Tham
dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường; Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch
HĐND tỉnh Hậu Giang; Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; đại diện một số vụ, đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên
và Môi trường cùng gần 300 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, cán bộ phụ trách
lĩnh vực liên quan đến đất đai, tài nguyên và môi trường của 8 huyện,
thị xã, thành phố và 75 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA ĐẤT NƯỚC NÓI CHUNG, CỦA TỈNH HẬU GIANG NÓI RIÊNG
Phát
biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh Đồng Văn Thanh nêu rõ, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Đất đai năm 2024. Ngày 1/2/2024, Chủ tịch nước cũng đã ký Lệnh số 01/2024/L-CTN về việc công bố Luật Đất đai 2024. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND
tỉnh Hậu Giang phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày
1/8/2024 và Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày
1/7/2024; các văn bản hướng dẫn thi hành 2 luật trên có hiệu lực cùng
thời điểm. Việc 2 văn bản luật được ban hành có nhiều quy định đổi mới
mang tính đột phá, sẽ là bước tiến mới, tạo dựng hành lang pháp lý
hoàn thiện, đầy đủ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong
công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước và đất đai tại địa phương.
Bên cạnh đó, các luật mới cũng sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng
mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã
hội, hội nhập quốc tế của đất nước nói chung, của tỉnh Hậu Giang nói
riêng.
Để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước
năm 2023 đạt hiệu quả, chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh đề nghị các sở,
ban, ngành, địa phương trên địa bàn tập trung nghiên cứu, quán triệt kịp
thời, hiểu sâu và áp dụng chính xác những nội dung của các quy định về
đất đai, tài nguyên nước, qua đó đưa các quy định pháp luật đi vào cuộc
sống; đề nghị cán bộ, công chức, viên chức làm
công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh tham dự Hội
nghị cần tập trung nghiên cứu những nội dung cụ thể trong Luật, tích cực
tham gia thảo luận để các chuyên gia giải thích rõ hơn những vấn đề còn
vướng mắc, cần phân tích, xin ý kiến hướng dẫn, giải thích của chuyên
gia để việc áp dụng pháp Luật Tài nguyên nước và Luật Đất đai trên địa
bàn tỉnh được đầy đủ, đồng bộ, thống nhất trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nêu, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh
bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, quyết nghị Luật Đất
đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 để đưa những nội dung mới mang
tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu
đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả
quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát
triển có thu nhập cao. Trong đó, Luật đã bao quát toàn diện các mặt công
tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục
hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền
địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, đối với Luật Tài nguyên nước đã
được Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/11/2023. Luật Tài nguyên nước
năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước
tiến lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài
nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn
nhiều thách thức. Theo đó, có 4 nhóm chính sách, gồm: 1) Bảo đảm an ninh
nguồn nước; 2) Xã hội hóa ngành nước; 3) Kinh tế tài nguyên nước và 4)
Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được thể
hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước 2023.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Luật Tài
nguyên nước năm 2023 và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã
quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và
địa phương. Trong đó, Luật Tài nguyên nước đã giao cho địa phương thực
thi 28 nội dung để tổ chức thi hành Luật. Việc phân cấp, phân quyền, chú
trọng đề cao vai trò, trách nhiệm các bên liên quan đã được cụ thể hóa
trong 2 Nghị định, 3 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước
2023...
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã nghe các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường phổ biến những nội dung trọng tâm của Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024; Nghị định số
71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định
về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định
số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và
Hệ thống thông tin đất đai; các nội dung về Luật Tài nguyên nước năm
2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước. Bên cạnh, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi
trường cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp một số nội dung, thắc mắc có liên
quan để việc triển khai thi hành đảm bảo chính xác, đồng bộ, đúng quy
định.
HẬU GIANG TIẾP TỤC THỰC HIỆN TỐT CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI, TÀI NGUYÊN NƯỚC
Đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc làm việc.
Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi
trường cũng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về việc triển khai
Luật Đất đai và Luật Tài nguyên nước.
Cũng với nhiều nội dung trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ
Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục thực
hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên
nước. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về
Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước cho cán bộ các Phòng Tài nguyên và
Môi trường, cán bộ địa chính, Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm Phát
triển quỹ đất để có sự thống nhất về nhận thức và thực hiện hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh cần tập trung nguồn lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp
luật liên quan lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước thuộc thẩm quyền, quá
trình xây dựng văn bản cần đúng trình tự, thủ tục; cần quy định theo
hướng mở theo từng địa phương, khu vực để quá trình áp dụng thuận lợi,
tránh việc phải chỉnh sửa nhiều lần. Các nội dung phải được xem xét đồng
bộ, toàn diện, có đánh giá tác động kỹ lưỡng để có lộ trình xây dựng
đảm bảo đồng thuận xã hội.
Cùng với đó, Hậu Giang cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu về
đất đai đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông; quan tâm kiện toàn bộ
máy Văn phòng đăng ký đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất để đủ năng
lực thực hiện nhiệm vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công
tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, sớm phát hiện, uốn nắn, có
giải pháp xử lý kịp thời các sai phạm...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, trên cơ sở Luật
Tài nguyên nước, tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch quản lý, điều chỉnh, sử dụng
tốt nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về lĩnh vực đất
đai, địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật để thực
hiện đúng, đảm bảo người dân được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà
nước. Qua những ý kiến đóng góp, hướng dẫn cụ thể của Đoàn công tác, cán
bộ, công chức ngành Tài nguyên và Môi trường, tỉnh sẽ có nhận thức toàn
diện, đúng đắn hơn trong thực hiện pháp luật về lĩnh vực đất đai, tài
nguyên nước.
Thông tin tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh
Hậu Gang Nguyễn Hoàng Anh cho biết, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi
trường tại Hậu Giang đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hướng dẫn; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh thường xuyên quan
tâm, chỉ đạo. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang đã chủ động tham mưu ban hành những chủ trương, chính
sách, các quy định được phân cấp quản lý trên địa bàn; hầu hết các
chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu giao cho ngành tài nguyên và môi trường
đều thực hiện hoàn thành tốt, chất lượng tham mưu ngày càng nâng cao,
đảm bảo theo đúng quy định pháp luật...
Tuy nhiên, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh
Hậu Gang cũng cho rằng, trong quá trình triển khai Luật Đất đai, tỉnh còn gặp một
số khó khăn, vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp
tỉnh; thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích
khác; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất; giao đất thành nhiều đợt trong
cùng một dự án; chính sách tái định cư, bồi thường đất ở bằng đất ở tái
định cư... Đối với Luật Tài nguyên nước, tỉnh cũng gặp một số vướng mắc về cấp giấy
phép khai thác nước dưới đất đối với giếng khoan dự phòng ứng phó xâm
nhập mặn; quản lý các công trình khai thác nước dưới đất để nuôi thủy
sản của các gia đình...
Tại cuộc làm việc, nhiều vấn đề được đại biểu của tỉnh nêu lên đã được thành viên Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường trao đổi, giải đáp, hướng dẫn.../.
LÊ HƯNG