mầm non

Thực tiễn công tác tuyên giáo trong 80 năm qua đã cho thấy: ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền sâu sát với cơ sở, chỉ đạo kịp thời để tháo gỡ khó khăn thì ở đó phong trào cách mạng phát triển. Hơn 20 năm đổi mới, giáo dục nước ta chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, ngày càng xảy ra những vụ việc, hiện tượng phản ánh tính chất thương mại hóa giáo dục, làm ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa, gây bức xúc xã hội; để khắc phục tình trạng đó, đòi hỏi phải nâng cao vai trò trách nhiệm của công tác tuyên giáo cơ sở, giúp cho cấp ủy đảng địa phương thực hiện tốt chức năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý toàn diện đối với sự nghiệp giáo dục trên địa bàn. Quá trình tham mưu gồm nhiều khâu khớp nối nhau, với nhiều hình thức phong phú, tổ chức các hoạt động triển khai nghị quyết, chỉ thị; chất lượng công tác tuyên giáo phụ thuộc vào việc đề xuất các giải pháp cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế địa phương.

Để giúp cho ngành giáo dục triển khai tốt đề án phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi, công tác tuyên giáo cơ sở cần làm tốt chức năng tham mưu trong một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách như:

- Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền xác định công tác chỉ đạo, quản lý phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phối hợp các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể hỗ trợ ngành giáo dục trong quá trình thực hiện đề án, trong đó chú ý vai trò vận động xã hội của hội phụ nữ, hội khuyến học.

- Xây dựng qui hoạch tổng thể mạng lưới giáo dục mầm non sát với điều kiện thực tế địa phương, nhất là việc dành quĩ đất để xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia.

- Huy động nguồn lực xã hội và ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng học, có thiết bị giáo dục, từng bước đảm bảo môi trường chăm sóc, nuôi dạy trẻ có văn hóa và theo phương pháp tiên tiến..

- Nâng cao vai trò giám sát xã hội của nhân dân địa phương đối với các hoạt động có nguy cơ làm ảnh hưởng tới phổ cập giáo dục trẻ mầm non, trong đó lưu ý việc thực hiện đúng qui hoạch, thực hiện đúng qui chế hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non. Với những địa bàn đô thị, việc giám sát nhân dân còn phải nhằm vào mục đích đảm bảo công bằng xã hội trong tuyển sinh đối với trẻ 5 tuổi.

- Thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước trong việc xử lý các vụ việc vi phạm của các tổ chức, cá nhân đối với giáo dục mầm non trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn những hành vi bạo lực đối với trẻ, nghiêm trị theo pháp luật đối với hành vi cố tình chiếm dụng quĩ đất của cơ sở giáo dục mầm non (theo qui hoạch đã được phê duyệt, nhưng lại chuyển sang mục đích kinh doanh khác).

- Vận động phụ huynh đưa trẻ tới lớp, đảm bảo các điều kiện tốt nhất trong khả năng cho phép để phối hợp với trường mầm non làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ; nhất là với nông thôn, miền núi, với con em đồng bào dân tộc, con em các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm học mới đã sắp bắt đầu, với việc triển khai đề án nêu trên chắc chắn sẽ là một luồng sinh khí mới đối với giáo dục mầm non, nếu bắt nhịp và làm tốt ngay từ khi khởi đầu đề án, sẽ làm tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác tuyên giáo cơ sở phải nắm vững tinh thần đó để nỗ lực hơn nữa, đóng góp vào việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với giáo dục.

TS. Trần Viết Lưu - Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất