(TG) - Công tác quán triệt, tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hậu Giang; đa số người nông dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình.
Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thể hiện sự quan tâm của Đảng ta đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cùng với xây dựng hệ thống chính trị nông thôn vững mạnh,… tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Để triển khai, quán triệt Kết luận số 54-KL/TW và Nghị quyết số 19- NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 162-KH/TU ngày 30/12/2019 thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 140-CTr/TU ngày 09/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung Kết luận số 54-KL/TW vào các chương trình, kế hoạch của tỉnh.
Tỉnh Hậu Giang có lợi thế, thuận lợi cơ bản về sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nông nghiệp của tỉnh đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 162.223 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 140.371 ha chiếm 86,53%; dân số 728.293 người, trong đó 71,9% sinh sống ở khu vực nông thôn. Cơ cấu khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm 21,95% trong cơ cấu GRDP của tỉnh và đóng góp khoảng 12.841 tỷ đồng (theo giá hiện hành).
|
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt việc tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để cả hệ thống chính trị và Nhân dân hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nông dân tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: CT)
Các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân những nội dung Kết luận số 54-KL/TW và các nghị quyết, chương trình về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, khẳng định rõ quan điểm của Đảng ta về vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời triển khai các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các gương tiêu biểu, điển hình, những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hình thức tuyên truyền cũng rất đa dạng, phong phú như các chuyên mục trên phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình, kênh báo chí, hệ thống truyền thanh xã, ấp,...); các hình thức tổ chức hội nghị, hội thi, tọa đàm, sân khấu hóa,...; các phong trào vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể các cấp.
Hậu Giang đã tổ chức tuyên truyền về xây dựng NTM 1.226 cuộc với 40.794 lượt người tham dự. Mặt trận và đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông đã chủ động đưa tin về chương trình, có trên 250 tin, bài về xây dựng nông thôn mới trên báo Hậu Giang và trang thông tin điện tử của Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh. Thực hiện truyền thông trên báo chí (159 kỳ), Đài PTTH (20 kỳ); Pano tuyên truyền (940 cái); bản tin nông thôn mới (11.300 quyển); bản đăng ký hộ gia đình tham gia xây dựng NTM (40.000 bản); tổ chức trên 60 cuộc truyền thông trực tiếp cho người dân, 20 cuộc “Nói chuyện chuyên đề” về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; xây dựng Video clip truyền thông về cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Tổ chức Hội nghị sơ kết, khen thưởng các điển hình thực hiện vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình; Hội Liên hiệp Phụ các cấp đã có 38.900 tin, bài được tuyên truyền, chia sẻ, 517.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tiếp cận thông tin Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".
|
Công tác quán triệt, tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, chuyển biến hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đa số người nông dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan toả mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, được toàn xã hội quan tâm, hưởng ứng tham gia tích cực./.
Minh Nguyễn